Áp lực cạnh tranh có giúp Tập đoàn Viễn thông tránh vết xe đổ?
Cho rằng thách thức lớn nhất trong việc tái cơ cấu lần này là các đối thủ cạnh tranh của VNPT rất mạnh, song Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cũng phân tích, chính việc tái cơ cấu thành 3 tổng công ty có thể giúp từng đơn vị chủ động với chiến luợc phát triển riêng.
* VNPT: "Mô hình chồng chéo thì biết bắt lỗi ai"?
Mới đây, VNPT đã xây dựng xong đề án tái cấu trúc và đang được Bộ TT&TT trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt. VNPT sẽ tái cấu trúc thành lập 3 tổng công ty gồm VNPT Net, VNPT Media và VNPT VinaPhone. Theo mô hình mới thì Tập đoàn VNPT sẽ là chủ quản dịch vụ. Các Tổng công ty VNPT - VinaPhone, VNPT-Net, VNPT Media sẽ chủ quản từng công đoạn của dịch vụ.
Từ tháng 10 năm ngoài, Tập đoàn bắt đầu xây dựng lại các Trung tâm phân phối. 63 viễn thông tỉnh, thành đã và đang tách các trung tâm kinh doanh độc lập với mảng hạ tầng, thay vì không có trung tâm kinh doanh, hoặc chức năng kinh doanh bị lẫn lộn, xung đột lợi ích như trước đây. Với mô hình mới, các khối kinh doanh này sau khi được tách ra sẽ là kênh bán hàng chính yếu của Tập đoàn, hạch toán độc lập và chịu sự quản lý của Tổng công ty kinh doanh là VNPT-VinaPhone.
Bình luận về việc tái cơ cấu thành lập 3 tổng công ty con trực thuộc VNPT, ông PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nói: “Bây giờ chắc chắn các đối thủ cạnh tranh của VNPT rất mạnh và đẳng cấp cạnh tranh, trình độ cạnh tranh rất cao. Việc tái cơ cấu thành 3 tổng công ty có thể có lợi ở chỗ từng tổng công ty có thể chủ động được, có chiến luợc riêng của họ để phát triển.”
Đồng thời, theo ông Thiên, doanh nghiệp nào yếu kém, thua lỗ thì cho nhỏ lại hoặc cho phá sản; doanh nghiệp nào còn sống được thì tạo điều kiện, cổ phần hóa. Doanh nghiệp phát triển tốt có thể mở rộng quy mô, nâng địa vị pháp lý để phát huy… là chủ trương đúng của VNPT.
TS Kinh tế Phạm Gia Minh, Phó Tổng thư ký hiệp hội liên lạc người Việt ở nước ngoài phân tích thêm, đề án sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh theo hướng chuyên môn hóa, chuyên biệt hóa để mài sắc năng lực cạnh tranh khi hội nhập quốc tế. Hơn nữa, cơ cấu này sẽ tạo thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa trong tương lai vì xét về lâu dài , theo mô hình các quốc gia tiên tiến ngành viễn thông đều được cổ phần hóa toàn diện.
Trước câu hỏi liệu phương án tái cấu trúc này hiệu quả đến đâu, bài toán kinh doanh sản xuất có lợi nhuận hay không, hay lặp lại một Vinashin khác, TS Phạm Gia Minh khẳng định: “Sẽ không có kịch bản giống Vinashin thứ hai bởi VNPT có những điểm khác biệt”.
Theo ông Minh, việc đầu tư vào đóng tàu là một ngành "cổ" mà thế giới phát triển đang tìm cách đẩy sang các nước nghèo hơn do ngành này ô nhiễm, nhân lực lao động chuyên sâu và tạo ít giá trị gia tăng. Do đó không dễ thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực đầu tư này , kể cả đi vay cũng sẽ gặp điều kiện khó khăn. Trong khi đó, viễn thông tin học là ngành đang lên, xin nhớ rằng riêng Iphone đã mang lại 1.3% tăng trưởng cho kinh tế Hoa Kỳ !.
Ông Minh lí giải rằng thực tế là, khác với ngành đóng tàu nơi mà VN chưa có thành tích và đội ngũ chuyên gia hùng hậu thì Viễn thông tin học trong gần 20 năm qua vẫn nổi lên như một hướng đi có hiệu quả cao và phù hợp với hoàn cảnh đất nước với những yếu tố cụ thể: nhân lực thông minh, vốn đầu tư nhỏ hơn đóng tàu, không phải nhập khẩu nguyên liệu nhiều...
Ông Minh cho hay, việc tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh và một quy chế tài chính phù hợp nhằm hỗ trợ cho các Tổng công ty ngành viễn thông đổi mới công nghệ sẽ là chìa khóa mở cánh cửa hội nhập thành công trong thời gian tới.
Bàn thêm về đề án tái cơ cấu VNPT, TS Nguyễn Ái Việt – Viện trưởng Viện CNTT Đại học quốc gia lo lắng khi bưu chính và Học viện, rồi Mobifone tách ra khỏi Tập đoàn bưu chính viễn thông là những thách thức VNPT phải đối mặt.
Bình luận về lộ trình của đề án, ông Việt cho rằng, nên đi theo bước nhỏ: “Công nghệ thông tin quan trọng nhất là bắt đầu từ những cái nhỏ thôi nhưng khi thị trường vào thì tự nhiên sẽ bật được lên, ví dụ Google hay Facebook ngay từ đầu cũng chỉ là những nhóm nhỏ nhưng kiên nhẫn làm và đến một lúc nào đó tăng trưởng theo cấp số nhân”.
“Hiến kế” cho đề án, TS Phạm Gia Minh đề xuất, VNPT cần đi đầu trong việc hình thành và hoàn thiện phương pháp vận hành hiệu quả Quỹ đầu tư hỗ trợ đổi mới công nghệ. Đó là một việc mà cơ chế tài chính hiện nay còn đang mò mẫm, thử nghiệm nhưng các nước tiên tiến đã có nhiều kinh nghệm việc này.
Bởi kinh nghiệm Đài loan phát triển ngành IT của họ với sự hợp tác cùng các Quỹ đầu tư mạo hiểm ở Silicon Valley hay Israel phát triển Khu công nghệ cao kiểu Silicon Valley (nhưng hiệu quả cao hơn) là một số mẫu hình mà VNPT nên tham khảo trong quá trình tái cơ cấu hiện nay.
Hoàng Lan
vietnamnet
|