Những ẩn số sau mùa soát xét bán niên 2014
Mùa BCTC bán niên soát xét 2014 đã đi qua, xét về tổng quan số lượng doanh nghiệp phải điều chỉnh lợi nhuận đã giảm đáng kể. Dẫu vậy, những trường hợp có thay đổi nghiêm trọng, lãi giảm mạnh hay tăng mạnh, thậm chí từ lãi sang lỗ từ lỗ sang lãi vẫn còn tồn tại.
Theo thống kê của Vietstock, trong hơn 96% doanh nghiệp niêm yết đã ra BCTC bán niên soát xét 2014 (tính đến ngày 08/09 và không tính đến doanh nghiệp bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng) có khoảng 60% đơn vị phải điều chỉnh khoản mục lợi nhuận sau thuế so với trước soát xét. Bên cạnh những điều chỉnh trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, bảng cân đối kế toán cũng có những thay đổi, trong đó các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho phải điều chỉnh nhiều nhất, tỷ lệ điều chỉnh trên 30%.
Trong các doanh nghiệp phải điều chỉnh lợi nhuận đáng kể sau soát xét, PXI là trường hợp duy nhất từ lỗ sang lãi. Cụ thể, sau soát xét doanh thu của PXI tăng 38% lên 226 tỷ đồng, tuy vậy do giá vốn cũng tăng mạnh nên lãi gộp chỉ còn 26 tỷ đồng (giảm 10 tỷ). Nhân tố chính khiến kết quả kinh doanh của PXI đảo ngược hoàn toàn là sự sụt giảm mạnh trong chi phí quản lý từ 36.8 tỷ đồng theo báo cáo tự lập rớt xuống 2.7 tỷ đồng sau soát xét. Bên cạnh điều chỉnh mạnh lợi nhuận sau thuế, PXI cũng bị kiểm toán lưu ý nhiều vấn đề như các dự án đang tạm ngừng thi công và không thể đánh giá được giá trị thu hồi, hay doanh nghiệp có lợi thế kinh doanh của một số thửa đất phát sinh trong quá trình cổ phần hóa với số tiền 39.2 tỷ đồng nhưng chưa thực hiện phân bổ.
Đơn vị tính: Triệu đồng
|
Ngược lại, SJC, CCM, VRC, BST, VC5, KTS, S12 lại rơi vào tình huống thay đổi từ lãi sang lỗ ròng sau khi kiểm toán bắt tay vào làm việc. Trong đó, đáng chú ý nhất là S12, do có quá nhiều khoản mục phải điều chỉnh từ doanh thu thuần, giá vốn đến doanh thu, chi phí tài chính và cả lợi nhuận khác đã làm cho kết quả cuối cùng từ lãi 44 triệu đồng sang lỗ nặng 9 tỷ đồng.
Ở khía cạnh khác, có rất nhiều doanh nghiệp bất ngờ giảm lãi mạnh, đến hơn 70% hay tăng lãi gấp đôi, gấp 3 so với báo cáo tự lập. Điển hình cho trường hợp này là KTB, CLG, GTT từ mức lãi khoảng 2 tỷ đồng đã chuyển thành vài trăm triệu đồng; hay MDC, TNT, UDC, LUT lợi nhuận tăng trên 100% sau soát xét.
Một trường hợp giảm lãi gây ấn tượng nhất là TTF. Trong báo cáo tài chính tự lập, doanh nghiệp đã hân hoan báo lãi tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ năm trước khi đạt 33 tỷ đồng, đây thực sự là kết quả gây sốc với nhiều nhà đầu tư khi mà nhiều năm trở lại đây công ty bị đè nặng bởi chi phí lãi vay nên lợi nhuận cả năm chỉ tầm vài tỷ đồng. Tuy nhiên, sau công tác soát xét của đơn vị kiểm toán, lãi ròng của TTF chỉ còn lại 17 tỷ đồng, giảm 49% so với trước đó. Nguyên nhân đến từ những sai sót trong hạch toán nhiều khoản mục như doanh thu thuần, doanh thu tài chính, chi phí tài chính, chi phí quản lý. Trong đó, đặc biệt sai sót nghiêm trọng nhất là những hạch toán trong hoạt động tài chính, cụ thể đối với khoản lãi vay được xóa đáng lẽ phải hạch toán làm giảm chi phí tài chính thì TTF lại ghi nhận như một khoản doanh thu hay ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư ngắn hạn đến 7 tỷ đồng là doanh thu. Những sai sót này đã khiến doanh thu tài chính của TTF theo báo cáo tự lập là 122 tỷ đồng trong khi thực tế sau kiểm toán chỉ 5.4 tỷ đồng, chi phí tài chính cũng được điều chỉnh từ 92.6 tỷ đồng xuống âm 14.47 tỷ đồng.
Kết lại, so với mùa kiểm toán 2013, báo cáo tài chính bán niên soát xét 2014 của doanh nghiệp niêm yết đã có cải thiện rõ nét về mức độ chính xác, hợp lý thể hiện qua tỷ lệ điều chỉnh lợi nhuận sau thuế đã giảm từ 80% xuống còn 60%, đồng thời mức độ điều chỉnh cũng đã giảm rất nhiều. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng trong công cuộc minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư trước những công bố của doanh nghiệp.
Xem thêm:
* Sau kiểm toán, 80% doanh nghiệp phải điều chỉnh lãi sau thuế
* Phó Tổng KPMG: Cần giúp nhà đầu tư ý thức được tính chất, độ tin cậy của thông tin có trong tay
Mỹ Hà
|