Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Bắt đầu có doanh nghiệp quy mô lớn phá sản
Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết: Bắt đầu đã có một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, sẽ tác động tiêu cực hơn tới vấn đề lao động, việc làm, thu ngân sách nhà nước, nợ xấu ngân hàng…
Theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế năm nay ổn định hơn so với năm trước, là năm đầu tiên đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8% theo Nghị quyết của Quốc hội.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã có báo cáo thẩm tra về vấn đề này.
Theo đó, báo cáo thẩm tra một lần nữa nhấn mạnh tới bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp cùng với tình hình kinh tế - xã hội trong nước, nhất là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế nước ta đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Trong bối cảnh đó, hầu hết ý kiến các đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nhất là chỉ đạo, điều hành sâu sát, nhạy bén, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp đã thực hiện đạt mục tiêu tổng quát và hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2014 theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
“Kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế ổn định hơn so với năm trước, là năm đầu tiên đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8% theo Nghị quyết của Quốc hội (năm 2011: GDP tăng 6,24% so với chỉ tiêu tăng 7%-7,5%; năm 2012: GDP tăng 5,25% so với chỉ tiêu tăng 6%-6,5%; năm 2013: GDP tăng 5,42% so với chỉ tiêu tăng 5,5%), đồng thời là năm thứ 3 liên tục xuất siêu, dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng”, báo cáo đánh giá.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng chỉ ra những tồn tại như: Tổng cầu suy giảm, chỉ số hàng tồn kho tăng 13,4%, cao hơn so với 2013. Số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động vẫn lớn, bắt đầu đã có một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn đến nay phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản sẽ tác động tiêu cực hơn tới vấn đề lao động, việc làm, thu ngân sách nhà nước, nợ xấu ngân hàng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng tội phạm kinh tế.
Cùng với đó, cân đối ngân sách nhà nước rất khó khăn, đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công; huy động nguồn trái phiếu Chính phủ ở mức cao và cả việc sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội không chỉ cho năm nay mà sẽ không đủ vốn đầu tư bố trí phục vụ tăng trưởng cho các năm tiếp theo.
Đặc biệt, việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng còn thấp, khoảng 17% so với kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trở lại, năm 2013 là 3,61%, cuối tháng 5/2014 là 4,07% và đến tháng 7/2014 là 4,17%...
Đề cập tới kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tái cơ cấu nền kinh tế từ năm 2011-2014, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho rằng: Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, môi trường đạt thấp theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 . Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 4 năm 2011 - 2014 dự kiến sẽ chỉ đạt khoảng 5,67%/năm, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo Kế hoạch (6,5% - 7%) .
“So với trong khu vực ASEAN thì tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại trong khi một số nước đã có sự cải thiện và duy trì được tốc độ tăng trưởng cao”, ông Giàu nhấn mạnh.
Về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, mặc dù đã có một số kết quả bước đầu nhưng chưa tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản so với mục tiêu đề ra.
Do đó, tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có báo cáo giám sát “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015”.
Nguyễn Hiền
dân trí
|