Gần 40% bức tranh kết quả kinh doanh quý 3 của DNNY đã lộ diện
Tính đến ngày 21/10, đã có 251 doanh nghiệp niêm yết (DNNY), chiếm 37% toàn thị trường, công bố BCTC quý 3/2014. Và những thông tin được công bố đang thể hiện nhiều dấu hiệu khả quan bởi chỉ có 33 doanh nghiệp báo lỗ với mức lỗ 603 tỷ đồng, bằng 15% tổng giá trị lợi nhuận tạo ra.
Theo thống kê của Vietstock, tính đến 21/10/2014, quá hạn công bố báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết một ngày (ngoại trừ doanh nghiệp hoạt động với quy mô mẹ - con), toàn thị trường ghi nhận có khoảng 251 doanh nghiệp đã thực hiện, chiếm 37% toàn thị trường. Điều đáng chú ý là chỉ có 33/251 doanh nghiệp báo lỗ với mức lỗ 603 tỷ đồng, bằng 15% tổng giá trị lợi nhuận tạo ra.
TCS – gam màu tối nhất
33 doanh nghiệp báo lỗ với tổng giá trị 601 tỷ đồng thì chỉ riêng TCS đã chiếm hơn 25% giá trị khi lỗ ròng lên đến 155 tỷ đồng. Đây là quý lỗ nặng nhất của TCS tính từ năm 2009 đến nay. Nguyên nhân lỗ nặng được đơn vị giải trình là do chênh lệch thuế suất tài nguyên từ tháng 2 đến tháng 9 tăng từ 7% đến 9% nhưng Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (ThanVinacomin – TKV) chưa bù dù trong kế hoạch giao là 54.2 tỷ đồng. Hơn nữa, do thực hiện cung độ không đạt kế hoạch (5.081/ 6.4 km) nên TKV đã giảm 147.8 tỷ đồng doanh thu TCS.
Chính khoản lỗ nặng nề này đã đẩy con số lỗ lũy kế của TCS lên 202.4 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ là 150 tỷ đồng. Điều này đặt một trọng trách nặng nề lên doanh nghiệp trong quý còn lại, nếu không có sự cải thiện mang tính đột biến thì e rằng TCS sẽ không thể ở lại sàn niêm yết.
Bên cạnh TCS thì SHN, RIC, DCT, CTN, VNA, WSS cũng ghi nhận mức lỗ ở hàng chục tỷ đồng.
Cùng với các mảng tối thì thị trường cũng ghi nhận những cái tên như CMC, VTS, APG, MNC, TNC thuộc nhóm gam sáng đang mờ dần. Bởi khoản lợi nhuận của các doanh nghiệp này đã bị teo tóp đáng kể, lãi giảm đến trên 80% so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí như CMC, VTS, SAV lợi nhuận chỉ được tính bằng chục triệu đồng.
HAG – nổi bật với mức lãi gần 1,000 tỷ đồng
Giữa những doanh nghiệp đã công bố BCTC quý 3, HAG là cái tên nổi bật nhất với mức lãi 972 tỷ đồng, rất vượt trội so với các doanh nghiệp đang dẫn đầu về lãi hiện nay như SSI, DHG, HSG, VNE, SHP (mức lãi của các doanh nghiệp này chỉ vào khoảng 100 đến 200 tỷ đồng).
Trong quý này, nguồn thu khiến lãi doanh nghiệp đột biến lại đến từ hợp đồng xây dựng, chuyển nhượng cổ phần công ty con bất động sản và thủy điện. Xét lũy kế 9 tháng đầu năm, HAG ghi nhận 1,653 tỷ đồng, tăng trưởng gấp 6 lần cùng kỳ năm trước; trong đó riêng lãi quý 3 đã chiếm 60%.
Dẫu vậy, SCJ, VNE, DID, NGC, TV3, PRC, DRH, TET, NKG, PDR mới là những doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận bất ngờ nhất với trên 10 lần. Gây sốc nhất là VNE, quý 3 lãi khủng 104 tỷ đồng, gấp 54 lần cùng kỳ năm trước, xóa hết lỗ ở các quý trước giúp 9 tháng đầu năm có lãi 4 tỷ đồng. Doanh thu tăng cao nhưng chi phí không tăng tương ứng là nhân tố giúp VNE đạt thành quả trên. Và theo VNE nhờ trong kỳ tập trung nghiệm thu thanh quyết toán các công trình hoàn thành, đẩy mạnh thi công chuyển tiếp, các công trình mới trúng thầu được chủ đầu tư chấp nhận nghiệm thu thanh toán mà doanh thu mới tăng gấp 2.5 lần đạt 255 tỷ đồng.
Cuối cùng, không thể không nhắc đến những trường hợp thoát lỗ ấn tượng so với cùng kỳ năm trước. Ở nhóm này, ngành chứng khoán bội thu với 3 gương mặt là SHS, VDS và IVS. Trong khi SHS, VDS khá đình đám với mức lãi lần lượt 64 tỷ và 42 tỷ đồng, rất khả quan thì IVS dù thoát lỗ nhưng mức lãi vẫn còn rất khiêm tốn 701 triệu đồng. Ngoài ra, BKC rất đáng khen ngợi khi quý 3 lãi 6.6 tỷ đồng, vừa góp phần giúp 9 tháng có lãi 217 triệu đồng, vừa chấm dứt chuỗi lỗ ròng suốt 11 quý qua.
Trần Việt
|