Nhận thức về công nghệ hỗ trợ đã sát hơn với thực tế
Đó là nhận định của đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) về dự thảo Nghị định Phát triển công nghiệp hỗ trợ trong phiên họp lần 2 – Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ Nhật – Việt do JETRO và Ban Quản lí các khu chế xuất- khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA) tổ chức tại TP.HCM ngày 23-9.
Ông Yasusumi Hirotaka, Giám đốc điều hành JETRO cho biết, JETRO đánh giá cao các nhận định về công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong dự thảo Nghị định về phát triển CNHT của Bộ Công Thương. Trong đó, coi việc phát triển CNHT là chủ đạo cho phát triển kinh tế và là hoạt động quan trọng trong chính sách công nghiệp quốc gia; Năng lực cạnh tranh của CNHT yếu sẽ làm yếu năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư, ngược lại nếu CNHT phát triển mạnh sẽ là khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng đã nhận thức được việc phát triển CNHT là phát triển các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ nên Chính phủ cần phải hỗ trợ mạnh mẽ cho các DN vừa và nhỏ vốn nằm ở thế yếu…
“Những quan điểm về CNHT trong dự thảo Nghị định phát triển CNHT đã cho thấy, nhận thức về CNHT của Chính phủ Việt Nam đã sát hơn với thực tế” - ông Yasusumi Hirotaka nhận định.
Tại phiên họp JETRO cũng đưa ra nhiều ý kiến về các biện pháp hỗ trợ nói chung cũng như đối với từng biện pháp hỗ trợ phát triển CNHT trong dự thảo Nghị định.
Cụ thể, về điều kiện đối với các đối tượng được hỗ trợ, JETRO cho rằng cần chú ý nếu điều kiện khó quá sẽ không có đối tượng nào được áp dụng các biện pháp hỗ trợ. Bên cạnh đó cần làm rõ các định nghĩa về cá nhân, dự án là đối tượng hỗ trợ, nội dung các biện pháp hỗ trợ, điều kiện xin hỗ trợ, mục tiêu, quy mô của các biện pháp hỗ trợ. Đồng thời, cần phải hoàn thiện thể chế và tập trung đủ nhân lực để xây dựng cơ chế, thẩm tra, xin đăng kí, thủ tục thực hiện.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định phải hoàn thiện các văn bản hướng dẫn quy định về trình tự thủ tục của từng biện pháp hỗ trợ. Theo đề xuất của JETRO, khoảng 6 tháng, Bộ Công Thương cần phải đánh giá lại tình hình thực hiện và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để xem xét lại chế độ, cơ chế thực hiện, đảm bảo các nguồn lực cần thiết cần tăng thêm, thay đổi nơi nhận ủy thác, thay đổi thứ tự ưu tiên.
Liên quan đến dự thảo Nghị định, ông Lê Hoài Quốc, đại diện Ban Quản lí Khu công nghệ cao TP.HCM cũng cho rằng, dự thảo cần nghiên cứu những điều khoản khuyến khích DN FDI đầu tư, liên kết với DN nội địa vì hiện nay có nhiều sản phẩm các DN FDI hạ nguồn yêu cầu nhưng với trình độ, công nghệ, vốn, nguồn nhân lực các DN Việt Nam chưa thể đáp ứng được; phải hướng đến lộ trình liên kết, hợp tác, chuyển giao công nghệ tiến tới nội địa hóa, để trong khoảng 5-10 năm nữa sẽ có DN CNHT của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguyễn Huế
Hải Quan
|