Những ông chủ mới của làng chứng khoán
Trải qua giai đoạn tái cấu trúc mạnh các công ty chứng khoán sau nhiều thăng trầm của thị trường. Bên cạnh các ông lớn tự đổi mới bắt kịp xu thế, các đơn vị yếu hơn tìm đối tác để sáp nhập, cũng có trường hợp lột xác hoàn toàn với ông chủ mới và dàn lãnh đạo mới trong thời gian gần đây.
Đó là trường hợp các công ty chứng khoán liên tục có kết quả kinh doanh yếu kém, làm hao mòn ý chí phấn đấu của ban lãnh đạo cũng như cổ đông sáng lập khiến họ phải từ bỏ đơn vị. Nhưng kinh doanh chứng khoán vẫn đầy sức hút, người ra đi rồi thì lại có kẻ thế chân vào…
VIX: 3 năm 2 lần đổi chủ – nỗi thất vọng của các ông chủ lớn
Chứng khoán IB (HNX: VIX) tiền thân là CK Vincom, được thành lập từ thời đỉnh cao của thị trường chứng khoán năm 2007 với số vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập của VIX là CTCP Vincom – VIC (21 triệu cp), Công ty Bảo hiểm Ngân hàng BIDV (1.5 triệu) và ông Phạm Khắc Phương (810 ngàn cp).
Sau hơn 1 năm niêm yết trên HNX (2010), VIX hoạt động khá èo uột, liên tục không đạt những chỉ tiêu và kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, với bối cảnh kinh tế khó khăn, chứng khoán xuống dốc, thị giá VIX cũng rớt thảm từ mức 25,000 tại thời điểm niêm yết xuống 7,000 vào cuối năm 2010. Do vậy, ông chủ lớn nhất của VIX thời bấy giờ là VIC đã quyết định thu hẹp hoạt động và chuyển nhượng hẳn công ty.
Lúc này ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy), ông Bùi Xuân Thức, bà Nguyễn Thị Vụ, bà Nguyễn Thị Vui đã cùng mua lại lượng cp do VIC thoái và trở thành những ông chủ mới của VIX. Đi kèm với điều này, công ty đổi tên thành CK Xuân Thành.
Đến giữa năm 2012, khi tình hình kinh doanh khấm khá hơn, giá cổ phiếu tăng lên 13,000 đồng thì ba cổ đông là ông Thức, bà Vụ và bà Vui đồng thời rút dần vốn, chỉ riêng Bầu Thụy gom thêm cổ phiếu và nâng tỷ lệ sở hữu lên 81.5% vốn. Những tưởng ông chủ lớn Bầu Thụy sẽ gắn bó dài lâu cùng VIX sau khi mạnh tay gom cổ phiếu, song chỉ sau nửa năm (đầu năm 2013) đã vội vã tháo chạy. Nguyên nhân một phần cũng bởi sau 2 quý lãi đột biến, bất ngờ quý 3/2012, CK Xuân Thành lỗ khủng 78 tỷ đồng đánh bay mọi thành quả trước đó; một phần khác là kết quả kinh doanh của Bầu Thụy ở nhiều lĩnh vực gặp khó.
Dĩ nhiên, với tình hình hoạt động không mấy khấm khá, việc thoái vốn của ông chủ lớn Bầu Thụy cũng không được suôn sẻ và nhanh gọn như các cổ đông trước. Do vậy, phải hơn một năm từ đầu năm 2013 đến đầu năm 2014 hành trình thoái vốn của Bầu Thụy mới kết thúc và VIX một lần nữa đổi chủ.
Theo đó, lần thứ hai VIX đổi tên thành CK IB và thay luôn đội ngũ cán sự cao cấp. Chỉ trong vòng 4 tháng gần đây, VIX đã đổi Chủ tịch HĐQT 3 lần, từ ông Thụy đến bà Thẩm Thị Mai Hương và hiện nay là ông Ngô Phương Chí.
Theo số liệu công khai gần đây nhất, Thành viên HĐQT Nguyễn Văn Tuấn cùng vợ là bà Dương Thị Hồng Hạnh và tổ chức liên quan CTCP CVE Invest đang sở hữu 26.67% vốn CK IB, cổ đông lớn nhất lộ mặt.
Có thể nói, chưa có đơn vị nào trên sàn lại có nhiều biến động trong cấu trúc bộ máy hoạt động cũng như cổ đông như VIX, chỉ trong vòng 3 năm, công ty đã 2 lần đổi chủ, đổi tên và đổi lãnh đạo. Thông thường, những biến động lớn như trên đối với một doanh nghiệp luôn là vấn đề tiêu cực ảnh hưởng rất lớn đến phương hướng cũng như chiến lược hoạt động của đơn vị. Đó là chưa kể đến việc doanh nghiệp thiếu hẳn những con người tâm huyết và gắn bó.
Xét về lợi ích, quả thật cả VIC lẫn Bầu Thụy đều đã phải chịu lỗ trong thương vụ đầu tư vào VIX khi hoạt động kinh doanh không khởi sắc và thị giá cổ phiếu rớt thảm. Đối với các cổ đông mới, chưa thể kết luận được việc đổ vốn vào đây có mang lại lợi nhuận hay không nhưng những thành quả trước mắt có thể cho họ cái nhìn tích cực hơn.
Cụ thể, trong 2 quý đầu năm, lợi nhuận của công ty đã ổn định trở lại, bình quân mỗi quý đem về lãi ròng gần 10 tỷ đồng. Trong khi đó, thị giá cổ phiếu cũng đã trở về thời hoàng kim trước đây, đặc biệt vào ngày 06/08/2014, thị giá VIX đạt 28,000 đồng, gần tương ứng với mức giá thời điểm mới niêm yết đầu năm 2010. Đồng thời, thanh khoản cổ phiếu VIX cũng cải thiện đáng kể trong vòng 3 tháng trở lại đây, bình quân mỗi phiên giao dịch gần 200,000 đơn vị (trước đó chỉ tầm 30,000 đơn vị).
APG, ROSE, VIX là những công ty chứng khoán đã đổi chủ trong thời gian gần đây
|
Nhanh gọn như ROSE và APG
Không được đình đám như VIX, trong thời gian gần đây thị trường cũng chứng kiến vụ đổi chủ của CK Hoàng Gia (ROSE) và CK An Phát (APG).
CTCK Hoàng Gia (ROSE) đã đổi chủ một cách khá đơn giản và nhanh gọn. Đơn vị này có số lượng cổ phần rất tập trung vào 4 nhân vật trong HĐQT, nắm 100% vốn, là ông Đoàn Nguyên Thu (Thành viên HĐQT – Phó TGĐ Hoàng Anh Gia Lai, thành viên sáng lập), bà Hồ Thị Cẩm Trang (thành viên sáng lập), bà Hồ Thị Cẩm Tú và ông Trần Minh Tiến.
Cuối tháng 6 vừa qua, 3 nhân sự chủ chốt trên, ngoại trừ ông Thu, thông báo đã chuyển nhượng hết 2.9 triệu cp, ứng với gần 83% vốn của ROSE. Qua đó, hé lộ những ông chủ mới là ông Trần Xuân Huy, ông Võ Duy Đạo và bà Tạ Thị Phương Trang. Trong đó, ông Huy là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ hữu 33.14%. Được biết, ông Huy và ông Đạo cũng là nhân vật có tiếng trong làng tài chính, gắn liền với tên tuổi Tập đoàn Thành Thành Công (ThanhThanhCong) của gia đình ông Đặng Văn Thành. Ông Võ Duy Đạo đang là Thành viên Hội đồng Chủ tịch của Tập đoàn này, ông từng kênh qua các vị trí quản lý cấp cao tại các công ty chứng khoán như Rồng Việt (HNX: VDS) hay Sacombank SBS (UPCoM: SBS). Còn ông Huy là Nguyên Tổng giám đốc Sacombank dưới thời ông Đặng Văn Thành làm Chủ tịch.
Các nhân vật mới cũng thay thế các vị trí chủ chốt trong HĐQT của ROSE với sự đứng đầu của ông Huy.
Nhìn lại 7 năm hoạt động dưới trướng của các sáng lập viên, CK Hoàng gia có 4 năm thua lỗ và 3 năm có lãi. Những năm thua lỗ thì hàng tỷ đồng, còn lãi chỉ dừng ở con số trăm triệu đồng. 2 quý đầu năm 2014, ROSE cũng báo lỗ hơn 1.6 tỷ đồng. Cho nên, lỗ lũy kế của đơn vị đã lên đến hơn 10 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6 năm 2014.
Kịch bản đổi chủ của CK An Phát (HNX: APG) cũng không khác ROSE bao nhiêu khi hàng loạt lãnh đạo cao cấp và cổ đông sáng lập đăng ký thoái hết vốn. Chỉ trong vòng 2 tháng từ tháng 3-5/2013, gần như toàn bộ HĐQT gồm Chủ tịch Trần Kim Phương và Phó Chủ tịch Nguyễn Cương cùng những đối tượng liên quan hoàn tất việc bán hết cổ phần.
Theo đó, xuất hiện cổ đông lớn mới là ông Nguyễn Hồ Hưng, CTCP ĐT và PT Nha Trang – Hà Nội, CTCP Tài chính Điện lực (EVNFC) với tổng tỷ lệ sở hữu 53.6%. Đồng thời, dàn lãnh đạo mới có ông Hưng làm Chủ tịch HĐQT, ông Trần Thiên Hà làm Phó Chủ tịch.
Đặc biệt sau khi trở thành Chủ tịch HĐQT, ông Hưng vẫn tiếp tục đăng ký mua thêm cp APG với số lượng cổ phần rất lớn trong nhiều lần nhưng công cuộc mua thêm có vẻ nan giải khi giá cổ phiếu không phù hợp và lượng mua được khá nhỏ giọt. Tính đến hiện tại, ông Hưng chỉ mua được hơn 2.2 triệu đơn vị, ứng với tỷ lệ 16.69% vốn An Phát. Ngược lại, CTCP ĐT và PT Nha Trang – Hà Nội và EVNFC lại thoái toàn bộ 44.34% vốn chỉ sau vài tháng nắm giữ.
Xét về hoạt động kinh doanh, tương tự như các CTCK thành lập vào thời điểm năm 2007, An Phát cũng rơi vào tình trạng lãi thì vài tỷ, lỗ thì lên đến vài chục tỷ. Một năm sau đổi chủ tưởng chừng như tình hình kinh doanh của APG đã khá hơn theo đà phục hồi của thị trường chứng khoán khi năm 2013 ghi nhận lãi 4.8 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm trước đó. Tuy nhiên, 2 quý trở lại đây, dù thị trường chứng khoán phục hồi mạnh nhưng kết quả kinh doanh của công ty vẫn không khá hơn thời điểm cùng kỳ năm 2013 và quý 2 vừa qua vẫn tiếp tục lỗ gần 300 triệu đồng.
Chúng ta hãy cùng chờ xem liệu có kỳ tích nào xảy ra từ những ông chủ mới của “làng chứng khoán” hay không?
Trần Việt
|