Chứng khoán Tuần 27 – 31/10: Phấn khích về cuối tuần!
Giao dịch tiêu cực ở OGC chấm dứt, thông tin giảm lãi suất từ NHNN cùng với sự trở lại tích cực của khối ngoại đã thúc đẩy thị trường hồi phục mạnh về cuối tuần.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 27 – 31.10.2014
Giao dịch: Phấn khích về cuối tuần. Hai chỉ số thị trường đã cùng nhau tăng điểm trong tuần qua, trong đó VN-Index tiếp tục tăng với 1.58%, còn HNX-Index lấy lại sắc xanh với 1.14%. VS 100 và VN30 đều mở rộng mức tăng điểm, trong đó VS 100 tăng 2.08% dừng ở 109.57 điểm, còn VN30 tăng 1.47% lên 638.78 điểm.
Trong khi nhóm VS-Large Cap và VS-Mid Cap tăng lần lượt 1.05%, 0.72%, thì VS-Small Cap và VS-Micro Cap lại giảm 0.53% và 0.30%.
Thanh khoản tăng trở lại trên HOSE với mức tăng 8.1% nhưng vẫn giảm thêm 14.1% trên HNX. Tổng khối lượng khớp lệnh trên HOSE và HNX trong tuần qua đang ở mức 527.4 và 230.3 triệu đơn vị.
Sự thận trọng vẫn còn duy trì trong phiên đầu tuần khi bị ảnh hưởng từ thông tin “hình sự” tác động. Tuy vậy áp lực giảm điểm không quá mạnh khi dòng tiền bắt đáy hoạt động tích cực.
Đà hồi phục của thị trường chỉ thực sự bắt đầu vào giữa tuần nhờ: (1) Tín hiệu giao dịch tích cực ở OGC sau khi hoạt động bán tháo mã này chấm dứt. Điều này đã giúp giới đầu tư giảm bớt lo ngại và mạnh dạn hơn trong việc mua vào; (2) Thông tin NHNN tiến hành giảm hàng loạt lãi suất được công bố đã tác động mạnh tới tâm lý nhà đầu tư.
Song sự thận trọng nhất định vẫn hiện diện qua việc thanh khoản giảm xuống trong 2 phiên ngày thứ Tư và thứ Năm, đặc biệt áp lực chốt lời từ các cổ phiếu đã hồi phục mạnh trước đó như nhóm Chứng khoán, Khai khoáng và Bất động sản hay GAS, KDC, HAG khiến VN-Index giảm điểm.
Điểm tích cực đến từ 1 số cổ phiếu bluechip khác vẫn giữ được sắc xanh như VCB, VHC, PPC, REE, MWG …và hoạt động mua ròng của khối ngoại vẫn duy trì mặc cho “số phận” của gói QE3 đã chính thức chấm dứt. Đây có thể là động lực chính thúc đẩy giao dịch tích cực trong phiên cuối tuần.
Phiên cuối tuần, dòng tiền lại bất ngờ đổ mạnh vào thị trường giúp đà tăng lan rộng. Trong đó giao dịch diễn ra nổi bật nhóm cổ phiếu nóng là Chứng khoán, Ngân hàng (VCB, BID, CTG, STB) cùng với các cổ phiếu dẫn dắt khác như GAS, MSN, BVH, MSN đã giúp 2 sàn giao dịch tích cực cả về điểm số và thanh khoản.
Nhà đầu tư nước ngoài: Chuyển qua mua ròng mạnh với 349 tỷ đồng. Giao dịch mua ròng của khối ngoại trong tuần này tuy không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số 2 sàn, nhưng đã góp phần quan trọng trong việc tạo lực đỡ cho thị trường khi kết thúc 8 tuần bán ròng liên tục, đồng thời tâm lý nhà đầu tư vẫn còn e ngại.
Trên HOSE, khối ngoại mua ròng hơn 375.1 tỷ đồng. Họ mua mạnh nhất ở PVD (64 tỷ đồng), KDC (53 tỷ đồng), HPG (39.3 tỷ đồng), VCB (32 tỷ đồng), VSH (29 tỷ đồng), trong khi bán ròng nhiều nhất ở OGC (42.5 tỷ đồng), HAG (21.6 tỷ đồng), BVH (20.5 tỷ đồng).
Trên sàn HNX, khối ngoại chuyển qua bán ròng 26.1 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất ở NTP (37.7 tỷ đồng), còn mua ròng chủ yếu ở PVS (3.7 tỷ đồng), IVS (2.4 tỷ đồng), PVX (1.8 tỷ đồng),...
Khối tự doanh CTCK: Mua ròng 32 tỷ đồng. Tính đến phiên ngày thứ Năm (30/10), khối tự doanh các CTCK mua ròng gần 32 tỷ đồng, với khối lượng tương ứng gần 2.4 triệu đơn vị.
Họ mua ròng 2 phiên đầu tuần và bán ròng 2 phiên tiếp theo. Giá trị mua ròng ở 2 phiên đầu tuần khá mạnh và xấp xỉ nhau, tương ứng 30.1 và 29.6 tỷ đồng, trong khi họ tập trung bán mạnh trong phiên ngày thứ Năm trị giá 25.4 tỷ đồng.
Tuần này, họ tập trung mua vào các mã Mid Cap khi giá mua trung bình là 21,900 đồng, nhưng lại bán ra các cổ phiếu bluechip với giá bán bình quân 27,000 đồng.
Như vậy, khối tự doanh đã mua tổng cộng 213.6 tỷ đồng trong 5 tuần mua ròng liên tiếp.
Cổ phiếu đáng chú ý: Trong tuần này, số nhóm ngành tăng điểm vẫn duy trì ở mức 14 trong 23 nhóm. Tăng điểm nhiều nhất là 2 nhóm cổ phiếu nóng Chứng khoán (4%) và Ngân hàng (3.34%). Sản xuất Cao su và CNTT- Truyền thông tiếp tục là 2 nhóm giảm điềm nhiều nhất với mức giảm tương ứng 4.54%, 3.63%. Nhóm Xây dựng, Bất động sản, Khai khoáng tăng lần lượt 0.22%, 0.22%, 1.72%.
Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là SRC tăng 18.8%, trên HNX là NDN tăng 34.3%, VIX tăng 31%, SDP tăng 26%.
SRC tăng 18.8%. Cổ phiếu này tăng điểm nhờ những thông tin hỗ trợ như KQKD 9 tháng 2014 khả quan với LNST đạt 22.5 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ 2013 hay Công ty Đầu tư Cao su Quảng Nam đã mua vào 235 ngàn cổ phiếu SRC để trở thành cổ đông lớn (tỷ lệ 7.38%) từ 27/10.
NDN tăng 34.3%. NDN tăng mạnh khi vừa thông báo KQKD quý 3/2014. Theo đó, LNST đạt 24 tỷ đồng, tăng 138% so với quý 3/2013. Tổng kết 9 tháng đầu năm 2014, LNST đạt hơn 35 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi cùng kỳ 2013. Ngoài ra, NDN cũng vừa thông báo đã nộp hồ sơ phát hành 3,362,361 cp, tỷ lệ 100:98 lên UBCKNN, trong đó NDN sẽ dành 137,105 cp trả cổ tức 4% năm 2012; 548,420 cp trả cổ tức 16% năm 2013; 2,676,836 cp tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu.
VIX tăng 31%. Cổ phiếu này tăng mạnh khi không có thông tin nào nổi bật trong tuần. Đà tăng của VIX tiếp nối từ tuần trước có thể do VIX đạt KQKD quý 3/2014 tăng trưởng cao với doanh thu gần 24.4 tỷ đồng và LNST hơn 13.5 tỷ đồng, tăng lần lượt hơn 3.2 lần và hơn 2.5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
SDP tăng 26%. Hội đồng Quản trị của SDP cũng vừa thông qua kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014 (27/10), trong đó doanh thu thực hiện đạt gần 350 tỷ đồng bằng 85% kế hoạch 9 tháng và bằng 56% so với kế hoạch năm, lãi trước thuế chỉ mới thực hiện được gần 37% kế hoạch cả năm 2014. Nhiều khả năng điều này đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư đối với SDP.
Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là KSH giảm 18.1%, trên HNX không có mã giảm điểm nào đáng chú ý.
KSH giảm 18.1%. Mặc dù cổ phiếu này có KQKD quý 3/2014 tăng đột biến nhưng vẫn tiếp tục bị tháo hàng mạnh trong 3 phiên đầu tuần. KSH cũng vừa mới thông báo ngày 28/10 cho phát hành 15 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược với giá 10,000 đồng trong quý 4/2014 với mục đích cấn trừ công nợ và chuyển vốn hợp tác kinh doanh thành vốn góp.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)
Phòng Nghiên cứu Vietstock
|