Nhà thầu chính không được giao hết việc cho nhà thầu phụ
Tổng thầu, chủ thầu chính hoặc nhà thầu nước ngoài không được giao toàn bộ công việc theo hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện.
Đây là một quy định đáng chú ý tại dự thảo Nghị định về Hợp đồng xây dựng, một trong năm nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng 2014 mà Bộ Xây dựng đưa ra để lấy ý kiến tại TPHCM vào hôm nay 18-9.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng – Bộ Xây dựng, cho biết xu hướng phát triển một loại nhà thầu quản lý, chỉ chuyên nhận thầu và giao cho các nhà thầu phụ là phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, những nhà thầu làm được điều này đòi hỏi năng lực chuyên môn rất cao mà tại Việt Nam chưa có nhiều nhà thầu như vậy.
Do đó, quy định trên sẽ khiến các nhà thầu chính không thể giao phó tất cả việc thi công cho nhà thầu phụ. Riêng về hoạt động quản lý, giám sát thì nhà thầu chính có thể san sẻ cho nhà thầu phụ.
Cũng liên quan đến hợp đồng xây dựng, thực tế đã có nhiều mâu thuẫn giữa nhà thầu và chủ đầu tư xảy ra khi nhà thầu chính thay đổi thầu phụ yếu hơn hoặc không “điều khiển” được thầu phụ trong quá trình xây dựng.
Ông Khánh cho biết, để hạn chế điều này, luật mới sẽ quy định nhà thầu chính phải là người chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về chất lượng công trình, dù công việc đó là do nhà thầu phụ của mình thực hiện.
Nhiều ý kiến phản biện quy định này khi cho rằng điều này không phù hợp với thực tế ngành xây dựng hiện nay bởi có những nhà thầu nước ngoài trong ngành xây dựng chỉ chuyên tham gia đấu thầu và khi thắng thầu thì giao lại cho nhà thầu phụ làm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Toan, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long – Bộ Giao thông Vận tải, công trình xây dựng thường có hàng chục hạng mục mà nhiều nhà thầu phụ tại Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để thực hiện các hạng mục đó.
Do đó, ông Toan đề nghị dự thảo nên cho phép các nhà thầu phụ có thể làm hết các công việc mà nhà thầu chính giao. Đây cũng là cách để tạo việc làm cho lao động ngành xây dựng trong nước.
Ở góc độ khác về hợp đồng xây dựng, ông Nguyễn Tiến Thảo, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bức xúc, nhiều chủ đầu tư phải bồi thường hợp đồng với nhà thầu khi việc giải phóng mặt bằng chậm mà nguyên nhân chính thuộc về chính quyền địa phương.
Do đó, ông Thảo yêu cầu dự thảo nghị định cần quy định chặt chẽ về trách nhiệm của các bên khi xảy ra tranh chấp, khiếu kiện do việc giải phóng mặt bằng chậm.
Về việc mua bảo hiểm công trình, ông Khánh cho biết dự thảo quy định việc mua bảo hiểm chỉ áp dụng cho một số công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường, công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công phức tạp.
Ngoài dự thảo Nghị định về hợp đồng xây dựng, hội thảo này còn thảo luận về các dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng 2014, bao gồm : quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng, chi phí đầu tư xây dựng và xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho hay, Luật Xây dựng 2014 có nhiều điểm mới so với luật cũ khi làm rõ hơn quy trình quản lý đầu tư xây dựng với các công trình được đầu tư từ những nguồn vốn khác nhau. Đồng thời, các nghị định dưới luật sẽ quy định chặt chẽ hơn để nâng cao trách nhiệm của các nhà thầu, việc cấp chứng chỉ hành nghề.
Luật Xây dựng 2014 được Quốc hội thông qua ngày 18-6-2014 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2015.
Mạnh Tùng
tbktsg
|