Nga mạnh tay can thiệp cứu tỷ giá đồng Rúp
Hôm 3/10, Ngân hàng Trung ương Nga đã chi 980 triệu USD để can thiệp thị trường, ngăn không cho tỷ giá đồng Rúp giảm sâu hơn. Đây là động thái can thiệp mạnh nhất của Ngân hàng Trung ương Nga vào thị trường tiền tệ kể từ khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3.
Hãng tin tài chính Bloomberg dẫn thông báo từ Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, tiếp đến, vào ngày hôm qua (6/10), cơ quan này đã nâng biên độ trên của tỷ giá đồng Rúp thêm 10 Kopek lên mức 44,6 Kopek. Việc nới biên độ này đồng nghĩa với việc ít nhất có thêm 700 triệu USD được Ngân hàng Trung ương Nga bán ra thị trường.
Đồng Rúp đã mất giá 14% so với đồng USD trong quý 3, trở thành đồng tiền có mức giảm giá tệ nhất thế giới
|
Đầu giờ sáng nay (7/10) theo giờ Moscow, tỷ giá đồng Rúp tăng thêm 0,1% so với rổ tiền tệ mục tiêu gồm đồng USD và đồng Euro.
“Điều này không có nghĩa là khả năng đồng Rúp giảm giá sâu hơn đã được loại trừ”, chuyên gia kinh tế Vladimir Osakovskiy thuộc ngân hàng Bank of America tại Moscow, đánh giá. “Biên độ dao động của tỷ giá đồng Rúp sẽ được điều chỉnh phù hợp với bất kỳ cuộc can thiệp nào có thể có trong tương lai”.
Trước khi nối lại việc can thiệp vào thị trường tiền tệ từ tuần trước, Nga đã chi 40 tỷ USD để can thiệp vào thị trường tiền tệ trong 5 tháng đầu năm. Đồng Rúp đã mất giá 14% so với đồng USD trong quý 3, trở thành đồng tiền có mức giảm giá tệ nhất thế giới. Cuối tháng 9, đầu tháng 10, tỷ giá đồng Rúp đã rớt xuống mức thấp chưa từng có trong lịch sử.
Những nhân tố chính khiến đồng Rúp mất giá mạnh trong thời gian qua bao gồm giá dầu thô và khí đốt - nguồn đóng góp khoảng 1 nửa ngân sách Chính phủ Nga - giảm mạnh, cũng như cuộc khủng hoảng tiếp diễn ở miền Đông Ukraine bị cho là có bàn tay của Nga.
Các nhà đầu tư đã rút vốn mạnh khỏi Nga kể từ khi khủng hoảng nổ ra ở Ukraine và phương Tây siết chặt trừng phạt kinh tế đối với Moscow. Theo một số ước tính, lượng vốn ròng chạy khỏi Nga năm nay có thể lên tới 100 tỷ USD, mạnh nhất kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào năm 2008.
Theo dự báo, kinh tế Nga sẽ tăng trưởng không quá 0,5% trong năm nay.
Trong hội nghị thường niên về đầu tư tại Nga tổ chức hồi đầu tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng trấn an các nhà đầu tư nước ngoài, cho biết, Nga sẽ không áp dụng các biện pháp kiểm soát dòng vốn và sẽ duy trì tiến trình tư nhân hóa. Ông Putin muốn nhấn mạnh rằng, Nga sẽ tiếp tục duy trì nền kinh tế mở và các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ không gây ra sự thay đổi lớn trong tiến trình phát triển kinh tế của nước này.
Tuy vậy, cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến địa vị của đồng Rúp trên thị trường tài chính toàn cầu suy giảm. Theo số liệu mà Bloomberg đưa ra, tỷ trọng của đồng Rúp trong giao dịch toàn cầu đã giảm xuống còn 0,4% từ mức 0,6% vào năm 2012, khiến đồng Rúp tụt 5 hạng xuống vị trí thứ 18 trong số những đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên toàn thế giới.
Bloomberg cho biết, hiện nay, không có một quốc gia nào trên thế giới giữ đồng Rúp trong dự trữ ngoại hối.
Diệp Vũ
vneconomy
|