Thứ Năm, 16/10/2014 15:03

Hàng hóa, dịch vụ "khăng khăng" giữ giá khi xăng dầu nhiều lần giảm

Nhiều người cho rằng, có một nghịch lý đang tồn tại là khi giá xăng dầu tăng thì hàng loạt mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ vận tải bị đẩy giá lên cao. Nhưng đến nay, khi giá xăng dầu đã giảm đến lần thứ 7, về mức 22.890đ/lít (giảm 2.750đ/lít so với đỉnh điểm – tương đương 10,7%) thì các loại hàng hóa, dịch vụ sử dụng xăng dầu vẫn giậm chân tại chỗ.

Xăng dầu giảm giá lần thứ 7 liên tiếp với mức giảm khá sâu.

Giá hàng hóa không có biến động

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, một nghịch lý đang xảy ra là giá xăng tăng thì hàng hóa thi nhau tăng theo giá xăng nhưng thời điểm này giá xăng đã giảm đến lần thứ 7 và lần này giảm khá sâu nhưng hàng hóa đặc biệt là giá cước vận tải, nhất là giá taxi chưa có biến động lớn.

Đây là điều khá vô lý bởi ngành năng lượng có những ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nói chung và giá cả hàng hóa dịch vụ nói riêng. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, cần phải ghi nhận một thực tế là trước mắt, việc giảm giá xăng dầu đang có lợi cho tiêu dùng xăng dầu còn muốn có sự tác động đến các loại hàng hóa dịch vụ khác thì cũng cần có một độ trễ nhất định.

Nhiều ý kiến cho rằng muốn việc giảm giá có tác động phải có độ trễ nhất định nhưng vài tháng kể từ lần giảm giá đầu tiên mà giá cả chưa thay đổi thì khó có thể nói đến độ trễ này.

Đánh giá về tác động của đợt giảm giá xăng dầu lần này đến giá cả hàng hóa nói chung, giá vận tải nói riêng, ông ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng sẽ không có tác động đáng kể.

“Lần giảm giá này sẽ không tác động đến giá cả của hoạt động vận tải trên địa bàn. Với loại hình vận tải taxi, đây là loại phương tiện nhạy cảm, khi xăng dầu tăng ở một mức nào đó thì giá sẽ tăng ngay. Nhưng khi giá xăng dầu giảm thì việc giảm giá lại rất cầm chừng, đặc biệt là ở các hãng taxi lớn. Còn với tuyến cố định liên tỉnh, từ năm ngoái đến nay gần như các hãng vận tải của Hà Nội không tăng giá. Lý do là vì việc tăng giá rất khó khăn, phải làm rất nhiều thủ tục.

Tăng khi giá xăng dầu tăng thì cũng phải giảm khi giá giảm, việc này mất nhiều thủ tục, vì thế các hãng vận tải cũng rất thận trọng”, ông Liên cho hay.

Cũng theo ông Liên, thời gian qua các yếu tố về giá đang tăng lên, ví dụ như bảo hiểm, kiểm tra sức khỏe định kỳ lái xe, các loại phí, lương cho cán bộ nhân viên, chưa kể giá cả thị trường thời gian qua không giảm… vì vậy không thể điều chỉnh giá cả vận tải xuống khi xăng dầu giảm. Chúng ta phải chấp nhận như thế cho đến cuối năm xem tình hình thế nào.

Giá xăng dầu còn quá cao

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù giá xăng đã 7 lần giảm liên tục, nhưng hiện nay, xăng dầu cũng chỉ chiếm 0,17% trong việc tính toán chỉ số CPI. Chính vì thế, xăng, dầu cũng chỉ là một trong nhiều mặt hàng đầu vào thiết yếu tác động đến hàng hoá trên thị trường dù nhìn vào thực tế, xăng dầu sẽ tác động đến dịch vụ hàng hoá, cụ thể là dịch vụ vận tải và một số ngành sản xuất sử dụng dầu DO.

Tuy nhiên, ngoài những mặt hàng như xăng, điện do Nhà nước định giá và giám sát theo hướng, tăng, giảm phải có ý kiến của liên bộ, thì hiện hầu hết các sản phẩm hàng hoá trên thị trường đều đã vận hành theo cơ chế thị trường, việc tăng giảm giá phải phụ thuộc vào cung cầu. Vì vậy, không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để buộc kéo giá xuống.

Theo ông Quyền, cơ chế thị trường là bàn tay vô hình mà ở đó cạnh tranh tạo ra bức tranh thị trường. Khi có sự cạnh tranh giữa các sản phẩm thì bắt buộc cần tăng sẽ tăng, phải giảm ắt sẽ giảm. Ngoài ra, một loạt các vấn đề khác cũng tác động đến thị trường không nhỏ là vấn đề hàng tồn kho, các nhiên, nguyên, vật liệu khác ngoài xăng, lãi suất ngân hàng, nợ khó đòi... tất cả những yếu tố này cũng tác động lên giá cả, khiến thị trường hàng hoá biến động theo chiều hướng tăng.

Bình luận về mức giảm giá xăng dầu lần này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng giá xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của rất nhiều ngành, đặc biệt là những ngành sử dụng trực tiếp như ngành vận tải (chịu tác động trực tiếp lên chi phí). Thông thường khi giá xăng, dầu giảm sẽ tác động đến việc giảm giá, tuy nhiên giá xăng dầu giảm cũng chỉ là một nguyên nhân, việc giảm giá còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Các lần giảm giá trước sở dĩ việc giảm giá không có nhiều tác động đến giá cả thị trường là do giá giảm nhỏ giọt, có lần chỉ giảm 30 đồng/lít.

“Tổng cộng từ đầu năm chúng ta có 15 lần tăng - giảm giá. Lần giảm thứ 7 này nếu không trừ quỹ bình ổn thì mức giảm còn cao hơn. Hiện nay giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm, trong khi đó giá của Việt Nam so với một số nước trên thế giới vẫn còn quá cao. Cơ quan quản lý cần làm sao để giá xăng dầu trong nước giảm tương xứng với giá thế giới, không nên giảm theo kiểu hình thức”, chuyên gia Ngô Trí Long kiến nghị.

Hoài Anh

hải quan

Các tin tức khác

>   Chi phí định mức xăng dầu không quá 1.050 đồng/lít (16/10/2014)

>   Băn khoăn với lộ trình bán đại trà xăng sinh học (15/10/2014)

>   Ấn Độ: Xếp hàng nhiều giờ để mua... 1 lít xăng (15/10/2014)

>   Xăng và dầu Brent lao xuống đáy 4 năm, dầu WTI thấp nhất 2 năm (15/10/2014)

>   Nhiên liệu bay bán tại nước ngoài chịu thuế GTGT 0% (14/10/2014)

>   Nhiên liệu sinh học theo công nghệ Việt Nam được bán tại Lào (14/10/2014)

>   Dầu giảm bất chấp số liệu thương mại tích cực của Trung Quốc (14/10/2014)

>   Trung Quốc giúp ngành than thoát cảnh giá và lợi nhuận giảm (13/10/2014)

>   Petrolimex: Giảm giá xăng 670 đồng/lít từ 12h00 ngày 13/10 (13/10/2014)

>   Nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn, dầu WTI xuống thấp nhất từ tháng 12/2012 (10/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật