VN-Index và vùng kháng cự 630-650?
Sau một tháng tạm dừng chân và nghỉ ngơi tiếp sức, TTCK Việt Nam khởi động tháng 10 khá tích cực với việc chỉ số VN-Index tăng 10.47 điểm và HNX-Index tăng 1.11 điểm phiên giao dịch ngày đầu tháng. Dường như “chú Bò” lại tiếp tục công việc của mình đưa chỉ số VN-Index tái chinh phục vùng kháng cự 630-650.
Trên phương diện phân tích kỹ thuật, sau 1 năm ròng rã quyết đấu, “chú Bò” đã chính thức hạ gục “chú Gấu” bướng bỉnh vào tháng 1 năm nay khi chỉ số VN-Index chinh phục thành công vùng giá 515-530.
Trong bối cảnh Việt Nam quyết liệt tái cấu trúc, “chú Bò” có lẽ sẽ tiếp tục công việc của mình trong nhiều năm tới. Ngoài ra, nếu thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tiếp tục xu hướng tăng như người viết nhận định trong bài: “Chỉ số Dow Jones và vùng kháng cự 16,700-17,500?”, sức mạnh của “Bò” sẽ được gia tăng đáng kể nhờ dòng tiền đến từ nhà đầu tư nước ngoài. VN-Index sẽ vượt đỉnh cũ đã xác lập năm 2007 và có thể sẽ đạt 2,000-2,500 điểm vài năm tới. Trong thập niên sắp đến, chỉ số này có thể sẽ có lúc thử sức với mục tiêu 6,000 điểm (thậm chí còn cao hơn).
Trước triển vọng như nói trên, vùng kháng cự 630-650 trở nên mờ nhạt! Thực ra vùng giá này chỉ mang nhiều ý nghĩa về mặt tâm lý bởi đó là vùng đỉnh của sóng tăng năm 2009 và nửa đầu năm 2006. Có lẽ VN-Index sẽ không khó để vượt qua thử thách này trong 3-6 tháng tới. Vùng giá này sẽ là một vùng hỗ trợ hiệu quả sau đó.
Trong vài tháng trước mắt, vùng hỗ trợ đối với VN-Index sẽ là 560-580. Trường hợp xấu nhất (xác xuất rất thấp), chỉ số này test lại vùng hỗ trợ 515-530.
Vượt qua vùng giá 630-650, chỉ số VN-Index sẽ gặp các vùng kháng cự 680-700 và 750-780. Và trong trường hợp lạc quan, 880-900 là mục tiêu cao nhất, VN-Index khó có thể vượt qua trong vòng 12 tháng tới.
Nhiều doanh nghiệp về cơ bản đã hoàn thành tái cấu trúc, chuẩn bị bước vào chu kỳ tăng trưởng mới. Báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 được công bố trong tháng này cũng như kết quả kinh doanh quý 4/2014 và cả năm được kỳ vọng là tích cực.
Trên bình diện vĩ mô, tốc độ tăng GDP được cho là đã qua đáy và đang phục hồi; dòng vốn FDI tiếp tục sôi động, tìm đến Việt Nam như một địa chỉ đầu tư hấp dẫn; các đợt IPO thành công của một số doanh nghiệp lớn gần đây; các sự kiện M&A dồn dập thời gian qua...
Đó chính là những nhân tố nền tảng, động lực cho thị trường tiếp tục xu hướng tăng giá trung – dài hạn bất chấp những diễn biến khá kịch tính trong ngắn hạn.
Phạm Tường Phán
|