Doanh nghiệp muốn nới lỏng các quy định về BĐS hình thành trong tương lai
Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 24-10 về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tỏ ra lo ngại và cho rằng nên siết chặt các quy định liên quan đến bất động sản hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cho rằng nếu cứ tiếp tục siết chặt như hiện nay sẽ làm khó thị trường bất động sản vốn chưa phục hồi.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai dễ gây ra những rủi ro, tranh chấp và thiệt hại cho khách hàng.
|
Trước đó, thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) mà Bộ Xây dựng đã thống nhất nội dung báo cáo với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai dễ gây ra những rủi ro, tranh chấp và thiệt hại cho khách hàng.
Lo ngại này bắt nguồn từ nhiều vụ việc chủ đầu tư thu tiền đặt cọc của khách hàng nhưng sau đó không tiếp tục xây dựng nhà ở mà khách hàng đã đặt mua.
Tuy nhiên, bên ngoài hội trường Quốc hội, trong giới doanh nghiệp bất động sản đã có nhiều ý kiến cho rằng các nhà làm luật không nên quá lo ngại mà nên nới lỏng các quy định về bất bất động sản hình thành trong tương lai trong bộ Luật Kinh doanh bất động sản đang được xem xét.
Ông Nguyễn Vĩnh Trân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) cho rằng, nếu siết chặt quy định này thì thị trường bất động sản và doanh nghiệp địa ốc sẽ càng thêm khó khăn.
Cụ thể, theo ông Trân, nếu buộc phải xây xong mới được bán thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về nguồn vốn để đầu tư dự án, bởi lẽ không phải doanh nghiệp nào cũng đủ một số tiền để đầu tư cho cả công trình.
Mặt khác, ông Trân cho rằng, những lo ngại của các đại biểu mang tính quy chụp thị trường vì bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn tắc trách thì vẫn có những doanh nghiệp kinh doanh uy tín, đúng hẹn với khách hàng.
Còn theo ông Phan Công Chánh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư Phú Vinh, một doanh nghiệp chuyên tư vấn cho khách hàng mua nhà đất, nhận định nếu luật có siết chặt mà thi hành không nghiêm thì doanh nghiệp cũng không thiếu cách “lách luật” và mọi chuyện sẽ như cũ, trong khi đó, doanh nghiệp chân chính sẽ bị ảnh hưởng.
"Khách hàng mới là yếu tố quan trọng trong việc phòng tránh rủi ro khi mua nhà ở hình thành trong tương lai. Họ cần tìm hiểu thông tin kỹ về dự án, về uy tín của chủ đầu tư… trước khi đặt bút ký hợp đồng mua nhà", ông Chánh nói.
Quy định về bảo lãnh trong bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai trong luật trên cũng được các doanh nghiệp rất quan tâm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) nhận định việc bảo lãnh phát sinh trong trường hợp mức độ tín nhiệm đối với một bên giao dịch chưa đảm bảo hoặc chưa được tin cậy.
Theo ông Châu, không nên vì lo ngại một số ít chủ đầu tư không đáng tin cậy để ban hành quy định bắt buộc mọi chủ đầu tư đều phải thực hiện bảo lãnh.
Hơn nữa để thực hiện bảo lãnh thì doanh nghiệp phải đặt tiền bảo lãnh hoặc phải có tài sản đảm bảo và phải chịu phí cho tổ chức tín dụng (khoảng 2%/năm). Chi phí bảo lãnh này làm tăng gánh nặng cho chủ đầu tư dự án mà cuối cùng cũng sẽ được tính vào giá thành và người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua bất động sản.
Ông Châu cho rằng, việc có bảo lãnh hay không thuộc quan hệ dân sự và thực hiện theo nhu cầu và tự nguyện của các bên giao dịch. Do vậy, HoREA kiến nghị Quốc hội bỏ chế định bảo lãnh tại điều 17 dự thảo luật trên.
Xem thêm:
* Đồng ý cho người nước ngoài sở hữu nhà
* Mở cửa cho người nước ngoài mua nhà: Xuất khẩu bất động sản tại chỗ
* Cho người nước ngoài mua nhà ở VN: 'Tháo' hết cỡ để hút vốn ngoại
Mạnh Tùng
tbktsg
|