Thứ Tư, 01/10/2014 11:44

17 ngân hàng Hong Kong phải đóng cửa

Biểu tình ở Hong Kong không chỉ gây ra những tác động lập tức tới thị trường chứng khoán và đồng đôla Hong Kong, mà còn cả các hậu quả kinh tế trong dài hạn.

* Biểu tình tại Hong Kong tiếp tục nóng lên

Ảnh hưởng đến chính kinh tế của Hong Kong

Tính tới nay, 17 ngân hàng đã phải đóng cửa 29 chi nhánh trong thành phố, nhiều văn phòng và các quầy ATM cũng ngưng hoạt động, trong khi việc kinh doanh ở khu trung tâm gần như tê liệt.

Chỉ số chứng khoán Hong Kong Hang Seng mất 2,5% trong ngày 30-9, xuống thấp nhất kể từ tháng 7, đồng đôla Hong Kong cũng mất giá nghiêm trọng.

Các hoạt động tài chính chiếm khoảng 16% GDP của vùng lãnh thổ tự trị này, nhưng Hong Kong đang gặp sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều vùng kinh tế năng động khác trong khu vực như Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc.

Những nhà phân tích cũng cho rằng ngành du lịch Hong Kong, vốn dựa nhiều vào du khách từ đại lục, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Lượng du khách rất lớn sẽ đổ từ Trung Quốc sang Hong Kong trong tuần lễ vàng, tức kỳ nghỉ lễ dài nhân dịp Quốc khánh Trung Quốc 1-10. Du lịch chiếm khoảng 5% GDP Hong Kong, theo thống kê chính thức.

Du lịch của Hong Kong bị ảnh hưởng không chỉ từ lượng du khách ở đại lục: Úc và Ý đều đã ra khuyến cáo không nên tới Hong Kong cho công dân của họ ngày 30-9.

Lượng du khách theo nhóm từ Trung Quốc đại lục đăng ký đi Hong Kong tuần này đã giảm ít nhất 20% so với cùng kỳ, theo lời Steve Lam, giám đốc Hiệp hội Các hãng du lịch theo tour Hong Kong.

Và ảnh hưởng đến kinh tế các nước khác

Các hãng xếp hạng tín nhiệm tín dụng Fitch và Standard & Poor’s nói những cuộc biểu tình sẽ không có ảnh hưởng lớn trong ngắn hạn.

Nhưng nếu biểu tình kéo dài ở trung tâm, các hoạt động thương mại bình thường tại Hong Kong sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo tác động lên các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, vận chuyển hàng hải và cả đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Hong Kong là một trung tâm lớn về thương mại, tài chính, bảo hiểm và các hoạt động kinh doanh khác với vai trò cửa ngõ vào Trung Quốc lục địa.

Giá trị hàng hóa thương mại qua thành phố đảo này là 977 tỉ USD năm 2013, tương đương 5,2% tổng giá trị thương mại 18,8 nghìn tỉ USD trên toàn thế giới, theo qz.com.

Hong Kong cũng là trung tâm tài chính lớn thứ ba thế giới chỉ sau London và New York.

Là cửa ngõ chính cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc, trong số 124 tỉ USD vốn FDI vào Trung Quốc năm ngoái, một nửa là qua đường Hong Kong, theo tạp chí nghiên cứu luật tài chính.

Hong Kong cũng là nơi đặt trụ sở khu vực của hơn 3.700 công ty nước ngoài, và hơn 80% các công ty trong số đó có làm ăn ở Trung Quốc, theo Hội luật gia Mỹ.

Vai trò quan trọng của Hong Kong với kinh tế toàn cầu thể hiện qua quy mô rất lớn của ngành ngân hàng tại vùng lãnh thổ này, với tổng tài sản của các ngân hàng giá trị gấp khoảng tám lần GDP Hong Kong.

Thành phố này cũng là một khu vực hoạt động nhộn nhịp của các ngân hàng đầu tư, tức các hãng chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm và các hoạt động đầu tư tài chính khác, với riêng khoản phí dịch vụ mà các hãng này thu được từ hoạt động ở Hong Kong trong nửa đầu năm nay là 502 triệu USD, theo Thomson Reuters, đứng đầu trong các trung tâm tài chính châu Á, cao hơn Hàn Quốc, Singapore, Malaysia hay Đài Loan.

Vùng lãnh thổ tự trị này cũng là trung tâm kinh doanh ngoại hối lớn thứ năm thế giới, và là nơi giao dịch đồng nhân dân tệ lớn nhất. Trong 275 tỉ USD giá trị kinh doanh ngoại hối của Hong Kong năm ngoái, 49,5 tỉ USD là nhân dân tệ.

Hong Kong còn là cảng biển nằm trong số tốp năm của thế giới, với lưu lượng hàng hóa gấp ba lần cảng lớn nhất của Mỹ, Los Angeles. Hầu hết hàng hóa qua đường Hong Kong là nguyên vật liệu thô vào Trung Quốc hoặc hàng hóa chế tạo xuất khẩu từ Trung Quốc ra nước ngoài.

“Nếu vị thế trung tâm tài chính của Hong Kong bị đe dọa vì những cuộc biểu tình và sự can thiệp của Trung Quốc thì chính nền kinh tế Trung Quốc có thể gặp bất trắc”, Hãng Capital Economics viết trong một ghi chú cho khách hàng công bố ngày 30-9.

Chiêu Văn

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Nền kinh tế Italy thiệt hại 18 tỷ euro mỗi năm do hàng nhái (01/10/2014)

>   Dầu thô rớt thảm 13% trong quý 3, xuống thấp nhất 23 tháng (01/10/2014)

>   Ấn Độ giữ nguyên lãi suất liên ngân hàng để kiểm soát lạm phát (01/10/2014)

>   EU giữ nguyên các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga (01/10/2014)

>   DN Việt lao đao vì căng thẳng giữa châu Âu và Nga (01/10/2014)

>   Vàng rớt gần 9% trong quý 3 khi USD leo dốc mạnh nhất từ khủng hoảng tài chính (01/10/2014)

>   Biểu tình tại Hong Kong tiếp tục nóng lên (01/10/2014)

>   Lạm phát trong Eurozone xuống thấp nhất gần năm năm qua (01/10/2014)

>   Khi khủng bố nhằm vào ngân hàng (30/09/2014)

>   Indonesia đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8% trong năm 2015 (30/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật