Thứ Bảy, 18/10/2014 09:04

Xử lý nợ xấu có cần đến “tiền thật”?

Khác với ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế hiện nay, rằng phải có “tiền thật” mới có thể xử lý vấn đề nợ xấu hiện nay, có ý kiến cho rằng lời giải cho bài toán nợ xấu vẫn có thể nằm ở mô hình Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), vấn đề là cần tháo gỡ những vướng mắc về đầu ra cho công ty này. TBKTSG xin giới thiệu bài viết sau để bạn đọc tham khảo.

* TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn: Xử lý nợ xấu từ chính nguồn lực trong DNNN

* Dân góp tiền để xử lý nợ xấu?

* Nợ xấu: Cần có biện pháp xử lý rõ ràng hơn nữa!

Để giải đáp một cách thấu đáo bài toán xử lý nợ xấu trong điều kiện đặc thù của Việt Nam, trước hết cần phải làm rõ một số căn cứ.

Thứ nhất, nợ xấu xuất phát từ đâu thì cần phải giải quyết ngay từ chính gốc rễ nơi phát sinh ra nó. Đây là nguyên tắc quan trọng hàng đầu chi phối việc hoạch định cơ chế chính sách xử lý nợ xấu.

Chiếu theo nguyên tắc này, ngân hàng thương mại (NHTM) nơi cho vay phải sử dụng tối đa nguồn lực tài chính để trích lập dự phòng rủi ro các khoản nợ xấu trước khi bán phần dư nợ còn lại cho VAMC.

Khoản nợ sau khi đã bán nếu đến hết kỳ hạn cho phép vẫn chưa xử lý được thì sẽ chuyển giao lại nơi xuất phát, có nghĩa NHTM là người chịu trách nhiệm cuối cùng.

Cũng cần lưu ý rằng, nguồn lực tài chính NHTM dành để xử lý rủi ro thực chất là “tiền thật” do ngân sách để lại cho hệ thống ngân hàng thông qua bút toán tăng chi phí kinh doanh hợp lý, bởi nếu không xử lý rủi ro thì NHTM phải có nghĩa vụ tăng tương ứng các khoản thuế phải nộp cho ngân sách.

Thứ hai, nợ xấu cao đồng nghĩa với việc dẫn đến nguy cơ mất hoặc gián đoạn thanh khoản. Điều này là tối kỵ trong hoạt động ngân hàng. Cách thức nhanh nhất để tạo dòng tiền thanh khoản là vay tái chiết khấu Ngân hàng Nhà nước, đây chính là giải pháp trụ cột được VAMC áp dụng nhằm hỗ trợ các NHTM bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt, từ đó NHTM củng cố được năng lực chi trả, duy trì hoạt động bình thường, tạo cơ hội phát triển kinh doanh hiệu quả.

Cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách để VAMC có điều kiện phát huy đầy đủ năng lực thẩm quyền trong quá trình xử lý nợ xấu.

Như vậy, thay vì trực tiếp bỏ “tiền tươi thóc thật” để xóa nợ xấu, một việc khó khả thi trong hoàn cảnh quá eo hẹp ngân sách như Việt Nam, công cụ tái cấp vốn thông qua VAMC trở thành nguồn lực gián tiếp góp phần trợ giúp NHTM vượt qua bạo bệnh, nuôi dưỡng nguồn lực tài chính để từng bước xử lý nợ.

Giải pháp này có ý nghĩa như “cho cần câu hơn là cho con cá”. FED đã từng áp dụng thành công giải pháp này khi tung ra hàng ngàn tỉ đô la Mỹ thanh khoản để giúp hệ thống tài chính Mỹ vượt qua đại khủng hoảng năm 2008. Nếu nguồn vốn này không phải là “tiền thật” thì liệu có mang lại cơ hội phục hồi tăng trưởng cho nước Mỹ như ngày hôm nay?

Thứ ba, theo tinh thần Nghị định 53 của Chính phủ thì VAMC được xem là “công cụ đặc biệt” của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý. Vế “đầu vào”- tức là mua nợ - thì có vẻ thông suốt, nhưng vế “đầu ra” - xử lý nợ - gần như tắc tị, bởi hành xử của VAMC còn bị vướng mắc nhiều về hành lang pháp lý.

Một số ý kiến cho rằng với vốn điều lệ 500 tỉ đồng sẽ không cho phép VAMC hội đủ năng lực xử lý nợ, nên cần thiết phải tăng thêm.

Trên thực tế, không giống như NHTM, khả năng huy động vốn bị chế định bởi quy mô vốn điều lệ tương ứng, vốn điều lệ của VAMC chỉ mang tính quy ước và không dẫn đến hậu quả pháp lý nào làm hạn chế năng lực cung ứng “tiền thật” của VAMC trong việc xử lý nợ, cụ thể là khả năng tái cấp vốn. Vướng mắc chính là ở chỗ chưa có cơ chế ủy quyền đầy đủ cho NHTM trong quá trình tiếp tục theo dõi xử lý nợ sau khi đã bán, quyền định đoạt tài sản thế chấp của VAMC thông qua thẩm định giá, đấu giá, phát mãi... bị chồng chéo về cơ chế thủ tục pháp lý, thiếu tính chủ động, thậm chí dễ bị quy trách nhiệm cố ý làm trái pháp luật, dẫn đến nguy cơ hình sự hóa.

Tình trạng này càng kéo dài càng làm ngưng trệ khả năng chuyển hóa tài sản thế chấp sang “tiền mặt”, buộc phải tăng khối lượng tái cấp vốn tương ứng, trong khi nhìn về lâu dài thì đây không phải là giải pháp có lợi, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô. Hay nói khác đi, nếu VAMC vẫn phải vận dụng cơ chế xử lý tài sản bảo đảm tương tự như các NHTM lâu nay vẫn làm thì tình trạng “bình mới, rượu cũ” tiếp tục tái diễn và thực trạng xử lý nợ xấu sẽ không thể cải thiện một cách căn bản.

Như vậy, không nên “lăn tăn” về việc VAMC có sở hữu “tiền thật” hay không. Điều quan trọng hơn là cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách để VAMC có điều kiện phát huy đầy đủ năng lực thẩm quyền trong quá trình xử lý nợ xấu.

Tâm Dân

tbktsg

Các tin tức khác

>   VIB tổ chức sự kiện giới thiệu gói sản phẩm Freedom (17/10/2014)

>   Góc khuất tăng trưởng tín dụng (17/10/2014)

>   TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn: Xử lý nợ xấu từ chính nguồn lực trong DNNN (17/10/2014)

>   VAMC giảm lãi suất các khoản nợ xấu đã được mua (17/10/2014)

>   VIB được chấp thuận thành lập 7 phòng giao dịch (17/10/2014)

>   Gần 2.000 tỷ đồng cho vay thí điểm nông nghiệp công nghệ cao (16/10/2014)

>   Lãi suất cho vay liệu có giảm theo lãi suất huy động? (16/10/2014)

>   ​Lại bàn sửa điều kiện vay từ gói 30.000 tỉ đồng (16/10/2014)

>   Giải quyết bài toán về vốn cho kinh doanh nhỏ lẻ (16/10/2014)

>   Tái cấu trúc ngân hàng qua lăng kính quốc tế (16/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật