Rắc rối quản lý vàng trang sức
Từ khi Thông tư 22 có hiệu lực đến nay, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng trang sức tạm ngưng hoạt động, thị trường vàng nữ trang tại TP HCM bị “liệt” phân nửa
Thị trường vàng trang sức đang “rối như canh hẹ” khi các doanh nghiệp (DN) lúng túng trước những yêu cầu trong Thông tư 22/2-13 của Bộ Khoa học và Công nghệ, quy định về quản lý đo lường, chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ, có hiệu lực từ ngày 1-6-2014, làm cho DN cầm chừng, buôn bán ế ẩm.
22.000 thợ kim hoàn không rõ quy định
Tại hội thảo về “Quản lý đo lường chất lượng trong sản xuất kinh doanh trang sức, mỹ nghệ” tổ chức mới đây tại TP HCM, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP HCM (SJA) Nguyễn Văn Dưng cho biết: Trong tổng số hơn 3.000 DN trong ngành tại TP HCM, chỉ có khoảng 20% là những đơn vị kinh doanh, đầu mối sản xuất lớn biết đến các quy định trong Thông tư 22.
Khoảng 22.000 thợ kim hoàn được SJA khảo sát đều nói có nghe đến thông tư nhưng không rõ quy định gì. Dù đã tổ chức 4 lần hội thảo cho các DN hội viên để cơ quan chức năng hướng dẫn triển khai thực hiện quy định về công bố hàm lượng, tuổi vàng, ký hiệu… nhưng DN vẫn lúng túng, không biết áp dụng sao cho đúng, bởi Thông tư 22 quy định rất nhiều chi tiết khó hiểu, khó thực hiện về đo lường, thử nghiệm vàng, cân kỹ thuật, vốn cho sản xuất kinh doanh… do đó nhiều DN xin chuyển đổi làm nghề khác…
Trên địa bàn TP HCM, các DN bán lẻ vàng trang sức mua sản phẩm với giá theo hàm lượng vàng 65% từ các DN đầu mối lớn (gọi là chành) trong khi hàm lượng thực tế chỉ đạt 61% và DN bán cho người tiêu dùng với giá tính theo hàm lượng vàng 67%.
Việc DN bán đồ trang sức với mức giá hàm lượng vàng cao nhưng thực tế thấp hơn 6% liệu có sai với Thông tư 22? Nhưng nếu bán “trung thực” hàm lượng bao nhiêu tính giá bấy nhiêu thì mọi chi phí chế tác, hao hụt trong sản xuất nữ trang sẽ tính vào đâu, khi bị cơ quan quản lý kiểm tra DN có bị phạt hay không?...
“Kết quả là từ khi Thông tư 22 có hiệu lực đến nay, rất nhiều DN sản xuất kinh doanh vàng trang sức tạm ngưng hoạt động, thị trường vàng nữ trang tại TP HCM bị “liệt” phân nửa” - vị chủ tịch SJA lo lắng nói.
Khổ vì nhiều tiêu chuẩn
Theo các DN, chỉ tính riêng vụ cân kỹ thuật để cân trọng lượng vàng cũng đau đầu. Sau khi có Thông tư 22, các DN đã đem cân đi kiểm định chất lượng, được chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng dán tem đạt chuẩn và cho phép sử dụng.
Cách đây 1 tháng, nhiều DN đã bỏ khoảng 30 triệu đồng mua cân kỹ thuật mới, nay lại có thông tin là cân kỹ thuật phải kẹp chì niêm phong mới được kinh doanh nên những DN đã trót mua cân không có kẹp chì gặp lúng túng, bởi mua cân kẹp chì phải mất thêm 45-50 triệu đồng… Chưa kể, trên thị trường cũng đang “loạn” các loại máy xác định hàm lượng vàng.
Ngoài ra, theo SJA, thị trường vàng hiện nay quy định quá nhiều chuẩn vàng từ 8K đến 24K khiến DN không biết đâu mà lần. Tại Long An quy định tối thiểu hàm lượng vàng nữ trang 60%, Cần Thơ 62%, Đồng Tháp 55%, TP HCM 61%... khiến DN sản xuất không biết sản xuất như thế nào để đáp ứng được yêu cầu của cơ quan quản lý.
Ông Nguyễn Văn Dưng đề nghị: Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ cho áp dụng 4 cấp độ: 10K, 14K, 18K và 24K để DN vừa thuận lợi trong sản xuất, cơ quan nhà nước dễ quản lý và người tiêu dùng bảo đảm được quyền lợi.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đo lường Tiêu chuẩn Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Văn Vinh cho rằng về quy định hàm lượng vàng, Việt Nam đang tương đồng với các nước trên thế giới, hàm lượng vàng không được thấp hơn giá trị công bố nên DN phải chấp hành và chịu trách nhiệm về việc tự công bố của mình.
Riêng tiêu chuẩn hàm lượng vàng, quy định thực hiện theo Nghị định 24/2012 của Chính phủ, nhưng tổng cục sẽ ghi nhận và kiến nghị Chính phủ điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi cho DN vàng trang sức.
Vũ Phong
Người Lao động
|