Nhà đầu tư toàn cầu “mất ăn mất ngủ” vì đâu?
Làn sóng tháo chạy khỏi các thị trường chứng khoán toàn cầu dường như vẫn chưa có điểm dừng và Capital Economics đã nêu ra 4 tác nhân đang nhấn chìm các thị trường trong báo cáo công bố hôm 14/10.
* “Fed có thể chưa kết thúc QE3 trong tháng 10”
* Hàng loạt chỉ số chứng khoán lớn thế giới đã/sắp bước vào phạm vi điều chỉnh
Nguy cơ suy thoái mới tại châu Âu
Theo chuyên gia kinh tế Julian Jessop của Capital Economics, các dấu hiệu về một cuộc suy thoái mới tại châu Âu, đặc biệt là tại Đức, là rào cản đáng lo ngại nhất đối với các thị trường. Ông nói: “Thật khó để tìm ra bất kỳ một giải pháp nào mà không liên quan đến động thái nới lỏng định lượng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và sự rớt giá hơn nữa của đồng EUR trong các tháng tới”.
Số liệu sản xuất từ Đức, nền kinh tế lớn nhất và là động lực tăng trưởng của châu Âu, được công bố tuần trước là khá thất vọng với sản lượng công nghiệp tháng 9 giảm 4%. Được biết, kinh tế Đức đã tăng trưởng âm 0.2% trong quý 2/2014 và có nguy cơ rơi vào suy thoái trong quý 3 vừa qua. Còn xét tổng thể nền kinh tế Eurozone, GDP của khu vực này đi ngang trong quý 2/2014.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (16/10), chỉ số FTSE 100 của Anh lao dốc 2.83%, chỉ số CAC 40 của Pháp rớt mạnh 3.63% trong khi chỉ số DAX của Đức nhích 0.37%. Tính đến thời điểm này, FTSE 100 đã giảm 9.76%, sắp bước vào phạm vi điều chỉnh; trong khi CAC 40 và DAX đã chính thức rơi vào tình trạng này với mức sụt giảm lần lượt 14.38% và 14.25% so với mức đỉnh gần đây nhất.
Cùng ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones giảm 173.45 điểm (tương ứng 1.06%) sau khi bốc hơi tới 458 điểm tại mức thấp nhất trong phiên. Chỉ số S&P 500 mất 0.81% và chỉ số Nasdaq Composite lùi 0.28%. Sau phiên giao dịch này, Dow Jones đã đánh mất 6.94%, S&P 500 hạ 7.96% và Nasdaq Composite rớt 9.19% so đỉnh cao xác lập gần đây.
Sự rơi tự do của giá dầu thô
Trở ngại thứ hai đối với các thị trường toàn cầu là đà lao dốc của giá dầu thô nhưng ông Jessop cho biết điều này ít đáng lo ngại hơn. Hiện giá dầu thô WTI đã sụt giảm hơn 20% so mức đỉnh 2014 xác lập vào giữa năm nay và đang giao dịch sát mốc 82 USD/thùng. Có thời điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (16/10), giá dầu WTI rớt mốc 80 USD.
Ông Jessop cho biết: “Sự sụp đổ của giá dầu thô cho thấy sự yếu kém của nền kinh tế thế giới”. Nguyên nhân khiến giá dầu rơi tự do theo ông là nhu cầu yếu kém từ châu Âu và Trung Quốc cũng như nguồn cung cao hơn, đồng USD mạnh và đà bán bán tháo do tâm lý sợ hãi của nhà đầu tư.
Ông cho biết thêm: “Cho dù là nguyên nhân gì thì chi phí năng lượng thấp hơn cũng sẽ góp phần thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu”. Ông kỳ vọng giá dầu sẽ phục hồi về mức 93 USD/thùng vào cuối năm.
Đà rớt giá của các kim loại
Một yếu tố khác có thể khiến các nhà đầu tư đau đầu là mối lo ngại triền miên về một thông tin khá cũ. Đó là sự giảm tốc của các thị trường mới nổi quan trọng. Ông Jessop cho biết điều này đã từng diễn ra trong giai đoạn 2010-2012 và được thể hiện qua đà rớt giá của các kim loại công nghiệp.
Ông nói: “Rất nhiều thông tin tiêu cực đối với giá hàng hóa – đặc biệt là các kim loại – hiện đã được chiết khấu xong”. Ông cho biết thêm, dù tăng trưởng của nền kinh tế mới nổi lớn nhất là Trung Quốc có thể đã rớt xuống dưới ngưỡng 7% trong quý 3 nhưng đây vẫn là tốc độ tăng trưởng tương đối khả quan.
Bất ổn địa chính trị
Nỗi ám ảnh cuối cùng đối với các nhà đầu tư là các bất ổn địa chính trị, trong đó có nỗi lo sợ về dịch bệnh Ebola, ông Jessop cho biết.
Theo ông, phần lớn những mối lo ngại này đều hơi quá đà nhưng một lần nữa châu Âu có thể trở thành cú sốc lớn nhất.
Không chỉ một mình ông Jessop mới cho rằng châu Âu chính là mối bận tâm lớn nhất đối với các thị trường. Ông Matthew Hegarty, nhà phân tích cổ phiếu tại Perennial Investment Partners nhận định trên CNBC rằng nguy cơ giảm phát cũng là một mối lo lắng lớn.
Ông nói: “Triển vọng hiện nay của châu Âu thực sự phụ thuộc vào hành động khá quyết đoán của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)”. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng ECB đang đi theo bước chân của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và đang tìm kiếm các ông cụ chính sách bất thường, vốn là một yếu tố tích cực đối với chứng khoán.
Đúng là như vậy, Capital Economics cũng cho biết rằng thậm chí khi những nỗi lo sợ này sớm tan biến thì mối quan tâm của các thị trường có thể sẽ chuyển sang khả năng thắt chặt chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ông Jessop nói: “Điều này sẽ đẩy lãi suất trái phiếu kho bạc tăng cao và khiến thị trường tiếp tục biến động mạnh”.
Phước Phạm (Theo CNBC)
|