Thứ Hai, 20/10/2014 13:53

HSG phản đối việc áp thuế chống bán phá giá tôn lạnh từ Indonesia

Thời gian gần đây Indonesia đã tự áp thuế chống bán phá tôn lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với giá rất cao mà không qua tham vấn khiến doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Để hiểu rõ hơn về sự việc và giải pháp của phía Việt Nam, phóng viên Báo Công Thương đã phỏng vấn ông Vũ Văn Thanh- Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG).

Ngày 7/7/2014, Chính phủ Indonesia đã tự ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với sản phẩm tôn lạnh nhập khẩu vào Indonesia mà không qua tham vấn của Chính phủ Việt Nam. Là DN có sản lượng xuất khẩu tôn khá lớn, xin ông cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?

Chúng tôi là DN sản xuất và xuất khẩu hoàn toàn bất ngờ trước quyết định của Chính phủ Indonesia về áp thuế tự vệ thương mại đối với sản phẩm tôn lạnh mà không qua tham vấn trước với Chính phủ Việt Nam. Trong khi, Việt Nam là một bên có quyền lợi đáng kể trong thương mại của WTO. Tôi cho rằng, cách hành xử này của Indonesia là không phù hợp với thông lệ quốc tế về các biện pháp tự vệ thương mại của WTO quy định. Điều này đã gây ra không ít tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu của các DN sản xuất và xuất khẩu tôn lạnh vào thị trường Indonesia.

Mặt khác, mức thuế mà Chính phủ Indonesia áp dụng là rất cao, chiếm tới khoảng 50% giá bán của tôn lạnh Việt Nam vào thị trường này, làm triệt tiêu khả năng cạnh tranh sản phẩm tôn lạnh của Việt Nam tại thị trường Indonesia.

Như vậy, quyền và lợi ích chính đáng của các DN Việt Nam xuất khẩu tôn lạnh đã bị vi phạm nghiêm trọng, vì đây là một quyết định quan trọng, có ảnh hưởng đến nhiều bên liên quan mà hoàn toàn không có sự tham vấn trước cũng như không có sự công bố thông tin kịp thời theo quy định của WTO.

Các DN sản xuất và xuất khẩu tôn lạnh trong nước đã đưa ra những biện pháp hay kiến nghị gì tới các cấp có thẩm quyền về sự việc này, và tới nay đã được giải quyết như nào, thưa ông?

Thực ra, trong suốt quá trình điều tra (gần 2 năm, tính từ cuối năm 2012), Tập đoàn Hoa Sen đã phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công Thương đưa ra các phản biện đối với các cáo buộc của nguyên đơn và các báo cáo điều tra của Ủy ban Tự vệ Thương mại Indonesia (KPPI). Đồng thời, Việt Nam đã tham dự phiên điều trần do cơ quan điều tra Indonesia tổ chức. Tuy nhiên, bất chấp các lý lẽ xác đáng của phía Việt Nam cũng như các quy định của WTO, ngày 7/7/2014 Chính phủ Indonesia đã tự ra văn bản quyết định áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với sản phẩm tôn lạnh nhập khẩu vào Indonesia mà không qua tham vấn trước với Chính phủ Việt Nam như đã nêu trên.

Tuy nhiên, ngay sau khi văn bản quyết định áp dụng biện pháp tự vệ thương mại của Chính phủ Indonesia được ban hành, Tập đoàn Hoa Sen đã báo cáo Bộ Công Thương, Cục Quản lý Cạnh tranh và các cơ quan chính phủ liên quan... Cục Quản lý Cạnh tranh đã kịp thời gửi công văn tới KPPI bày tỏ quan ngại về quyết định áp dụng biện pháp tự vệ thương mại này của Chính phủ Indonesia và yêu cầu Chính phủ Indonesia phải tổ chức tham vấn với Chính phủ Việt Nam. Qua đây, phía Indonesia đã tổ chức tham vấn với Chính phủ Việt Nam vào ngày 20/8/2014. Tuy nhiên, buổi tham vấn này đã không đạt được kết quả như mong muốn, vì quyết định áp dụng thuế tự vệ thương mại đã được ban hành.

Đặc biệt, tại buổi tham vấn nói trên, bản thân KPPI khi phản hồi các câu hỏi chất vấn của Cục Quản lý Cạnh tranh Bộ Công Thương thì KPPI vẫn muốn giữ nguyên kết luận thiếu thuyết phục đã nêu trong báo cáo điều tra của mình.

Do việc Chính phủ Indonesia muốn áp đặt thuế tự vệ thương mại một cách không công bằng và có tác động tiêu cực nên Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục có công văn trình Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thép Việt Nam để kiến nghị Chính phủ Việt Nam xem xét, đưa vụ việc ra cơ quan giải quyết tranh chấp theo hiệp định thương mại WTO.

Đồng thời, Cục Quản lý Cạnh tranh đã có công văn gửi KPPI bày tỏ quan ngại đối với phản hồi thiếu thuyết phục của KPP. Nếu phía KPPI không có động thái hợp tác tích cực với Chính phủ Việt Nam thì vụ việc cần được xem xét đưa ra giải quyết tranh chấp trước WTO. Tuy nhiên, trước phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam, gần đây phía Indonesia cũng đã có sự thay đổi về thái độ cứng rắn ban đầu và đồng ý tiếp tục tham vấn với Chính phủ Việt Nam vào ngày 27/10/2014 tới đây.

Bên cạnh đó, các DN sản xuất và xuất khẩu tôn lạnh Việt Nam như: Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Tôn Phương Nam, Công ty cổ phần Tôn Đông Á, Công ty cổ phần Thép Nam Kim, Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc… cũng đang có công văn đồng kiến nghị tới Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Thép Việt Nam sớm có công văn trình Chính phủ và các bộ ngành có liên quan xem xét đưa vụ việc giải quyết tại WTO.

Để giải quyết một cách hợp lý, đúng theo quy định của WTO và không tạo tiền lệ xấu cho các giai đoạn tiếp theo, theo ông cần có những biện pháp gì?

Theo tôi, trước hết chúng ta cần phải giải quyết vụ việc một cách ôn hòa, trên cơ sở đối thoại thông qua các buổi tham vấn giữa hai chính phủ Việt Nam và Indonesia. Mặt khác, các DN sản xuất tôn lạnh như chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các cơ quan thẩm quyền kiến nghị tới Chính phủ để đưa vụ việc ra giải quyết tại WTO.

Trong trường hợp xấu, nếu Chính phủ Indonesia vẫn kiên quyết áp đặt thuế tự vệ thương mại đối với sản phẩm tôn lạnh nhập khẩu từ Việt Nam thì vụ việc cần được đưa ra thực hiện theo quy định của WTO giải quyết. Nếu Việt Nam khởi kiện ra WTO vụ việc này, tôi tin rằng, khả năng thành công về phía Việt Nam sẽ rất cao.

Nếu vụ việc trên thành công sẽ giúp các DN tôn, thép Việt Nam thoát khỏi mức thuế tự vệ hiện được Indonesia áp dụng vì quá cao, thì không tạo tiền lệ xấu cho các nước khác áp dụng. Được biết, theo quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá phía Indonesia đưa ra còn áp dụng trong vòng 3 năm và còn có thể tiếp tục được gia hạn thêm.

Đây cũng là bài học giữa Indonesia và các nước ASEAN cần phải thận trọng trong việc áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại tương tự trong tương lai, đối với các sản phẩm tôn thép của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Kim Tuyến

báo công thương

Các tin tức khác

>   DHG: Lãi ròng quý 3 đạt 142 tỷ đồng, giảm 32% cùng kỳ (20/10/2014)

>   PIT: Giải thể công ty con ở Bình Dương (20/10/2014)

>   Kết quả kinh doanh CTCK quý 3/2014: Vẫn còn những công ty báo lỗ (20/10/2014)

>   SZL: Thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 12 (20/10/2014)

>   VHG: Đính chính BCTC quý 3.2014 (20/10/2014)

>   KSS: Lãi ròng Công ty mẹ quý 3 giảm mạnh 47% (20/10/2014)

>   RDP: Không trả thù lao cho HĐQT và BKS năm 2014 (20/10/2014)

>   TMS: Giấy chứng nhận đầu tư thành lập công ty con và dự án đầu tư (20/10/2014)

>   FLC: Góp 100 tỷ đồng thành lập công ty con tại Khánh Hòa (20/10/2014)

>   VCG: Tháng 11 họp ĐHĐCĐ bất thường bàn việc điều chỉnh kế hoạch 2014 (20/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật