Thứ Sáu, 03/10/2014 15:24

Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu: Tương đồng giữa Hồng Kông và Singapore

Hồng Kông có rất nhiều điểm tương đồng với Singapore với phát xuất điểm là thuộc địa của thực dân Anh hơn một thế kỷ, là đầu mối quan trọng trong hành trình giao thương của người Anh với Đông Ấn và Trung Quốc.

Hồng Kông trước nguy cơ tê liệt vì biểu tình

Một số dấu ấn di sản nổi bật mà người Anh để lại trên hai thuộc địa này có thể là nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật hay một bộ máy công quyền hiệu quả và liêm khiết.

Theo ông Lý, một trong những cơ sở giúp Hồng Kông và Singapore phát triển nhanh là nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật và một bộ máy công quyền hiệu quả và liêm khiết - di sản từ thời thực dân Anh

Cả Hồng Kông và Singapore đều sống dưới ách đô hộ của phát xít Nhật trong ba năm rưỡi, đều có đa số dân là người gốc Hoa chủ yếu đến từ miền Nam Trung Quốc. Kể từ thập niên 60, cả hai đều là những trung tâm đô thị hóa với mật độ dân số cao, đóng vai trò đầu mối trung chuyển thương mại và tận dụng sản xuất như động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế; tăng trưởng kinh tế cao với thu nhập đầu người cao nhất châu Á ngoài Nhật Bản…

Đó là mô tả của Thủ tướng Lý Quang Diệu về Hồng Kông trong bài phát biểu nhân dịp ông được trường Đại học Hồng Kông trao bằng tiến sĩ danh dự vào ngày 18-2-1970. Ông Lý cho rằng sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, nhiều quốc gia châu Á được độc lập nhưng không phải nước nào cũng khai thác được cơ hội đến từ công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Hồng Kông và Singapore nằm trong số các nước và lãnh thổ tiến bộ nhất cùng với Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan và Thái Lan. Có nhiều người cho rằng yếu tố sắc tộc người Hoa giúp cho Hồng Kông và Singapore phát triển nhanh nhưng theo ông Lý, nói như thế là phiến diện bởi một lãnh thổ khác là Đài Loan có nhiều người Hoa nhưng vẫn phát triển chậm hơn dù có tài nguyên thiên nhiên dồi dào hơn Hồng Kông và Singapore.

Một trong những lý do làm Hồng Kông và Singapore đi trước Đài Loan là việc người Anh đã xây dựng các cộng đồng dân cư ở đây từ con số không, trong khi người Nhật đến xâm chiếm Đài Loan thì nơi đây là một tỉnh đã hoàn chỉnh của Trung Quốc. Lý do thứ hai là Hồng Kông và Singapore luôn chịu ảnh hưởng từ phương Tây nhiều hơn Đài Loan và điều này làm cho quá trình thay đổi diễn ra nhanh chóng hơn. Còn nữa, khi chiếm Đài Loan khoảng 60-80 năm sau khi người Anh có được Hồng Kông và Singapore, người Nhật vẫn loay hoay với công cuộc công nghiệp hóa và phát triển Đài Loan thành một nền kinh tế nông nghiệp chứ không phải công nghiệp. Mặc dù vậy, 50 năm đô hộ của người Nhật cũng đủ giúp Đài Loan sau đó phát triển công nghiệp. Và khi người Trung Quốc di dân sang Đài Loan sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời vào năm 1949 thì người nhập cư gốc Hoa đã mang đến hòn đảo này tinh thần doanh nghiệp và tay nghề chuyên môn đã tạo sức đẩy mới cho quá trình công nghiệp hóa của Đài Loan.

Nhờ tiếng Anh và tinh thần bình đẳng trước pháp luật hấp thụ từ người Anh, Hồng Kông và Singapore đã thoát ly được những hạn chế truyền thống của người Hoa như tư duy qua chữ viết tượng hình. Thế nhưng các trường đại học tại Hồng Kông và Singapore, cho dù giảng dạy bằng tiếng Anh hay tiếng Hoa, vẫn duy trì được những giá trị bản sắc tốt nhất của Trung Hoa và tiếp cận được những kỹ thuật và phong cách mới từ phương Tây.

Năm 1963, thu nhập đầu người hàng năm của Hồng Kông chỉ nhỉnh hơn phân nửa của Singapore nhưng vào cuối năm 1969, Hồng Kông đã vượt qua Singapore với thu nhập đầu người hàng năm là 2.437 đô la Mỹ. Ông Lý nói, thật khó dự đoán tương lai của Hồng Kông về mặt trung hạn, nhưng xét về dài hạn, tức là sau năm 2000, người dân Hồng Kông và Singapore có thể giữ vai trò có ý nghĩa khích lệ trong khu vực và trở thành chất xúc tác trong việc chuyển đổi các xã hội nông nghiệp truyền thống của những nước xung quanh. Hồng Kông và Singapore sẽ xứng đáng được nêu lên trong lịch sử tiến bộ của loài người như là những trung tâm giúp phổ biến những phong cách mới về làm việc và sinh sống, trở thành những tâm điểm chia sẻ những giá trị xã hội, tinh thần kỷ luật, kỹ năng và chuyên môn.

Nhận định và tiên đoán của ông Lý cách đây 44 năm có thể giúp độc giả hiểu thêm những cơ sở chính trị - xã hội làm nền tảng cho sự phát triển của Hồng Kông và Singapore trong nhiều thập kỷ qua chứ không chỉ đơn thuần là kinh tế. Với Singapore, không thể quên ngày 30-5-1959, người Singapore đã có cơ hội thực thi quyền dân chủ lần đầu tiên khi bỏ phiếu bầu chính quyền tự trị đầu tiên của đảo Sư tử sau 140 năm thuộc địa của người Anh. Mặc dù được sự ủy nhiệm của người dân để lãnh đạo đất nước (mà tiếng Anh gọi ngắn gọn là “mandate”), đảng Hành động Nhân dân (PAP) của Tổng bí thư Lý Quang Diệu cũng không hẳn đã chiến thắng tuyệt đối vì chỉ lấy được 43 trong tổng số 51 ghế quốc hội.

Còn với Hồng Kông, việc chuyển giao chủ quyền từ người Anh cho Trung Quốc vào giữa đêm ngày 1-7-1997 đã khởi đầu cho sự tiếp nối khá thú vị với mô hình phát triển của "một đất nước, hai chế độ". Về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Hồng Kông là một phần không thể tách rời của Trung Quốc. Nhưng liệu những giá trị về dân chủ và quyền tự do đã được thấm nhuần từ hơn 150 năm có thể tiếp tục gìn giữ và phát huy để phục vụ cho sự phồn vinh về kinh tế của Hồng Kông? Đó sẽ là một câu hỏi hóc búa và chờ thời gian trả lời.

Lê Hữu Huy, từ Singapore

tbktsg

Các tin tức khác

>   80 triệu khách hàng JPMorgan bị ăn cắp thông tin (03/10/2014)

>   Giá xăng xuống thấp nhất trong hơn 3 năm, dầu Brent chạm đáy 26 tháng (03/10/2014)

>   Ông Putin: Các nhân tố đảm bảo ổn định kinh tế Nga vẫn vững mạnh (03/10/2014)

>   Vàng lại trượt nhưng né đáy 9 tháng (03/10/2014)

>   Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Argentina từ chức (02/10/2014)

>   Sếp bỏ đi, quỹ trái phiếu Pimco mất 23 tỷ USD (02/10/2014)

>   Chứng khoán Mỹ giảm giúp vàng thoát đáy (02/10/2014)

>   Trung Quốc yêu cầu Mỹ không can thiệp vào vấn đề Hong Kong (02/10/2014)

>   Khi đồng USD lên ngôi (01/10/2014)

>   Trung Quốc cho phép giao dịch trực tiếp nhân dân tệ - euro (01/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật