Vụ đội giá thiết bị lặn: Đề nghị 3 án tử hình
Sau 3 ngày xét hỏi và luận tội, chiều 18-9, Viện KSND TP.HCM đã phát biểu quan điểm và đề nghị mức án cho 11 bị cáo trong vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (ALCII).
* Nâng giá thiết bị lặn lên gấp 1.300 lần để chiếm đoạt
Theo đó, 3 bị cáo Vũ Quốc Hảo (Nguyên Tổng giám đốc ALCII); Phạm Minh Tuấn (56 tuổi, Công ty Cát Long Hải) và Hoàng Lộc (49 tuổi,Tổng giám đốc Công ty cổ phần giám định thẩm định Việt Nam) bị đề nghị mức án tử hình.
Các bị cáo trong vụ án được dẫn giải sau phiên xét xử
|
Theo đại diện Viện KSND TP, bị cáo Vũ Quốc Hảo với cương vị là Tổng giám đốc ALCII đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình để chủ mưu, chỉ đạo toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật để tham ô số tiền lớn của nhà nước mà hiện nay không có khả năng thu hồi.
Bị cáo Hoàng Lộc biết rõ hành vi của bị cáo Hảo và giá trị của thiết bị lặn nhưng vẫn chỉ đạo bị cáo Lê Phúc Đức thực hiện hành vi gian dối gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Phạm Minh Tuấn cũng biết rõ mọi hành vi sai trái của Hảo nhưng vẫn cùng Hảo thực hiện hành vi gian dối.
Đại diện Viện KSND TP cho rằng đây là hành vi thoái hóa biến chất, đục khoét của nhân dân và không có khả năng cải tạo nên phải cách ly vĩnh viễn với xã hội.
Các bị cáo còn lại là Lê Thị Minh Huệ (45 tuổi Công ty cổ phần Cát Long Hải) và Vũ Đức Hòa (35 tuổi, Công ty Cát Long Hải) và Lê Phúc Đức (37 tuổi giám định viên Công ty cổ phần giám định thẩm định Việt Nam) dù biết rất rõ hành vi của bị cáo Vũ Quốc Hảo là gian dối nhưng vẫn hợp thức hòa hồ sơ, nâng khống thiết bị nên đề nghị chung mức án chung thân;
Các bị cáo còn lại khi thẩm định hồ sơ biết rất rõ giá trị của thiết bị lặn nhưng vẫn làm ngơ dẫn đến việc Hảo hoàn thành việc chiếm đoạt tài sản nên Viện KSND TP đề nghị:
- Nguyễn Văn Tài (55 tuổi, Phó Tổng giám đốc) và Phạm Xuân Nghị (52 tuổi trưởng phòng cho thuê); Đinh Nguyên Tý (52 tuổi phó phòng cho thuê); Nguyễn Văn Thọ (34 tuổi, cán bộ phòng cho thuê) mức án từ 18 đến 20 năm tù;
- Bị cáo Phùng Văn Đồng (42 tuổi Phó phòng kinh doanh Công ty ALCII) mức án từ 15 đến 16 năm tù.
Trước đó, trong phần xét hỏi, bị cáo Vũ Quốc Hảo thừa nhận mọi hành vi sai trái của mình và xin lỗi những người thân và gia đình vì đã lôi kéo những người này phạm pháp.
Tuy nhiên, trả lời các câu hỏi của luật sư, Vũ Quốc Hảo cho biết, thiết bị lặn không phải là đống sắt vụn.
Theo bị cáo Hảo, khoảng tháng 4-2007, bị cáo mang vỏ thiết bị lặn về Hải Phòng để giám định. Ruột và các thiết bị bị cáo để lại Công ty Cát Long Hải. Nếu bị cáo mang toàn bộ thiết bị máy móc của tàu ra Hải Phòng giám định thì không phải là “đống sắt vụn”. Thời điểm trước mang ra Hải Phòng, Tinro 2 đang sử dụng nhưng không hợp pháp.
“Mọi người đang cho rằng đây là đống sắt vụn, nhưng bị cáo cho rằng không phải là đống sắt vụn, mà có giá trị rất lớn, bị cáo giải thích như thế nào?”, luật sư Hằng Nga hỏi. “Nói đống sắt vụn là nói “giá trị thanh lý sắt vụn của vỏ tàu” thôi”, bị cáo Hảo trả lời.
Trong hồ sơ vụ án và cả phần khai trước tòa, bị cáo Hoàng Lộc khai: Khi được thuê giám định tàu Tinro 2, Lộc có tìm hiểu trên mạng và xác định tàu Tinro 2 có giá trị khoảng 80 tỉ đồng. (Theo cáo trạng, thiết bị lặn Tinro 2 do Liên Xô sản xuất từ năm 1975).
Ngoài mức án trên, Viện KSND TP cũng đề nghị HĐXX tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại cho Công ty ALCII.
H.Điệp - M.Hoa
tuổi trẻ
|