Thứ Hai, 01/09/2014 11:13

Nỗi buồn Shinzo Abe

Chưa bao giờ là một dấu hiệu tốt khi một nhà lãnh đạo tầm cỡ quốc tế chơi golf lại trở thành đề tài bàn tán. Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama bị chê trách khi đi chơi golf giữa lúc các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc đang dậy sóng ở Ferguson, Missouri. Người đồng sự của ông ở Nhật, Thủ tướng Shinzo Abe, cũng bị bàn tán khi đi chơi golf giữa lúc khủng hoảng đang diễn ra.

Trong trường hợp của ông Abe, một số người chê trách là do ông đi chơi sau khi nhận những báo cáo về vụ lở đất ở Hiroshima đã tước đi sinh mạng của hơn 50 người. Tuy nhiên, một lý do lớn hơn đằng sau sự khó chịu này là công chúng không vui gì trước những loạng choạng gần đây của chính sách kích thích kinh tế Abenomics do ông Abe khởi xướng từ khi nhậm chức Thủ tướng vào cuối năm 2012.

Mức tăng lương ở Nhật đã không theo kịp mức tăng giá cả tiêu dùng

Không phải đến khi thông tin kinh tế Nhật bị tăng trưởng âm 6,8% trong quý II/2014 (so với cùng kỳ năm ngoái) được công bố vào giữa tháng 8 thì công chúng và nhà đầu tư mới tỏ ra lo ngại. Thực ra, mối hoài nghi đối với chính sách này đã xuất hiện từ trước đó.

Hồi tháng 7 vừa qua, tờ báo Sankei, vốn thường ủng hộ ông Abe, đã tuyên bố “một bóng mây đang bao phủ” chính sách Abenomics, sau khi cuộc trưng cầu dân ý của tờ báo này cho thấy số người không đồng tình với cách mà Chính phủ điều hành nền kinh tế cao hơn số người đồng tình.

Mặc dù một số chỉ số kinh tế đã bắt đầu nhích lên sau một quý II thê thảm, nhưng “tốc độ tăng trưởng này lại quá chậm khiến người ta khó có thể kỳ vọng vào một sự phục hồi nhanh chóng”, Robert Feldman, chuyên gia kinh tế trưởng về Nhật tại Morgan Stanley MUFG lo ngại.

Trước đây, câu hỏi được nghe nhiều nhất về Abenomics là liệu ông Abe có thể thực hiện các cải cách mang tính cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng - mũi tên thứ ba trong chiến lược hồi phục kinh tế (2 mũi tên đầu trong Abenomics là thúc đẩy chi tiêu công và nới lỏng tiền tệ). Câu hỏi này đến nay vẫn chưa có lời đáp.

Giờ đây, mối nghi ngờ lại chĩa vào cái từng được xem là điểm sáng nhất của chính sách Abenomics: vực dậy nền kinh tế thông qua các biện pháp tài khóa và đặc biệt là nới lỏng cung tiền mạnh tay. Sau một thời gian tăng trưởng khả quan nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ của ông Abe, GDP Nhật đã tăng trưởng âm 6,8% trong quý II. Nhưng điều mọi người lo ngại không hẳn là mức tăng trưởng âm này, vì nó đã được dự báo từ trước đó, do tác động của chính sách tăng thuế tiêu dùng có hiệu lực vào ngày 1.4.

Điều một số người lo ngại hơn là bức tranh vĩ mô tổng thể của Nhật đang có dấu hiệu của tình trạng lạm phát đình đốn. Nếu xét tăng trưởng GDP thực, nền kinh tế đã trải qua tốc độ tăng trưởng gần như 0% trong giai đoạn giữa năm 2013 đến giữa năm 2014. Trong khi đó, chương trình nới lỏng cung tiền mạnh tay của Ngân hàng Trung ương Nhật đã khiến lạm phát ngóc đầu dậy. Mặc dù lương đã tăng nhẹ vào tháng 6 nhưng giá cả tiêu dùng lại tăng cao hơn, khiến cho thu nhập thực tế của người dân thấp hơn 3,2% so với mức cách đây 1 năm.

Ngay cả những người “đỡ đầu” cho chính sách Abenomics cũng thừa nhận mọi thứ đã không đi đúng như kế hoạch. Lạm phát không phải là điều khiến họ lo ngại vì đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài là mục tiêu chính của Abenomics. Thế nhưng, một “mức tăng lạm phát tốt” như họ đã cam kết (tức việc giá cả tăng dẫn đến mức tăng tương ứng trong thu nhập) lại không đạt được, nếu không nói là có tác dụng ngược: giá cả tăng khiến cho người dân nghèo hơn.

Haruhiko Kuroda, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật, đã nêu lên mối bận tâm này tại cuộc họp ngân hàng trung ương các nước diễn vào cuối tháng 8 vừa qua ở Jackson Hole, Wyoming, Mỹ. Ông cũng thừa nhận Nhật chỉ mới “đi được nửa chặng đường” trên con đường chống giảm phát. Tuy nhiên, ông dự đoán thu nhập sẽ tăng kịp với giá cả, một khi doanh nghiệp và người lao động bắt đầu chấp nhận việc giá cả tăng là điều bình thường ở Nhật.

Nỗi buồn của ông Abe và các quan chức tại BoJ còn ở chuyện đồng yen. Các nhà xuất khẩu lớn như Toyota và Sony đã tăng mạnh được lợi thế cạnh tranh nhờ đồng yen yếu đi dưới tác động của chính sách Abenomics. Trong một khoảng thời gian, việc hỗ trợ nhà xuất khẩu qua việc làm suy yếu đồng yen thực sự đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Nhật.

Thế nhưng, lần này, việc giá đồng yen giảm hơn 20% dưới thời của ông Abe đã không lặp lại được thành tích đó. Một phần là do Nhật đã trở thành một nhà nhập khẩu ròng sau khi sự cố nhà máy điện Fukushima buộc nước này phải tăng mua dầu khí từ bên ngoài, khiến cho thâm hụt thương mại càng trầm trọng hơn. Một phần nữa là xuất khẩu gần đây đã không tăng trưởng như dự kiến, do các công ty giờ sản xuất sản phẩm ở ngoài nước Nhật nhiều hơn.

Đứng trước làn gió ngược này, ông Abe giờ phải quyết định liệu có nên tiếp tục một đợt tăng thuế tiêu dùng khác vào tháng 10.2015. Ông có thể quyết định không tăng thuế nếu nhận thấy nền kinh tế phục hồi quá yếu ớt. Nhưng với đợt phục hồi GDP dự kiến trong quý III tới và áp lực chính trị buộc phải giảm mức nợ công cao ngất ngưỡng của Nhật, nhiều người cho rằng có thể ông sẽ vẫn triển khai đợt tăng thuế tiêu dùng mới. Trong một cuộc khảo sát do nhật báo Nikkei công bố vào đầu tuần qua, chỉ 30% người cho rằng nên triển khai đợt tăng thuế tiêu dùng tiếp theo, giảm 6 điểm phần trăm so với đợt khảo sát hồi tháng 7.

Dù rằng đợt tăng thuế tiếp theo chỉ 2 điểm phần trăm, so với mức 3 điểm phần trăm của đợt tăng hồi tháng 4, nhưng không có gì lấy làm chắc chắn là nền kinh tế sẽ chịu đựng được mức tăng mới này, nhất là khi niềm tin đối với ông Abe đã giảm xuống. Trong nhiều cuộc khảo sát ý kiến, tỉ lệ ủng hộ của ông Abe chưa tới 50%, thấp hơn rất nhiều so với mức đồng tình tới hơn 70% mà ông nhận được trong phần lớn năm đầu tiên nhậm chức Thủ tướng. Nếu không sớm lật ngược thế cờ, ông sẽ đối mặt với một cuộc bầu cử gian nan vào giữa năm 2016.

Đàm Hoa (Theo FT)

Nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Căng thẳng Ukraine đẩy đồng Rúp rớt giá kỷ lục (31/08/2014)

>   Microsoft: Tận lợi từ tránh thuế (31/08/2014)

>   Dầu giảm liền 2 tháng trước căng thẳng Nga-Ukraina (30/08/2014)

>   FBI điều tra vụ JP Morgan Chase bị tin tặc tấn công (30/08/2014)

>   Kinh tế Brazil rơi vào “suy thoái kỹ thuật” khi GDP liên tục giảm (30/08/2014)

>   Vàng rút lui trước kỳ nghỉ lễ nhưng tăng nhẹ trong tháng 8 (30/08/2014)

>   Chính phủ Italy thừa nhận quá lạc quan về tăng trưởng kinh tế (29/08/2014)

>   Kinh tế Tây Ban Nha tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2007 (29/08/2014)

>   Đồng ruble Nga xuống giá kỷ lục so với đồng dollar Mỹ (29/08/2014)

>   Malaysia Airlines sa thải 6,000 nhân viên để hạn chế thua lỗ (29/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật