Thị trường chứng khoán: Chưa thể là giá đỡ cho doanh nghiệp cần vốn
Một trong các vai trò quan trọng của thị trường chứng khoán là giúp doanh nghiệp niêm yết có thể tìm được vốn thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu... Tuy vậy, cho dù thị trường chứng khoán đã có những bước tăng trưởng trong thời gian qua thì vai trò này vẫn rất mờ nhạt.
Theo báo cáo FSA, quy mô thị trường trái phiếu trong nước còn khiêm tốn và chủ yếu là trái phiếu chính phủ. Tổng giá trị trái phiếu hiện hành bằng khoảng 15% GDP, trong đó, 90% là trái phiếu chính phủ. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn trong giai đoạn sơ khai.
So thử con số của 6 tháng đầu năm nay sẽ thấy rõ điều này. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Vietcombank, chính phủ đã huy động thành công 151,7 nghìn tỉ đồng, trong khi đó, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công khoảng gần 9.000 tỉ đồng, chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp lớn, và một phần trong số này là trái phiếu đảo nợ ngân hàng, tức không có thêm vốn mới cho doanh nghiệp.
Việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp phụ thuộc một phần vào sự phát triển mạnh hơn của thị trường trái phiếu chính phủ. Tuy thế, báo cáo FSA cho rằng các yếu tố hạn chế sự phát triển của thị trường trái phiếu sơ cấp như có quá nhiều đợt phát hành, không có khối lượng tới hạn của các đợt phát hành, trong khi thị trường thứ cấp thanh khoản thấp, thiếu cơ sở nhà đầu tư tổ chức vững chắc (ngân hàng nắm giữ khoảng 80% lượng trái phiếu chính phủ hiện hành), và thiếu cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ cần thiết nên thị trường này vẫn phải cải tiến nhiều hơn.
Báo cáo đánh giá cao một số nỗ lực của chính phủ trong việc phát triển thị trường trái phiếu,trong đó sẽ hỗ trợ cải tiến cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp. Báo cáo này cho rằng đây là các nỗ lực đáng khích lệ vì thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu công trình, trái phiếu đảm bảo trả lãi có thể giúp doanh nghiệp, chính quyền địa phương mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn vốn dài hạn và tạo ra sự ổn định của hệ thống tài chính.
Theo báo cáo cả hai sở giao dịch chứng khoán có 700 doanh nghiệp niêm yết (hiện tại đã ít hơn), trong đó, nhiều doanh nghiệp là cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước. Khoảng một phần ba trong số này là doanh nghiệp có cổ phần nhà nước chi phối.
Báo cáo FSA cho rằng thị trường chứng khoán có lượng doanh nghiệp niêm yết nhiều, nhưng giá trị vốn hóa còn thấp, và rất nhiều các doanh nghiệp nhà nước lớn vẫn chưa có mặt trên sàn. Vì vậy, thị trường vốn thực chất còn rất sơ khai và cần nhiều hơn các nhà đầu tư tổ chức, các nhà môi giới chuyên nghiệp. Từ đó, sẽ có thêm nhiều các khách hàng và hấp dẫn sự tham gia của các doanh nghiệp lớn.
Trên thực tế, hiện không nhiều doanh nghiệp "lên sàn tìm vốn", do việc phát hành cổ phiếu, hay trái phiếu đều không dễ dàng. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp lớn tham gia, các doanh nghiệp nhỏ chưa thể chen chân được. Lý do là trái phiếu hầu hết được mua để nắm giữ dài hạn, nên nhà đầu tư sẽ không mua trái phiếu của một công ty nhỏ, làm ăn khó khăn hay tài chính không minh bạch.
Việc có lên sàn cũng khó tìm được vốn, trong khi phải chấp nhận nhiều quy định chặt chẽ về công bố thông tin và nhiều quy định khác đã khiến cho sàn chứng khoán ít kiếm thêm được cổ phiếu mới trong 2 năm trở lại đây.
Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) được WB và IMF thực hiện bắt đầu từ năm 2012, và hoàn tất vào tháng 6 năm nay. Báo cáo trên là sự tổng hợp của chương trình FSAP trong đó đưa ra các đánh giá về khu vực tài chính, sự ổn định và tiềm năng phát triển của hệ thống tài chính.
Thanh Thương
tbktsg
|