Thận trọng với các đợt tăng vốn lớn
Từ đầu năm đến nay, trên thị trường chứng khoán (TTCK) đã có khá nhiều đợt tăng vốn lớn của doanh nghiệp chỉ trong một thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, nhà đầu tư nhỏ lẻ cần hết sức thận trọng với các kế hoạch gọi vốn này, nhất là khi các quy định bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư hiện nay còn thiếu chặt chẽ.
Các đợt tăng vốn lớn
Trong tám tháng đầu năm nay, với sự ấm dần lên của Vn-Index, thị trường chứng khoán cũng ghi nhận những đợt tăng vốn rầm rộ lên gấp hai, gấp ba lần và diễn ra trong một thời gian rất ngắn. Có thể kể đến ba trường hợp tiêu biểu là Công ty cổ phần Đầu tư F.I.T (mã chứng khoán FIT), Công ty cổ phần tập đoàn FLC (FLC) và Công ty cổ phần Liên doanh đầu tư quốc tế KLF (KLF).
Về trường hợp của FIT, đầu tháng 8 vừa qua, công ty đã hoàn tất đợt tăng vốn lần thứ hai trong năm 2014. Theo đó, hơn 12 triệu cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu đã được chào bán thành công; đưa tổng số cổ phiếu đang lưu hành của FIT lên 46,7 triệu cổ phiếu, tương đương với giá trị vốn điều lệ hơn 467 tỉ đồng. Trước đó, trong đợt tăng vốn lần thứ nhất hồi tháng 5 vừa qua, FIT cũng thành công khi bán hết số cổ phiếu chào bán, đưa vốn điều lệ tăng từ 157,5 tỉ đồng lên 364,5 tỉ đồng. Như vậy, chỉ trong một thời gian rất ngắn (ba tháng), công ty này đã tăng vốn điều lệ lên gấp hơn ba lần.
KLF cũng đã chốt phương án tăng vốn cuối tháng 8 vừa qua bằng việc trả cổ tức bằng cổ phiếu (tỷ lệ 5%) và chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1. Dự kiến vốn điều lệ mới của KLF sẽ tăng lên hơn gấp đôi, từ mức 740 tỉ đồng lên 1.517 tỉ đồng. Đáng chú ý đợt tăng vốn này được bảo lãnh bởi Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS).
Trường hợp tăng vốn lớn nhất trên sàn từ đầu năm đến nay phải kể đến là FLC. Trong vòng chưa đầy một năm, công ty này đã tăng vốn điều lệ lên hơn bốn lần. Lần tăng vốn đầu tiên là vào tháng 4-2014 khi FLC phát hành thành công hơn 77 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng 771,8 tỉ đồng để tăng vốn gấp đôi, lên 1.543 tỉ đồng. Mới đây, vào ngày 4-9-2014, công ty cho biết đã hoàn thành đợt tăng vốn điều lệ lần thứ hai trong năm, từ mức 1.543 tỉ đồng lên 3.149 tỉ đồng. Bên cạnh việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, trước đó FLC cũng đã phát hành thành công 800 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi (dự kiến sẽ chuyển đổi vào tháng 4-2015). Trong thời gian tới, công ty này dự định chào bán riêng lẻ 600 tỉ đồng vốn cổ phần cho đối tác chiến lược với giá 12.000 đồng/cổ phiếu. Dự kiến mức vốn điều lệ trong thời gian tới sẽ tăng lên hơn 4.500 tỉ đồng.
Không rõ mục đích tăng vốn
Một câu hỏi nhà đầu tư luôn quan tâm trước mỗi đợt tăng vốn bằng cổ phiếu là mục đích sử dụng nguồn vốn tăng là gì? Trong quá khứ, đã có không ít doanh nghiệp “vẽ” ra dự án để huy động hàng ngàn tỉ đồng, nhưng sau đó lại thay đổi phương án ban đầu, đổ tiền vào dự án khác. Đối với trường hợp của FLC, trong tờ trình phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ ngày 15-4-2013, ban đầu, công ty này dự kiến tăng vốn để đầu tư cho hai dự án lớn là nhà máy sản xuất bao bì carton ở Vĩnh Phúc (300 tỉ đồng) và dự án sân golf - nghỉ dưỡng Hồ Cẩm Quỳ (471,8 tỉ đồng).
Tuy nhiên, ngay sau ngày hoàn thành đợt chào bán không lâu (7-4-2014), trong báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán (UBCK) ngày 16-5-2014, FLC lại thay đổi phương án sử dụng vốn sang đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp thuộc khu đô thị mới tại Thanh Hóa (dự án sân golf 300 tỉ, khu dịch vụ công cộng 100 tỉ, dự án khu nghỉ dưỡng 400 tỉ, dự án biệt thự 200 tỉ, dự án khách sạn Sầm Sơn 500 tỉ) và bổ sung vốn lưu động (43,6 tỉ). Việc thay đổi phương án sử dụng vốn một cách “chóng vánh” khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về mục đích huy động vốn thực sự của FLC.
Không những thiếu minh bạch về phương án sử dụng vốn, mạng lưới sở hữu chéo giữa các nhóm công ty trong cùng một tập đoàn cũng khiến thị trường đặt câu hỏi về khả năng tăng vốn bằng nguồn tiền thật của các doanh nghiệp. FLC và KLF có mối quan hệ khá “gần gũi” khi có nhiều khoản đầu tư qua lại thông qua các công ty liên kết của nhau. Tính đến ngày 27-8-2014, FLC sở hữu 14,76% vốn tại KLF. Ngược lại, KLF cũng có cổ phần tại một số công ty liên kết của FLC như FLC Travel, Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Alaska...
Rủi ro cho nhà đầu tư nhỏ lẻ
Sự ấm dần lên của thị trường chứng khoán có thể sẽ khiến các đợt tăng vốn trong thời gian tới diễn ra rầm rộ hơn. Tuy nhiên, đối với các công ty dự định tăng vốn nhằm trả nợ hay không có kế hoạch sử dụng vốn cụ thể, rủi ro cho các cổ đông là rất lớn, đặc biệt đối với các cổ đông nhỏ lẻ. Bài học “in giấy lấy tiền” của một vài năm trước chắc hẳn nhiều nhà đầu tư vẫn còn “thuộc nằm lòng”. Vấn đề mấu chốt của các đợt tăng vốn thành công vẫn là chất lượng doanh nghiệp đi kèm phương án sử dụng vốn có tính khả thi cao.
Về phía cơ quan quản lý, cần có các giải pháp nhằm giám sát phương án sử dụng vốn của các doanh nghiệp sau tăng vốn. Quy định hiện nay của UBCK chỉ yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo tình hình sử dụng vốn trong vòng sáu tháng kể từ đợt phát hành. Sau đó, doanh nghiệp sử dụng vốn ra sao, còn hay mất... cổ đông không được biết. Do vậy, UBCK cần siết chặt quản lý hơn nữa đối với các trường hợp vi phạm mục tiêu huy động vốn ban đầu. Đành rằng sớm khôi phục lại chức năng huy động vốn qua thị trường chứng khoán là điều cần thiết nhưng duy trì niềm tin của nhà đầu tư vào sự minh bạch của thị trường còn quan trọng hơn nhiều, nhất là khi niềm tin đó mới chỉ đang nhen nhóm trở lại.
Linh Trang
tbktsg
|