Thứ Tư, 08/10/2014 10:02

FDC: Cổ tức “khủng” – Được hay mất?

Không bỏ qua những thông tin “vàng”, cổ phiếu FDC đã có những phản ứng mạnh với nhiều phiên tăng trần liên tiếp vào giữa tháng 8 và đã hình thành nên một con sóng lớn thứ ba kể từ khi niêm yết (18/01/2010) đến nay.

Sóng hiện tại có bền?

Gần 5 năm niêm yết, cổ phiếu FDC hình thành được 3 đỉnh sóng lớn, tuy nhiên hai con sóng trước như ngọn lửa bỗng chốc vụt lên cao nhưng lại sớm lụi tàn.

Đỉnh cơn sóng lớn đầu tiên của FDC rơi vào năm đầu niêm yết, đạt mốc cao nhất là 35,600 đồng/cp vào ngày 30/07/2010, ngay sau đó là sự tụt dốc gần như thẳng đứng để rồi đi ngang trong suốt 4 năm tiếp theo. Mãi đến giữa tháng 2/2014, FDC hình thành nên con sóng lớn thứ hai và thiết lập mức đỉnh 31,500 đồng/cp vào ngày 26/02/2014. Cũng như lần đầu, “số phận” con sóng thứ hai cũng tồn tại được khoảng 2 tháng rồi sau đó lại rớt xuống mức giá 18,000 đồng/cp.

Sau 3 tháng “âm ỉ”, từ giữa tháng 8/2014, con sóng lớn thứ 3 được tái lập. Tính đến nay, sóng 3 chưa tạo được sự nhảy vọt kỳ tích như hai con sóng trước và câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm là liệu “số phận” của nó có sớm lụi tàn như những gì đã diễn ra trong quá khứ?

Diễn biến cổ phiếu FDC từ khi niêm yết đến nay

Ẩn sau những tin nóng cổ phiếu

Có thể thấy, cả ba con sóng tăng của cổ phiếu FDC đều gắn liền với những tin nóng về con số kết quả kinh doanh. Con sóng thứ nhất rục rịch xuất hiện trước thềm thông tin kết quả 6 tháng đầu năm 2010 tăng gần 80% so với năm 2009, đạt 35.8 tỷ đồng. Con sóng lớn thứ hai được xác lập vào thời gian công bố thông tin quý 4/2013 đạt lãi cao kỷ lục 226 tỷ đồng, cao nhất từ khi niêm yết, vượt tới 536% kế hoạch năm 2013. Đồng thời là cổ tức tiền mặt năm 2013 sẽ tăng từ 12% lên 30%. FDC đang trong con sóng thứ ba, được hình thành khi đón nhận tin cổ tức 2014 tăng sốc từ 12% lên 48% và thực hiện bằng tiền mặt.

Tuy cổ tức hai năm liền tăng lên mức “khủng” nhưng đây liệu có phải là điều đáng mừng trong khi kết quả kinh doanh của FDC đang sa sút?

Cụ thể, hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 cho thấy doanh thu cho thuê văn phòng giảm tới 84% cùng kỳ, ghi nhận 7.8 tỷ đồng. Phần lớn là doanh thu tài chính, tăng mạnh từ 387 triệu đồng lên 17 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi ngân hàng. Lợi nhuận 6 tháng chỉ bằng một nửa cùng kỳ, đạt 10.6 tỷ đồng.

Doanh thu thuần, doanh thu tài chính và lãi ròng 6 tháng đầu năm 2014 của FDC

Như vậy có thể thấy cơ cấu doanh thu nửa đầu năm 2014 đã có sự thay đổi đáng kể. Công ty “dư dả” tiền mặt trong khi doanh thu cho thuê văn phòng dần biến mất gắn liền với việc bán “nồi cơm” Fideco Tower – một bước ngoặt kinh doanh trong năm 2013. FDC đã cho chuyển nhượng Fedico Tower cho công ty con là Fedicoland với giá gần 169 tỷ đồng cùng với quyền sử dụng đất tại Hàm Nghi, quận 1, TPHCM trị giá 12.4 tỷ đồng. Sau đó tiến hành thoái vốn khỏi công ty con này theo mức giá 33,824 đồng/cp, mang về cho FDC khoản doanh thu tài chính 404.8 tỷ đồng trong năm 2013.

Bên cạnh đó, cũng trong năm 2013 FDC đã chuyển nhượng 60% vốn tại CTCP Ngoại thương Phát triển và Đầu tư Đức Lợi (đang tham gia quản lý dự án Khu công nghiệp Tân Đức, hết năm 2013 dự án này chỉ mới triển khai đến giai đoạn giải phóng đền bù mặt bằng) với mức 41,667 đồng/cp. Tuy nhiên tại thời điểm hết quý 2/2014, BCTC vẫn chưa thấy ghi nhận doanh thu từ việc chuyển nhượng này là bao nhiêu, dự kiến nếu thành công có thể doanh thu tài chính năm 2014 sẽ gia tăng đột biến như năm 2013.

Vừa qua, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Trần Bảo Toàn đã từ nhiệm và Phó Giám đốc Nguyễn Quốc Việt được đề cử thay thế ông Toàn giữ chức vụ Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của FDC kể từ ngày 01/10/2014. Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2014 cho biết ông Toàn đã không còn sở hữu bất cứ cổ phiếu FDC nào; trong khi ông Việt sở hữu 92,134 cổ phiếu FDC, tương đương tỷ lệ sở hữu là 0.33%.

Cơ cấu cổ đông của FDC tính đến ngày 30/06/2014 (Đvt: %)
CTCP Dịch vụ Tài chính Đầu tư Long Thành do ông Hùng là người đại diện góp vốn sở hữu 3.64 triệu cp FDC (13.2%); Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Chơn Thành do ông Toàn làm đại diện nắm giữ 1.5 triệu cổ phiếu FDC (5.5%)

Đến hết quý 2/2014, FDC còn lại một công ty con là Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Cơ sở Hạ tầng Khu công nghiệp Chơn Thành (với tỷ lệ sở hữu 100%, tương đương 11.8 tỷ đồng) và Công ty liên kết Phát triển Đô thị Đông BÌnh Dương – công ty liên doanh với với Onshine Investment Limited để thực hiện dự án khu dân cư Đông Bình Dương (FDC sở hữu 30% vốn, ứng với 46.8 tỷ đồng). Theo đó thì một câu hỏi được đặt ra là liệu số phận của hai công ty FDC đang sở hữu hiện tại liệu có bị bán đi giống như hai “đứa con” Fedicoland và Đức Lợi trước đó của FDC trong năm 2013.

Được biết, dự án khu công nghiệp Chơn Thành đã tiến hành cho thuê, năm 2013 mang lại doanh thu 34.6 tỷ đồng trên diện tích 8.6 ha; dự án khu dân cư Đông Bình Dương mới thực hiện đền bù giải tỏa 110/128 ha và FDC vẫn còn đang gặp trở ngại trong việc thỏa thuận giá đền bù với các hộ dân.

Gần đây nhất, báo cáo tiến độ sử dụng nguồn vốn phát hành hồi giữa tháng 9/2013 của FDC, hơn 122 tỷ đồng vẫn còn nguyên, chưa sử dụng đồng nào sau một năm tăng vốn. Mục đích sử dụng ban đầu là để thực hiện dự án khu dân cư Đông Bình Dương (60 tỷ đồng) và đầu tư khai thác mỏ cát, đá tại Khu công nghiệp Tân Đức (62 tỷ đồng). Nhưng với lý do thị trường bất động sản còn khó khăn, tại ĐHĐCĐ 2014, FDC đã chuyển mục đích sử dụng vốn sang đầu tư xây mới tòa nhà văn phòng 28 Phùng Khắc Khoan, quận 1, TPHCM. Song đến nay thì dự án vẫn “dậm chân” ở khâu chuẩn bị các thủ tục.

Không chỉ “thoái trào” trong lĩnh vực bất động sản, với những diễn biến từ môi trường xuất nhập khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn trong tương lai, do sức tiêu thụ hàng hóa thế giới sẽ giảm, FDC cũng đã quyết định thu hẹp hoạt động ngoại thương.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2014, Tổng Giám đốc FDC Trần Bảo Toàn từng chia sẻ cũng như tin tưởng tỷ suất lợi nhuận mà hoạt động đầu tư tài chính và M&A mang lại có thể trên 15% thay vì chỉ 7% từ cho thuê văn phòng. Nếu sử dụng nguồn tiền để đầu tư tài chính, các thương vụ M&A, ông tin rằng việc mang lại tỷ suất sinh lời trên 15% là chuyện bình thường. Ông Toàn cho biết thêm mảng hoạt động chính trong tương lai của công ty sẽ chuyên về đầu tư tài chính và mua bán sáp nhập (M&A). Tuy nhiên, đến nay thì cục tiền của FDC vẫn nằm im, lãi của công ty chủ yếu vẫn nhờ vào tiền gửi ngân hàng trong khi các mảng kinh doanh đang dần biến mất.

Dường như FDC vẫn chưa có một lộ trình rõ ràng cho tương lai phía trước?


Phân tích kỹ thuật cổ phiếu FDC

Vùng kháng cự mạnh tiếp tục duy trì. Vùng đỉnh cũ của tháng 03/2014 (tương đương vùng 28,000 – 32,000) vẫn chưa bị phá vỡ nên xu hướng dài hạn của FDC chưa thực sự tích cực. Vùng này sẽ đóng vai trò kháng cự mạnh trong trường hợp giá có bứt phá trở lại trong thời gian tới.

Khối lượng khớp lệnh duy trì mức thấp và nằm dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 150,000 đơn vị) cho thấy lực cầu đang khá yếu trong ngắn hạn. Vì vậy, khó có thể xảy ra đột biến lớn.

Phân kỳ giá xuống của MACD đang hình thành. Những mẫu hình nến có thân nhỏ xuất hiện liên tiếp chứng tỏ tâm lý nhà đầu tư đang giằng co mạnh trong ngắn hạn. Cổ phiếu FDC thường có quá trình tăng điểm kéo dài khoảng 1 – 2 tuần và tích lũy khoảng 1 tháng sau đó trước khi bước vào chu kỳ tăng trưởng/điều chỉnh mới. Điểm đáng chú ý nhất là phân kỳ giá xuống (bearish ergence) của MACD đang hình thành trong những tuần gần đây. Điều này cho thấy nguy cơ điều chỉnh đang tăng lên trong ngắn hạn. Nhà đầu tư cần thận trọng nếu MACD cho tín hiệu bán trở lại trong các phiên tới.

Nguồn: Updater.

Thế Phong

Trần Hạnh

Các tin tức khác

>   60/86 công ty chứng khoán có lãi 8 tháng đầu năm, tổng lãi gần 3,000 tỷ đồng (08/10/2014)

>   Nhịp đập Thị trường 08/10: Lực trụ kéo VN-Index vượt mốc 615 điểm (08/10/2014)

>   Trading System Tuần 06 - 10/10: Tín hiệu mua xuất hiện (08/10/2014)

>   08/10: Bản tin 20 giờ qua (08/10/2014)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 08/10 (08/10/2014)

>   PTKT phiên chiều 07/10: Rủi ro ngắn hạn đang tăng lên (07/10/2014)

>   Nhịp đập Thị trường 07/10: VN-Index mất mốc tham chiếu (07/10/2014)

>   Ông Nguyễn Hữu Bình (IVS): Rủi ro lớn nhất là nhiều cổ phiếu đã tăng quá nóng (07/10/2014)

>   13/10: Bản tin đầu tuần (13/10/2014)

>   14/09: Bản tin 20 giờ qua (14/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật