TPHCM lần đầu áp dụng hình thức hợp đồng DBO
Phương thức hợp đồng DBO (Thiết kế - Xây dựng – Vận hành) sẽ được áp dụng khi đấu thầu thi công xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè, giai đoạn 2 của dự án vệ sinh môi trường TPHCM.
Theo Ban Quản lý đầu tư dự án Vệ sinh môi trường TPHCM, do hình thức hợp đồng DBO lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam nên TPHCM đã kiến nghị với Chính phủ chấp thuận cơ chế cho phép thành phố được phê duyệt kế hoạch đấu thầu cho hạng mục Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè như là một gói thầu duy nhất để thành phố có cơ sở pháp lý triển khai công tác sơ tuyển cho hạng mục này.
Hình thức hợp đồng DBO do Ngân hàng Thế giới (đơn vị tài trợ dự án) đề xuất vì nó có các lợi ích, cụ thể: (i) Tập trung vào công tác vận hành một cách bền vững, do một đơn vị vận hành có kinh nghiệm đảm nhận; (ii) Đảm bảo tính kinh tế có giá tổng hợp gồm cả phần thiết kế, xây dựng và vận hành thông qua quy trình đấu thầu cạnh tranh; (iii) Đảm bảo cam kết từ đơn vị vận hành về chi phí vận hành để đáp ứng các tiêu chuẩn nước xả thải; (iv) Đào tạo các chuyên gia về nước thải cho thành phố; (v) Đơn giản hóa công tác mua sắm đấu thầu và tiết kiệm thời gian vì nhà tư vấn, thầu xây dựng và vận hành được lựa chọn thông qua một quy trình đấu thầu duy nhất.
Vì vậy, TPHCM đã thống nhất với Ngân hàng Thế giới về việc áp dụng hình thức hợp đồng DBO.
Do Ngân hàng Thế giới không tài trợ kinh phí cho giai đoạn vận hành, nên để có kinh phí cho giai đoạn này (vận hành - O) thì thay vì tỉ lệ tài trợ cho các cấu phần xây lắp là 90/10 (ODA là 90% ; vốn đối ứng 10%) như trong Dự án vệ sinh môi trường thành phố - giai đoạn 1, Ngân hàng Thế giới sẽ tài trợ toàn bộ 100% cho các cấu phần xây lắp này, trong đó vốn đối ứng vẫn đáp ứng 10% và phần 10% dư ra từ vốn ODA sẽ được sử dụng cho giai đoạn O (vận hành).
Trước đó, UBND Thành phố đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Vệ sinh môi trường TPHCM (giai đoạn 2).
Dự án này nhằm cải thiện, nâng cao sức khỏe đời sống của người dân TPHCM; khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn và lưu vực hạ lưu sông Đồng Nai; cải tạo, chỉnh trang đô thị và nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn môi trường của người dân, thúc đẩy phát triển du lịch, sản xuất, kinh tế cho thành phố…
Sau khi xây dựng hoàn chỉnh toàn bộ dự án, nguồn nước thải sinh hoạt trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và quận 2 sẽ được xử lý đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra môi trường.
Dự án bao gồm: xây dựng tuyến cống bao từ giếng Bờ Đông (sông sài Gòn) đến Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè tại quận 2 dài khoảng 8km (hợp phần 1); xây dựng nhà máy xử lý nước thải kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè công suất 480.000m3/ngày (hợp phần 2); xây dựng mạng lưới cống thoát nước cấp hai, ba và hệ thống đấu nối hộ gia đình tại quận 2 (hợp phần 3).
Được biết, dự án do Ban Quản lý đầu tư dự án Vệ sinh môi trường TPHCM làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 524 triệu đô la Mỹ (trong đó vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới là 450 triệu đô la Mỹ, còn lại là vốn đối ứng của TPHCM), được thực hiện từ năm 2015 đến 2020.
Quang Chung
tbktsg
|