Kết quả kinh doanh ngành khai khoáng quý 3/2014: Đã khả quan hơn?
Nền kinh tế đang cho dấu hiệu khởi sắc hơn, kết quả kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp theo đó cũng có những bước tiến mới. Xét ở những công ty thuộc lĩnh vực khai khoáng đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2014, hoạt động kinh doanh cũng tạo điểm sáng khi chỉ còn 4/25 công ty báo lỗ. Tuy nhiên xét tổng thể, ngành khai khoáng đang ghi nhận con số âm về lợi nhuận.
Cụ thể, theo thống kê của Vietstock, trong số 25 công ty thuộc lĩnh vực khai khoáng đã công bố BCTC quý 3/2014 có 21 đơn vị báo lãi với tổng mức lãi gần 144 tỷ đồng, chỉ có 4 đơn vị báo lỗ nhưng mức lỗ lên đến gần 234.4 tỷ đồng đưa tổng thể ngành khai khoáng quý 3/2014 lỗ gần 90.4 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi hơn 59 tỷ đồng cùng kỳ.
TCS lỗ khủng, SQC chưa cải thiện
Sự suy giảm mạnh của CTCP Than Cao Sơn – Vinacomin (HNX: TCS) cùng với việc “ông lớn” CTCP Khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn (HNX: SQC) tiếp tục lỗ nặng là hai nhân tố chính đưa tổng thể ngành suy giảm.
Tại TCS, kết thúc quý 3, đơn vị này lỗ hơn 155 tỷ đồng, đây là mức lỗ cao nhất trong các quý kể từ khi TCS lên niêm yết vào năm 2008, mức lỗ này cũng đã gia tăng mạnh so với số lỗ gần 28 tỷ đồng cùng kỳ năm 2013.
Theo báo cáo tài chính của TCS, nguyên nhân thua lỗ là do đơn vị kinh doanh dưới giá vốn. Kết thúc quý 3/2014, giá vốn hàng bán của TCS ở mức gần 820 tỷ đồng, tăng mạnh gần 45% so với cùng kỳ.
TCS cho biết từ tháng 2 đến tháng 9 năm nay, chênh lệch thuế suất tài nguyên là từ 7% đến 9%, Tập đoàn TKV (Vinacomin) chưa bù lỗ trong kế hoạch giao là 54.2 tỷ đồng. TKV giảm doanh thu do thực hiện cung độ không đạt so kế hoạch là 147.8 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, TCS lỗ hơn 201 tỷ đồng và vượt xa vốn điều lệ thực góp (150 tỷ đồng). Ngoài ra tính đến hết quý 3, các khoản phải thu của TCS giảm đáng kể hơn 50% so với đầu năm, còn gần 111 tỷ đồng, chủ yếu là khoản phải thu khách hàng 90 tỷ đồng. Ngược lại thì tồn kho tăng vọt 63%, lên 404.6 tỷ đồng.
Đáng chú ý là trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả gia tăng 11%, lên 1,554 tỷ đồng, chiếm đến 96% tổng nguồn vốn. Trong đó gồm chủ yếu là vay và nợ ngắn hạn 183 tỷ đồng; người mua trả tiền trước 456 tỷ đồng; chi phí phải trả 392.6 tỷ đồng bao gồm trích trước chi phí bóc đất hụt hệ số hơn 249 tỷ đồng, trích trước chi phí cung độ vận chuyển hụt hệ số 133 tỷ đồng; vay và nợ dài hạn gần 357 tỷ đồng.
Còn ở SQC, mặc dù có vốn chủ sở hữu lên đến hơn 1,010 tỷ đồng nhưng hoạt động kinh doanh khá trái ngược khi xuống dốc trầm trọng kể từ đầu năm 2013. Lợi nhuận quý 1/2013 chỉ 101 triệu đồng, quý 2/2013 với hơn 1.6 tỷ đồng và kể từ quý 3/2013 đến hết quý 3/2014 liên tiếp thua lỗ, trong đó, mức lỗ ngày càng gia tăng và quý 3/2014 lỗ đã lên đến gần 77 tỷ đồng.
Theo BCTC quý 3/2014 của SQC, doanh thu bán hàng khá thấp khi chỉ hơn 11 tỷ đồng, trong khi đó, mức giá vốn hàng bán lên đến hơn 17 tỷ đồng. Doanh thu tài chính không đáng kể nhưng chi phí tài chính tăng hơn 23 lần cùng kỳ lên mức hơn 63 tỷ đồng. Đây là những nguyên nhân chính đưa SQC thua lỗ.
Theo giải trình của SQC, lợi nhuận quý 3/2014 sụt giảm là do thị trường nguyên liệu thế giới năm 2014 sụt giảm dẫn đến giá các sản phẩm titan lao dốc và sụt giá từ 50-70%, đồng thời các chi phí đầu vào như điện, xăng,vận chuyển,… gia tăng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, SQC lỗ 111.5 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 6.3 tỷ đồng cùng kỳ năm 2013 . Tổng tài sản ngắn hạn chỉ 254 tỷ đồng, giảm 33.3% nhưng nợ ngắn hạn lên đến 327 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm.
Bên cạnh TCS và SQC, còn hai đơn vị khác là CVN và CTA cũng báo lỗ trong quý 3/2014 nhưng mức lỗ chỉ lần lượt 103 triệu đồng và hơn 2.3 tỷ đồng.
Bảng những công ty ngành khai khoáng đã ra BCTC quý 3/2014 báo lỗ
|
Bức tranh ngành đã sáng hơn?
Nếu loại trừ tác động của TCS và SQC, bức tranh các doanh nghiệp khai khoáng khác đã có phần sáng hơn. Trong số 21 công ty báo lãi, có 13 công ty đã tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó có những công ty với mức tăng cả 5 đến 10 lần.
Tăng mạnh nhất là Than Hà Lầm – Vinacomin (HNX: HLC), kết thúc quý 3/2014, HLC thu về 526.4 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 19% và lãi sau thuế gần 5.7 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 10.6 lần so với quý 3/2013.
Doanh thu và lợi nhuận gia tăng nhưng tài sản ngắn hạn của HLC suy giảm gần 35% về còn 214.5 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ ngắn hạn mặc dù giảm 21% về hơn 628 tỷ đồng nhưng con số này vẫn gấp 3 lần tài sản ngắn hạn. Điều này cho thấy khả năng thanh toán nhanh của HLC đang bị ảnh hưởng lớn. Xét chung cả ngắn và dài hạn, tổng tài sản của HLC ở mức hơn 2,370 tỷ đồng và nợ phải trả ở mức hơn 2,105.5 tỷ đồng.
Trong quý 3/2014, một số đơn vị khác như Khai thác và Chế biến khoáng sản Lào Cai (HOSE: LCM), Đầu tư và Phát triển KSH (HOSE: KSH) hay Than Vàng Danh – Vinacomin (HNX: TVD) cũng có kết quả kinh doanh tăng mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, xét về lợi nhuận thì TVD đứng đầu với lãi sau thuế đạt gần 34 tỷ đồng, tăng hơn 4.7 lần cùng kỳ.
Theo giải trình của TVD, lợi nhuận gia tăng mạnh là do trong quý 3/2014 công ty sản xuất tương đối tốt với than nguyên khai sản xuất 752,653 tấn, đạt kế hoạch quý và công tác tiêu thụ của công ty cũng thuận lợi với 655,535 tấn, xấp xỉ kế hoạch quý.
TVD cũng cho biết, số liệu chỉ là tương đối vì đặc thù của ngành khai thác than là mọi chi phí sản xuất, giá bán tăng hay giảm đều tập trung vào cuối năm. Do đó lợi nhuận của TVD trong một năm sản xuất, kinh doanh chỉ được xác định cụ thể sau khi quyết toán khoán phí với TKV.
Bảng những công ty ngành khai khoáng đã ra BCTC quý 3/2014 báo lãi
|
5 công ty đã hoàn thành kế hoạch năm
Bức tranh sáng của một số doanh nghiệp ngành khai khoáng thêm ấn tượng hơn khi kết thúc 9 tháng đầu năm đã có 5 doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm, trong đó có những doanh nghiệp vượt xa con số kế hoạch.
5 công ty vượt kế hoạch năm là Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HNX: HGM), Than Cọc Sáu – Vinacomin (HNX: TC6), Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (HOSE: KSB), Đá Núi Nhỏ (HOSE: NNC), Than Núi Béo – Vinacomin (HNX: NBC). Trong đó, HGM ấn tượng nhất khi lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt hơn 25 tỷ đồng, đạt 322% kế hoạch năm (7.8 tỷ đồng).
Duy Hoàng
|