Lốc xoáy quật đổ gần 100ha cao su, người dân ngất xỉu
Cả trăm ha cao su tại Bình Phước đã bất ngờ bị cơn lốc xoáy chiều 5-10 quật đổ, thiệt hại hơn 15 tỉ đồng cho các hộ dân. Có chủ vườn xót của ngất xỉu.
Khung cảnh tan hoang của một vườn cao su sau cơn lốc.
|
Tin từ UBND huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) cho hay mưa lớn kèm lốc xoáy tối 5-10 đã làm gãy đổ gần 100ha cao su của hơn 30 hộ dân thuộc các xã Minh Lập và Quang Minh thuộc huyện Chơn Thành. Trong đó, hơn 50% diện tích trồng cao su bị lốc san bằng, mất trắng.
Theo thống kê ban đầu ước thiệt hại cho các hộ dân trong vụ này trên 15 tỉ đồng.
Quan sát tại hiện trường trưa ngày 6-10, hầu hết diện tích cao su bị lốc cuốn có độ tuổi từ 10-15 năm, đang trong thời kỳ cho mủ cao. Xót xa trước khối tài sản lớn bị lốc quật ngã, nhiều người dân khi chứng kiến đã ngất xỉu tại vườn.
Cao su gãy đổ hết, đành phải cưa để bán củi.
|
Người dân buồn bã bên vườn cao su bị lốc xoáy làm hư hỏng phải cưa bán củi.
|
Ông Trần Kim Tính (39 tuổi, ngụ ấp 3, xã Minh Lập), có 5ha cao su 12 năm tuổi (khoảng hơn 2.200 cây) bị mất trắng buồn bã nói: “Cơ nghiệp của cả gia đình chí thú gầy dựng ròng rã mười mấy năm qua bỗng dưng bị lốc xoáy phăng chỉ trong chưa đầy một giờ, mất trên 1 tỉ đồng..."
Cạnh bên anh Tính, hộ ông Nguyễn Văn Viễn có 5ha cao su 12 năm tuổi, hộ ông Phước (cùng ngụ xã Minh Lập) có 2ha cao su 13 năm tuổi cũng bị lốc cuốn đổ sập hoàn toàn.
Riêng hộ ông Trần Văn Sửu (ngụ thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành) có 15ha cao su 11 năm tuổi cũng bị lốc cuốn gãy đổ ngả nghiêng. Ông Phước (48 tuổi) nói: “Sống ở đây từ nhỏ nhưng chưa bao giờ tôi thấy cơn lốc nào lại khủng khiếp như thế”.
Theo tính toán của các hộ, với độ tuổi cây như trên, mỗi ha cao su bị lốc cuốn thiệt hại trên 150 triệu đồng.
Theo ông Phước, do đường kính chưa đủ kích cỡ bán gỗ nên hầu hết diện tích cao su bị thiệt hại của cơn lốc chỉ có thể bán theo giá củi, bình quân chỉ 30-35 triệu đồng/ha.
Cũng theo các hộ dân, với vườn bị lốc cuốn, gãy đổ lởm chởm cũng đành cưa bán củi hết để trồng lại cao su hoặc cây trồng khác, vì nếu giữ lại số cây chưa bị gãy đổ thì vườn trồng lại cũng không thể phát triển đều.
Khung cảnh tan hoang của vườn cao su sau cơn lốc.
|
Cùng ngày bà Nguyễn Thị Minh Tiền (phó chủ tịch UBND xã Minh Lập) cho biết cán bộ xã đã đến hiện trường thống kê thiệt hại của các hộ dân, trên cơ sở đó xã sẽ làm tờ trình kiến nghị huyện có phương án sớm hỗ trợ cho bà con.
“Hầu hết các hộ dân bị thiệt hại sống dựa chủ yếu vào nguồn thu nhập từ vườn cao su. Mặc dù trước mắt các hộ có thể tận thu từ tiền bán củi nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với thiệt hại do lốc cuốn” - bà Tiền nói.
Bùi Liêm
tuổi trẻ
|