GS.TS Đặng Hùng Võ: “Trao cần câu, thay vì cho con cá”
Nhận định về các gói tín dụng hỗ trợ thị trường BĐS trong thời gian qua, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cho rằng, các gói tín dụng chỉ là một cách trợ giúp về năng lực tài chính, về lâu dài cần có những chính sách tạo điều kiện để người dân có thể tự lo được nhà ở mới là điều quan trọng.
GS.TS Đặng Hùng Võ
|
Ông đánh giá như thế nào về gói hỗ trợ tín dụng được triển khai hơn 1 năm qua?
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện nay gói hỗ trợ tín dụng này mới giải ngân được 10%, trong tổng số cam kết giải ngân là 20%. Nếu so với tháng 6-2013 thì tiến độ tăng lên khá cao, gần như gấp đôi. Có thể thấy một số vướng mắc đã được giải quyết. Đặc biệt là Nghị quyết 61/NQ-CP ngày 21-8-2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/NQ-CP... đã có một số đổi mới. Tuy nhiên, những đổi mới này chưa có thông tư hướng dẫn nên chưa tạo ra được hiệu quả trong cuộc sống. Nếu chúng ta tiếp tục đưa những yếu tố đổi mới của Nghị quyết vào áp dụng thì tương lai tốc độ giải ngân sẽ tăng hơn nhiều. Nhưng điều khó khăn nhất chúng ta vẫn chưa làm được, chưa động được tới cái “chốt” của gói 30.000 tỷ, đó là làm thế nào để cho người thu nhập thấp vay được tiền.
Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến hạn chế này?
Cái khó nằm ở “cửa” ngân hàng. Mặc dù Bộ Xây dựng tích cực tìm nhiều cách, đưa ra nhiều cơ chế tháo gỡ nhưng cái “chốt” vẫn là ở các NH. Trước hết, nhiều NH vẫn chưa có tính mục tiêu trong triển khai, tức là có triển khai, nhưng trường hợp nào “chắc ăn” thì cho vay, trường hợp nào khó khăn thì thôi. Điều này chứng tỏ các NH chưa thực sự nhiệt tình. Cũng có những NH đẩy được tiến độ giải ngân lên so với các NH khác, nhưng trên tinh thần không mặn mà với gói hỗ trợ này. Có lẽ vì nó không mang lại hiệu quả kinh tế cao, hoặc do NH thích cho vay những khoản lớn hơn là cho vay lẻ tẻ. Điều này xuất phát từ tư duy của lãnh đạo NH, ở chỗ anh có xác định nghĩa vụ an sinh xã hội của mình hay không, hay anh chỉ tập trung vào chuyện kinh doanh? Tôi cho rằng các lãnh đạo NH cần “xốc” lại tư tưởng ở chỗ này. Như vậy, cần có cơ chế để có thể đảm bảo các khoản vay không rơi vào nợ xấu, nhưng không quá khắt khe trong việc bắt người vay tiền phải giải trình khả năng trả nợ. Tôi cho rằng điều này còn lớn hơn câu chuyện trách nhiệm xã hội, vì đây là cơ chế để thoát khỏi cách thức cho vay bình thường mà các NH vẫn làm.
Gần đây có thông tin cho biết ngân hàng đang dự kiến đưa ra những giải pháp liên quan đến tài chính để gỡ khó cho BĐS. Trong khi gói 30.000 tỷ đồng đang được cho là kém hiệu quả thì theo ông, có cần thiết phải có thêm gói hỗ trợ mới không?
Giả sử có đề xuất này, theo tôi mỗi gói hỗ trợ có mục tiêu hoàn toàn khác nhau. Nếu gói 30.000 tỷ hướng vào việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp thì gói hỗ trợ tín dụng mới hướng vào giải phóng kho BĐS tồn đọng, hỗ trợ cho người có thu nhập khá để họ có thể tính đến chuyện mua được BĐS trung vào cao cấp. Vậy liệu gói hỗ trợ thứ hai này có đụng được đến kho BĐS đang tồn đọng hay không? Tôi cho rằng có thể, nhưng không nhiều. Vì kho BĐS tồn đọng kia có bao nhiêu căn có thể ở được? Nếu rà soát lại có thể thấy cái khó không phải người ta không muốn mua vì giá cao, mà là mua xong không ở được. Rất nhiều dự án đang ở giữa đồng không mông quạnh, hầu hết các dự án không có hoặc còn thiếu cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện, chợ, đường đi lối lại, khu vui chơi giải trí... Cần phân loại xem trong số kho BĐS tồn đọng, cái nào có thể bán được, cái nào phải tìm giải pháp khác.
Như vậy, về ý nghĩa, theo tôi gói hỗ trợ mới có ý nghĩa nhất định để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, nhưng hiệu quả sẽ không cao vì sẽ không thu hút được nhiều người vay. Hơn nữa, hiện nhiều NH cổ phần cũng đang có những gói cho vay mua BĐS với lãi suất ưu đãi, vì vậy gói hỗ trợ này với chủ trương tăng trưởng tín dụng của các NH thương mại đồng nghĩa với nhau, có cùng mục tiêu. Theo tôi, hãy cứ để gói hỗ trợ này triển khai, nếu có nhiều khó khăn, bất cập thì tự nó sẽ phải dừng lại. Có thể phía sau nó có nhiều lý do, nhưng dù sao nó cũng có mục đích tốt là góp phần giải cứu kho BĐS tồn đọng, giải tỏa cục máu đông.
Theo ông, để giải bài toán hỗ trợ thị trường BĐS, cần lưu ý vấn đề gì?
Thị trường BĐS có đặc thù riêng, như: Hút vốn nhiều, không chỉ là sự phát triển của thị trường mà còn là vấn đề an sinh xã hội. Do vậy, cần nâng cao mức độ chuyên nghiệp trong hoạch định chính sách. Quay lại với câu chuyện các gói tín dụng, thực ra nó cũng chỉ là một cách trợ giúp về năng lực tài chính, cần có những chính sách tạo điều kiện để người dân có thể tự lo được nhà ở mới là điều quan trọng. Tôi cho rằng, phải trao cho người dân cái cần câu hơn là trao cho họ con cá. Đấy là cách tốt hơn rất nhiều là cách chúng ta bao cấp, cho cái này cái kia. Chưa kể trong quá trình đến được tay người được hỗ trợ còn nảy sinh tham nhũng. Riêng với gói 30.000 tỷ, chúng ta phải tìm cách gì để cải thiện thu nhập của người thu nhập thấp, đây là cái chốt cuối cùng mà chúng ta vẫn chưa có giải pháp, trong khi quốc tế có rất nhiều kinh nghiệm nhưng chúng ta chưa đặt vấn đề học tập cũng như việc đưa kinh nghiệm đó vào Việt Nam như thế nào cho phù hợp.
“UBND TP.HCM vừa kiến nghị Chính phủ một số vấn đề trong giải quyết khó khăn về nhà ở đối với người thu nhập thấp ở đô thị, công nhân ở các khu công nghiệp và nhà ở cho học sinh, sinh viên trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, kiến nghị ổn định lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở 3%/năm đối với khách hàng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội với thời gian 15 năm; đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở theo hướng điều chỉnh vốn đối ứng theo quy định về vốn chủ sở hữu của Luật Kinh doanh BĐS và cho phép DN được thế chấp giá trị quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai của dự án đi vay để làm vốn đối ứng; kéo dài thời hạn thực hiện giải ngân gói tín dụng này lên đến 60 tháng; sớm thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở… tạo nguồn tài chính cho các cá nhân vay để thuê, thuê mua, mua nhà ở hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở; các DN được vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại địa phương; tiếp tục cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội”.
Hiện tại trên địa bàn thành phố bên cạnh 3 DN đang đợi thẩm định từ ngân hàng để vay tiền xây dựng các dự án nhà ở thì đã có 2 dự án được vay gói tín dụng 30.000 tỷ là chung cư Thảo Điền và HQC Plaza với tổng số vốn gần 320 tỷ đồng.
|
Ông Nguyễn Viết Hải, Giám đốc sàn giao dịch Bất động sản VIC:
“Nếu có gói hỗ trợ mới, theo tôi trước hết phải đánh giá nguồn cung các sản phẩm trên thị trường. Việc hỗ trợ tín dụng cho khách hàng là điều tốt, vì người dân muốn mua nhà nhưng thiếu tài chính thì ai cũng muốn vay được tiền với lãi suất thấp, nhưng phải chú ý đến thời điểm hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ, quy trình thủ tục phải rõ ràng thì mới kích thích thị trường nhanh được. Vấn đề của chúng ta là cứ đưa ra chính sách, nhưng độ trễ trong thực hiện hơi lâu nên ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng cũng như cản trở chủ đầu tư trong việc đưa ra chính sách bán hàng”.
TS. Nguyễn Chí Hiếu, Chuyên gia tài chính- ngân hàng:
“Trở ngại chính của gói 30.000 tỷ đồng là cấu trúc tín dụng không thích hợp với khả năng tài chính của người Việt Nam. Thu nhập thấp của người vay cũng như thời hạn cho vay 15 năm như hiện nay là quá ngắn, không tạo điều kiện cho người vay trong việc thanh toán nợ, chưa kể cung không đủ cầu. Với gói hỗ trợ tín dụng mới sắp triển khai, nếu tính ra số tiền người vay phải trả trong từng tháng (hơn 20 triệu cả gốc và lãi) thì mức thu nhập đó phải gọi là cao, bởi về nguyên tắc, số tiền phải thanh toán cho NH chỉ chiếm khoảng 50% tổng thu nhập của hộ gia đình. Như vậy, để có hiệu quả, cấu trúc tín dụng về thời gian phải rất dài, ít nhất là 20 năm, thậm chí là 30 năm”.
Lê Quốc Chính, Giám đốc kinh doanh Dự án Deawoo Cleve:
“Nếu gói hỗ trợ tín dụng mới hướng tới đối tượng công chức có thu nhập khá, tôi cho rằng hướng đi của nó có những cái khó. Về lâu dài, để cải thiện tình hình thị trường BĐS, Nhà nước cần có những chính sách tạo điều kiện về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng cho DN trong triển khai dự án. Thị trường BĐS của Việt Nam là thị trường mới nổi nên vẫn còn nhiều tiềm năng cho cả bên mua và bên bán, hiện nay do khủng hoảng nên thị trường đang bị “lệch pha”, Nhà nước cần điều chỉnh sớm với những chính sách phù hợp, rút kinh nghiệm ban hành chính sách để hỗ trợ nhưng không phù hợp sẽ làm lỡ mất thời gian của nền kinh tế”.
Hoài Anh (ghi)
|
Thu Hiền (thực hiện)
Hải Quan
|