Đô la Mỹ mạnh lên, ai lợi ai thiệt?
Gần đây đô la Mỹ bước vào vòng mới của chu kỳ tăng giá. Đô la Mỹ mạnh lên phần nào cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, với tốc độ phục hồi khác nhau các nền kinh tế có cơ cấu khác nhau sẽ “khóc” hay “cười” khi đối mặt với đô la Mỹ mạnh lên.
Gần đây, đô la Mỹ xuất hiện vòng mới của xu hướng tăng giá. Ảnh: WSJ
|
Đô la Mỹ mạnh
Chỉ số đô la Mỹ (so sánh giá trị đồng đô la Mỹ với rổ tiền tệ) tăng liên tục kể từ tháng 7-2014, đạt mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua là 86,82 vào ngày 5-10. Kể từ cuối tháng 8-2014, đô la Mỹ so với euro tăng 3,2%; kể từ ngày 1-7, đô la Mỹ so với yen Nhật tăng 8%. Vào ngày 10-10, đô la Mỹ tiếp tục tăng giá so với các đồng tiền chính khác, chỉ số đô la Mỹ tăng 0,45% so với ngày trước đó.
Nhiều chuyên gia chỉ ra sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ tại Mỹ cùng với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) rút dần gói nới lỏng tiền tệ (QE) là động lực chính khiến đô la Mỹ tăng lên. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn khác chậm lại càng tiếp thêm sức mạnh cho đô la Mỹ.
Tháng trước, các quan chức Mỹ cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sau khi điều chỉnh trong quí 2-2014 của Mỹ tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo tốc độ tăng trưởng GDP trong nửa cuối năm nay sẽ tương đương mức này.
Trong khi đó, tình hình tại các nền kinh tế phát triển của khu vực đồng euro (eurozone) và Nhật Bản lại khác với Mỹ.
Tỷ lệ lạm phát tháng 9-2014 của eurozone chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tăng trưởng GDP quí 2-2014 so với cùng kỳ năm ngoái bằng 0, tạo áp lực ban hành chính sách nới lỏng tiền tệ.
Chính sách kích thích tiền tệ và tăng thuế tiêu dùng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng khiến tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản dần đạt chuẩn và luôn ở mức cao 3% kể từ tháng 5-2014. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP quí 2-2014 của Nhật Bản lại giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái - mức giảm mạnh nhất trong năm năm qua.
Châu Âu và Nhật Bản vui, buồn lẫn lộn
Một số tiếng nói cho rằng eurozone giảm phát sâu sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ sự tăng giá của đô la Mỹ. Thông thường, đồng tiền mất giá và mức lạm phát có tương quan tích cực, đồng euro mất giá có thể giúp eurozone giảm nỗi lo giảm phát.
Trước đó trong tháng 4-2014 và tháng 5-2014, khi đối mặt với đồng euro tăng giá, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (EU) Mario Draghi đã nhiều lần cảnh báo đồng euro tăng giá sẽ tiếp tục ngăn chặn sự phục hồi kinh tế của eurozone.
Ngoài ra, đồng euro yếu cũng sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của những sản phẩm do các thành viên của eurozone sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu của eurozone. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tháng 8-2014 của Đức, nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất trong eurozone, giảm đến 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 1-2009 - cho thấy tác động của việc tiền tệ giảm giá đối với xuất khẩu bị hạn chế. Xuất khẩu của Đức giảm do nhu cầu bên ngoài vẫn còn yếu.
Trong khi đó, tiền tệ mất giá đối với Nhật Bản có cả niềm vui và nỗi lo. Đối với các sản phẩm chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài, có khả năng cạnh tranh mạnh hơn như điện tử, ô tô... sự mất giá của đồng yen giống như "chiếc bánh từ trên trời rơi xuống". Nhưng đồng thời với việc đồng yen mất giá, giá thành sản phẩm nhập khẩu tăng lên, đặc biệt là năng lượng nhập khẩu, việc này tạo thành gánh nặng lớn cho cán cân thương mại của Nhật Bản.
Áp lực thâm hụt thương mại đã buộc chính phủ Abe mạo hiểm khởi động lại các nhà máy sản xuất điện hạt nhân nhằm cải thiện khả năng tự cung tự cấp năng lượng trong những tháng gần đây.
Biến động tại các thị trường mới nổi
Việc Fed tăng lãi suất và đô la Mỹ tăng giá đối với các thị trường mới nổi nhạy cảm với môi trường bên ngoài có thể tạo ra vòng mới của thời kỳ khủng hoảng. Một bài xã luận của Financial Times nhận định gần như toàn thể các thị trường mới nổi đang phải đối mặt với môi trường khó khăn nhất kể từ khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 5 năm.
Trợ lý nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới thuộc Học viện khoa học xã hội Trung Quốc, ông Hùng Ái Tông, cho rằng gần đây, đô la Mỹ xuất hiện vòng mới của xu hướng tăng giá đối với hầu hết nền kinh tế mới nổi là điều tốt vì sự mất giá của tiền tệ các nước này và sự phục hồi tương đối của thị trường Mỹ có lợi cho xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, đô la Mỹ tăng giá chắc chắn sẽ dẫn đến việc dòng vốn chảy vào Mỹ, làm tăng bất ổn cho thị trường tài chính các nền kinh tế mới nổi.
"Trên thị trường hàng hóa, chẳng hạn như thị trường dầu thô, ngoài việc đô la Mỹ tăng giá, nguồn cung dư thừa và nhu cầu của các nền kinh tế lớn trên thế giới - ngoại trừ Mỹ - tương đối yếu khiến giá dầu giảm. Thị trường hàng hóa không khởi sắc đối với Nga, Brazil và các nền kinh tế mới nổi khác đều bất lợi” – ông Hùng nói.
Tuần trước, giá dầu thô ngọt nhẹ và giá dầu thô Brent lần lượt giảm 4,37% và 2,27%.
Người ta còn nhớ tại thời điểm cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke cho biết sẽ rút gói nới lỏng tiền tệ vào năm ngoái, các thị trường mới nổi đã bộc lộ những yếu kém. Sau khi Fed rút hoàn toàn gói nới lỏng tiền tệ, bắt đầu tăng lãi suất cũng như đô la Mỹ tiếp tục tăng giá, các thị trường mới nổi có thể chịu đựng được hay không là vấn đề gây lo ngại.
"Nhìn chung, các nền kinh tế mới nổi vẫn phụ thuộc tương đối lớn vào bên ngoài, sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ tất nhiên là tin tốt nhưng môi trường toàn cầu vẫn còn yếu kém, thiếu nhu cầu" – ông Hùng nói.
Phúc Minh
thời báo kinh tế sài gòn
|