Nội soi hệ thống ngân hàng (kỳ 1): Cổ phiếu vua bị lảng tránh
Tính từ đầu năm 2013 tới nay, VN-Index tăng hơn 50% và trải qua giai đoạn tươi đẹp nhất kể từ năm 2007. Cổ phiếu của hầu hết các ngành nghề đều đã có những mức tăng rất ấn tượng, ngay cả cổ phiếu ngành bất động sản vốn được coi là gặp nhiều khó khăn nhất, cũng đã có mức tăng mạnh từ đáy. Thế nhưng ngân hàng - cổ phiếu vua một thời - vẫn đang bị lãng quên và lảng tránh tại vùng đáy suốt gần hai năm qua.
Các ngân hàng Việt Nam đang báo cáo số liệu nợ xấu bình quân hơn 4% tổng dư nợ. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nói nếu áp đúng chuẩn theo Thông tư 02, Thông tư 09 thì nợ xấu ở mức 9% tổng dư nợ. Moody, Fitch, IMF... lại đánh giá nợ xấu chiếm 10-15% tổng tài sản. Những thước đo khác nhau cho ra các kết quả rất khác biệt. Hệ quả là các con số về lợi nhuận, nợ xấu, chi phí dự phòng... mà các ngân hàng đã công bố dù vẫn đang xấu đi nhưng vẫn không được mấy ai tin tưởng.
Thay vì hạch toán minh bạch để có một đáy sâu và thực chất, đa số các ngân hàng đã chọn cách đẩy các khó khăn về tương lai với kỳ vọng thời gian và đà phục hồi của nền kinh tế sẽ giúp chữa lành các món nợ xấu. |
Đối với nhà đầu tư, hiện thực dù xấu xí đến mấy cũng không đáng sợ bằng sự mù mờ. Nhưng bức tranh chung ngành ngân hàng Việt Nam dường như đang hội tụ đủ cả sự mù mờ và xấu xí.
Như kế hoạch NHNN đang thực hiện, có hai giai đoạn điều trị dành cho hệ thống ngân hàng Việt Nam: (1) Hạ đòn bẩy để cải thiện thanh khoản và (2) Xử lý nợ xấu và cải thiện chất lượng hoạt động.
Thanh khoản đồng loạt cải thiện
Tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) chung toàn hệ thống từ kỷ lục 110% vào quí 2-2011 đã giảm xuống 83% ở quí 2-2014. Thanh khoản hệ thống từ mức rất căng thẳng đầu năm 2011 thì hiện đã ổn định trở lại và dần trở nên dư thừa đối với một số ngân hàng.
MBB, ACB, và VCB theo thứ tự là ba ngân hàng có hệ số LDR thấp nhất và ở phía ngược lại, EIB, BID, và CTG dù đã hạ mạnh tỷ lệ đòn bẩy trong ba năm qua vẫn cho vay nhiều hơn số tiền huy động được.
Một điểm tích cực nữa là giao dịch giảm mạnh trên thị trường liên ngân hàng. Đây là nơi các ngân hàng tìm đến cầu cứu nhau khi có vấn đề về thanh khoản, cũng là nơi tạo ra nhiều tài sản ảo, giao dịch lòng vòng, lách luật...
Nếu coi thanh khoản là máu, là sự sống của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) thì cho tới lúc này có thể kết luận rằng đa số các ngân hàng sẽ sống. Nhưng việc sẽ sống khỏe hay sống vật vờ phụ thuộc vào chất lượng tài sản và tốc độ xử lý nợ xấu.
Chất lượng tài sản - bức tranh tương phản
Tốc độ ghi nhận và xử lý nợ xấu, cải thiện chất lượng tài sản giữa các ngân hàng vẫn là cả một trời khác biệt.
Thật may, dù đang có rất nhiều khoảng trống để biến báo các con số thì chuẩn mực kế toán đối với báo cáo tài chính ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng niêm yết, cũng giúp nhà đầu tư có đủ tư liệu để mổ xẻ thực trạng các ngân hàng. Nếu phải chọn một chỉ tiêu quan trọng nhất để phản ánh đúng chất lượng tài sản và thu nhập của ngân hàng thì đó là khoản mục Phí và lãi phải thu.
Thông thường trong hoạt động ngân hàng, các khoản phí chiếm tỷ trọng nhỏ trong nguồn thu và ít được trả chậm. Các khoản lãi vay thường được thu định kỳ 1-3 tháng, trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ trả lãi định kỳ 12 tháng.
Do vậy, các ngân hàng có tỷ trọng trái phiếu chính phủ/dư nợ tín dụng cao vượt trội như MBB (50%), ACB (36%), VCB (30%) sẽ có khoản lãi dự thu lớn nhưng an toàn. Nhưng điều ngạc nhiên là mặc dù đẩy mạnh mua trái phiếu, VCB, ACB, và MBB lại chính là các ngân hàng có tỷ lệ phí và lãi phải thu cải thiện tốt nhất trong các ngân hàng niêm yết. Điều này đồng nghĩa với việc các khoản nợ còn lại của các ngân hàng này có khả năng trả lãi tốt và ngày càng cải thiện. Đây là những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp hơn bình quân ngành.
Ở phía đối lập, các ngân hàng có tỷ trọng đầu tư trái phiếu thấp như SHB (14%), STB (18%), lại có lãi dự thu tăng cao trong 2-3 năm trở lại đây. Họ đã ghi nhận rất nhiều lãi từ những khoản nợ không trả lãi. Điều nguy hiểm với cổ đông các ngân hàng này không chỉ là tính ảo của các nguồn thu đã ghi nhận mà còn nằm ở khả năng chuyển thành nợ xấu của số tài sản khổng lồ đang được hoãn trả gốc và cả lãi vay này.
Quyết định 780 của NHNN ban hành vào tháng 4-2012 đã cho phép ngân hàng được đảo nợ cho người vay và qua đó phủ tấm màn che đi thực trạng nợ xấu ở nhiều ngân hàng. SHB, STB là các ngân hàng tích cực nhất trong việc vận dụng Quyệ định 780 để đảo một tỷ trọng rất lớn nợ ngắn hạn thành nợ trung và dài hạn. Khi thời hạn đảo nợ chấm dứt, các khoản nợ này có thể chuyển nhóm thành nợ xấu kéo theo sự tụt giảm của lãi và gia tăng mạnh của dự phòng nợ xấu.
Ngược lại, VCB và MBB một lần nữa thể hiện chiến lược thận trọng trong hoạt động và tính minh bạch trong hạch toán khi tiếp tục giảm tỷ lệ cho vay trung và dài hạn trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Với tỷ lệ cho vay ngắn hạn rất cao, MBB (69%) và VCB (64%) chấp nhận đối mặt với tỷ lệ nợ xấu sớm tăng cao và trích lập dự phòng lớn khi các khoản nợ rất nhanh chóng tới hạn và bộc lộ bản chất xấu-tốt.
Xử lý nợ xấu - những nghịch lý
Với thực tế hoạt động khó khăn và thiếu hiệu quả hiện nay của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), hành động thực chất nhất để xử lý nợ xấu của các ngân hàng vẫn là chủ động trích lợi nhuận hoặc huy động thêm vốn mới để tự xử lý.
Nghịch lý là những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt lại đang tích cực hơn trong việc đẩy mạnh trích lập dự phòng cho nợ xấu trong khi các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao và chất lượng tài sản kém mới chỉ trích lập dự phòng rủi ro rất ít.
Nếu coi con số nợ xấu toàn ngành 9-10% tổng dư nợ được NHNN công bố là chuẩn mực, thì MBB và VCB đang đi đầu trong việc hoàn tất xử lý số nợ xấu này. Trong ba năm qua MBB và VCB là hai ngân hàng mạnh tay nhất việc hy sinh lợi nhuận để trích lập nợ xấu với tỷ lệ lần lượt là 5,6% và 5% dư nợ đã được trích lập (tính cho dư nợ quí 2-2013). Đi theo sau là BIDV và CTG với mức trích lập 4,5% và 4% dư nợ.
Tất nhiên nợ xấu không phân bố đồng đều trên toàn hệ thống. Có những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu gấp 2, 3 lần toàn ngành. Và ngược lại, những ngân hàng có hệ thống quản trị tốt và chiến lược thận trọng trong giai đoạn tăng trưởng nóng và khủng hoảng sau đó sẽ có tỷ lệ nợ xấu thấp hơn bình quân ngành.
Ở một thước đo khác về tỷ lệ trích lập dự phòng cho nợ xấu nội bảng, sự phân hóa giữa các ngân hàng lại thể hiện rõ như ngày và đêm. VCB, MBB, và BIDV đang là các ngân hàng đi đầu trong việc chủ động trích lập ở mức cao cho các khoản nợ xấu nhóm 2-5. Dù chuẩn mực kế toán Việt Nam cho phép các ngân hàng trích lập dựa trên giá trị khoản vay trừ giá trị tài sản đảm bảo nhưng ba ngân hàng nói trên đã thận trọng ghi giảm giá trị tài sản bảo đảm theo thực tế khó thu hồi hiện nay và trích lập ở tỷ lệ cao cho các khoản nợ xấu còn lại.
EIB, ACB, và STB chỉ bỏ ra rất ít lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu. SHB là trường hợp rất đáng lưu ý với nợ xấu cao nhất và dự phòng thấp nhất
Lê Chí Phúc
tbktsg
|