Tái cơ cấu và cuộc chiến với quỹ kền kền
Câu chuyện bắt đầu với cuộc khủng hoảng tài chính của Argentina năm 2001-2002. Cuộc khủng hoảng này khiến Argentina không thể trả được nợ và ngày 30/7, Argentina đã rơi vào cảnh vỡ nợ lần thứ hai trong vòng 13 năm, sau khi cuộc thương thảo tại New York với một nhóm các nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu chính phủ nước này thất bại.
* "Quỹ kền kền" chỉ trích Argentina vi phạm phán quyết tòa án
Cuộc chiến Argentina và quỹ kền kền
Theo phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ, Argentina phải thanh toán khoản nợ 1,3 tỷ USD cho hai quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ là NML Capital và Aurelius Management – là hai thể chế đã không đồng ý tham gia chương trình tái cơ cấu nợ của Buenos Aires.
Bức biếm họa về ông chủ của Quỹ đầu tư mạo hiểm Elliott Management (Mỹ) – tỷ phú Paul E. Singer
|
1,3 tỷ USD không là bao so với một nền kinh tế có tới gần 480 tỷ USD GDP. Nhưng nếu thanh toán cho 2 quỹ đầu cơ của Mỹ thì Argentina rồi đây cũng sẽ bị phần còn lại trong số các chủ nợ không chấp nhận xóa bớt nợ cho quốc gia này kiện theo.
Đó là chưa kể Buenos Aires còn bị ràng buộc về mặt pháp lý theo điều khoản gọi là RUFO. Theo đó, đến hết ngày 31/12/2014, Argentina không được quyền ưu đãi thanh toán cho bất kỳ một chủ nợ nào. Điều khoản RUFO này liên quan tới 93% chủ nợ đã xóa tới 70% nợ cho Argentina.
Nói một cách dễ hiểu nếu thanh toán 1,3 tỷ USD cho NML và Aurelius, thì coi như Argentina lại quay về điểm khởi đầu của thời kỳ khủng hoảng năm 2001. Argentina sẽ lao vào một cuộc chạy đua pháp lý không hồi kết. Hậu quả là sẽ phải thanh toán đến cả chục thậm chí là cả trăm tỷ đô la cho các chủ nợ cũ.
Cuộc đọ sức giữa chính quyền Buenos Aires với hai "quỹ kền kền" của Mỹ, NML và Aurelius bắt nguồn từ năm 2001 khi Argentina tuyên bố vỡ với số nợ nước ngoài lên tới hơn 100 tỷ USD. Các khoản trợ giúp của quốc tế, đứng đầu là IMF ồ ạt đổ về Buenos Aires vẫn không đủ sức giúp quốc gia ở châu Mỹ La tinh này thoát cơn hoạn nạn.
Trong gần một chục năm, các chính quyền liên tiếp không ngừng thương lượng với các chủ nợ để xin "tái cơ cấu" khoản nợ khổng lồ hơn 100 tỷ USD nói trên. Giới chủ nợ đứng trước hai con đường. Hoặc xóa 70% nợ cho Argentina và cho Buenos Aires thêm thời gian để thanh toán với hy vọng thu về được 30% còn lại. Hoặc mất trắng những khoản tín dụng đã cho Argentina vay mượn.
Sau hai đợt đàm phán quan trọng trong năm 2005 và 2010, trên một trăm ông chủ nợ của Argentina thời đó, thì có tới 93% đã chấp nhận phương án thứ nhất. Từ đó tới nay, Argentina luôn giữ chữ tín với các chủ nợ này, thanh toán đều đặn theo những quy ước đã được thông qua. Chỉ riêng 7 ông chủ nợ còn lại của Argentina thì cương quyết vẫn đòi được bồi hoàn 100%. Trong số 7 nhà chủ nợ rắn mặt đó có hai quỹ đầu cơ của Mỹ là NML Capital và Aurelius Management.
Quỹ kền kền hoạt động như thế nào
Argentina không phải là nạn nhân duy nhất của các quỹ kền kền, bởi những gì đang xảy ra với nước này cũng đang lặp lại tại Hy Lạp, nơi cũng đang có những trải nghiệm cay đắng với quỹ kền kền Dart Management – một tổ chức có trụ sở tại quần đảo Cayman và cũng đang có các thương vụ “bẩn” ở các quốc gia Mỹ Latinh. Ngoài ra những quốc gia nghèo nhất thế giới, như Bờ Biển Ngà, Burkina Faso, Angola, Cameroon, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Liberia, Madagascar, Mozambique, Niger, Sao Tome and Principe, Tanzania và Uganda cũng trở thành nạn nhân của các quỹ kền kền, thường xuyên bị đe dọa hoặc bị kiện tụng ra tòa để buộc trả những khoản tiền cao ngất ngưởng, vượt quá khả năng chi trả của họ.
Do cơ chế tổ hợp nên rất khó để một kền kền đơn phương thu hồi nợ, và nếu một quỹ muốn thực hiện hành động pháp lý để thu hồi khoản nợ của mình thì phải mua lại toàn bộ nợ của các chủ nợ trong cùng tổ hợp, và điều này kéo theo nhiều rủi ro và thủ tục pháp lý rất phức tạp.
Suốt thập niên 80, các nỗ lực gia hạn nợ ở châu Mỹ Latinh đã tạo nên nhiều công cụ mới dễ mua bán hơn, như trái phiếu Brady, từ đó lôi kéo thêm nhiều "tay chơi" mới nhảy vào thị trường thâu tóm nợ, trong đó các ngân hàng và các quỹ đầu tư ủy thác, còn gọi là quỹ kền kền.
Các chủ nợ ban đầu tìm cách bán các khoản nợ công trên thị trường thứ cấp, khi đó các quỹ kền kền bắt đầu ra tay thu mua với giá rất hời nhằm trục lợi trên thị trường. Trong quy trình mua bán vòng vèo này, các quốc gia con nợ thường làm động tác mua lại nợ của mình và quy đổi ra đồng nội tệ nhằm thu hút đầu tư.
Có trường hợp nợ công quá nặng phải nhờ đến sự tài trợ của WB để mua lại nợ. Kết quả của việc này là cơ chế tổ hợp chủ nợ bị phá vỡ, nhiều khoản nợ được mang ra bán với giá chỉ bằng 20% mệnh giá chính thức. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc các kền kền quyết tâm kiện các chính phủ con nợ để đòi trả đầy đủ giá trị nợ.
Các quỹ kền kền đưa ra phương châm: mua các khoản nợ xấu với giá cực rẻ (chiết khấu sâu), từ chối tham gia tái cơ cấu nợ và cố gắng đòi nợ với giá trị bằng với mệnh giá bề mặt cộng thêm lãi suất, nợ cũ và các khoản phạt thông qua kiện tụng tại tòa án nếu cần. Tỷ lệ lợi nhuận mà các quỹ kền kền thu được nếu thắng kiện thường là từ 3 đến trên 40 lần, có trường hợp đến 200 lần giá trị họ bỏ ra ban đầu.
Mối đe dọa của các quỹ kền kền
Theo đánh giá của IMF và WB, các quỹ kền kền luôn là mối đe dọa đối với các nỗ lực giải cứu nợ công dành cho các quốc gia nghèo nhất. WB đã giải ngân đến 40 tỷ USD tiền giải cứu nợ cho 30 quốc gia nghèo, nhờ đó mà những quốc gia nghèo mới có điều kiện thực hiện các chương trình an sinh xã hội thiết thực, như cho nông dân vay tín dụng nhỏ, xây dựng trường học và đầu tư các dự án cung cấp nước và vệ sinh môi trường hỗ trợ người nghèo.
Chính vì ảnh hưởng tiêu cực, tác động xấu đến an sinh xã hội, nhất là ở các nước nghèo, mà ngày nay hoạt động của các quỹ kền kền bị chế tài ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn, vào năm 2002, Bộ trưởng Tài chính Anh Gordon Brown đã thông báo với Mỹ rằng, hoạt động của các quỹ kền kền là "rất đáng phẫn nộ" vì chúng trục lợi lớn trên nợ nần của các nước nghèo, có khi lên đến hàng chục, hàng trăm lần giá trị ban đầu. Ông Brown yêu cầu chính quyền Mỹ phải có cách nào đó để kiểm soát, chế tài mạnh mẽ các quỹ này.
Argentina đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong nỗ lực chống lại các quỹ kền kền. Theo một số nhà phân tích, các quỹ kền kền không chỉ gây hại cho Argentina mà còn cho hệ thống tài chính quốc tế. Thậm chí IMF và một số tổ chức tín dụng cũng cảnh báo rằng hành động của các quỹ kền kền với sự hỗ trợ của ngành tư pháp Mỹ gây bất ổn trật tự tài chính quốc tế. Chính vì thế nhiều tổ chức, nhà kinh tế đã gửi thư kêu gọi Quốc hội Mỹ hành động ngay lập tức để tìm ra giải pháp nhằm giảm nhẹ tác động tiêu cực từ phán quyết của tòa án Mỹ.
Vũ Anh Tuấn (tổng hợp)
thời báo ngân hàng
|