Ngành viễn thông: Nhiều điểm sáng dần xuất hiện
Tổng doanh thu của doanh nghiệp niêm yết ngành viễn thông qua nửa đầu năm 2014 ghi nhận mức giảm 3.5%, tuy vậy điểm sáng dần xuất hiện khi tổng lợi nhuận đã tăng lên gần 45 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê của Vietstock, biên lãi ròng của 10/12 doanh nghiệp niêm yết ngành viễn thông đã cải thiện rõ rệt. Rõ ràng nhất là Công nghệ Viễn thông Sài Gòn – Saigontel (HOSE: SGT) với biên lãi ròng gần 20% trong khi cùng kỳ thì thấp “lè tè” chỉ với 0.75%. Còn biên lãi ròng của Kỹ thuật Điện Toàn Cầu (HNX: GLT) tăng mạnh từ 6% lên 10.4%. Nổi bật nhất qua nửa đầu năm là biên lãi ròng hơn 30% của Đầu tư & Phát triển Công nghệ Văn Lang (HNX: VLA). Tuy nhiên, con số biên lãi ròng của VLA đã giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước (gần 70%).
Bên cạnh đó, nợ vay ngắn hạn giảm mạnh hơn 40% khiến chi phí lãi vay giảm tương ứng cũng được xem là nhân tố góp phần không nhỏ cho bức tranh tươi sáng của ngành viễn thông niêm yết qua nửa năm đầu năm nay.
Mặt bằng lợi nhuận nhiều cải thiện
Nếu chỉ đơn thuần đứng ở khía cạnh doanh thu thì bức tranh kết quả kinh doanh (KQKD) ngành viễn thông qua 6 tháng đầu năm vẫn còn khá “mịt mù” khi đến gần một nửa số doanh nghiệp niêm yết trong ngành ghi nhận doanh thu giảm mạnh từ 30-50% so với cùng kỳ năm trước.
Song, ở góc nhìn khác lại cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực khi có đến 4/12 doanh nghiệp mặc dù đà tăng của doanh thu không thực sự thuyết phục nhưng lợi nhuận đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc.
Bên cạnh đó, theo quan sát của người viết, kết thúc ngày 30/6/2014 ngành viễn thông có 2 đơn vị đã thoát lỗ cùng kỳ năm trước và bắt đầu có lãi, ngoài ra còn có 2 đơn vị giảm lỗ qua nửa đầu năm nay.
KẾT QUẢ KINH DOANH DN NGÀNH VIỄN THÔNG 6T/2014
Trong đó, lợi nhuận tăng trưởng đáng kể về con số tuyệt đối thuộc về một “đại gia” trong ngành là SGT khi lợi nhuận công ty mẹ ghi nhận qua nửa đầu năm hơn 20 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, hiện lợi nhuận của SGT đã chiếm gần một nửa tổng lợi nhuận của ngành (44.7 tỷ đồng).
Đáng chú ý hơn, trong 6 tháng đầu năm đã có sự chuyển biến lớn trong cơ cấu doanh thu của SGT khi doanh thu từ hoạt động thương mại, dịch vụ trong kỳ trước hơn 105 tỷ đồng thì nửa đầu năm nay chỉ còn vỏn vẹn 13 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động cho thuê lại đất tại chi nhánh Bắc Ninh đã mang về cho SGT hơn 82 tỷ đồng, và hiện đã “vượt mặt” hoạt động thương mại khi chiếm tới 80% trong cơ cấu doanh thu. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán của hoạt động cho thuê đất trong quý 2 (76 tỷ đồng) cao hơn so với nguồn thu từ hoạt động này (56.6 tỷ đồng) mang lại, SGT phải “sống nhờ” vào hoạt động tài chính mang về hơn 36 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng cổ phiếu.
Với việc kinh doanh khá nhiều ngành nghề kể cả bất động sản, tại ĐHĐCĐ diễn ra vào cuối tháng 6 vừa qua, cổ đông cho rằng SGT đang đi xa định hướng chính là công nghệ viễn thông. Tuy nhiên, đại diện SGT cho biết trong tình hình kinh tế hiện nay, nếu doanh nghiệp chỉ đi 1 chân thì dễ ngã, vì thế với việc phát triển thêm khu công nghiệp, bước đầu đã mang về lợi nhuận cho công ty.
LỢI NHUẬN 6T2014 DN NGÀNH VIỄN THÔNG
Tuy xét về con số tuyệt đối có phần kém thuyết phục hơn nhưng cũng ghi nhận đà tăng trưởng mạnh về lợi nhuận là ba đơn vị KASATI (HNX: KST), Công nghệ mạng & Truyền thông (HOSE: CMT) và Kỹ thuật Điện Toàn Cầu (HNX: GLT) với lần lượt mức tăng là 711%, 160% và 83% so với cùng kỳ năm trước.
Dẫu rằng tăng trưởng mạnh là thế, nhưng cả 3 ba cp SGT, KST và CMT dường như vẫn chưa tạo được dấu ấn thực sự để thu hút dòng tiền của nhà đầu tư khi hầu hết các phiên trong 3 tháng gần đây lượng cp giao dịch thị trường còn khá ít ỏi. Về GLT giao dịch có phần đỡ “đìu hiu” hơn 3 cp trên, khi khối lượng giao dịch các phiên chạm mốc 10,000 cp.
Giao dịch cp ngành viễn thông trong những năm gần đây khá ảm đạm, khối lượng giao dịch bình quân cả năm của đa số cp đều dưới 10,000 đơn vị/phiên. Duy nhất chỉ có cổ phiếu ITD giao dịch bình quân hơn 300,000 đơn vị/phiên.
Nếu xét về giá, kết phiên giao dịch 26/08, 8/12 cp ngành đều “liệt” vào nhóm penny, trong đó “đội sổ” là cp VIE khi giá chỉ có 2,900 đồng/cp.
|
Điểm mặt thoát lỗ, giảm lỗ
Trong 6 tháng đầu năm, thống kê trong ngành hiện chỉ còn hai doanh nghiệp ghi nhận lỗ ròng là Công nghệ Tiên Phong (HOSE: ITD) và Công nghệ Viễn Thông ITECO (HNX: VIE), tuy nhiên mức lỗ ít nhiều đã có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Điển hình như ITD theo BCTC quý 1 (1/4-30/6/2014) chỉ còn lỗ hơn 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 5 tỷ đồng. VIE có “bước tiến” chậm hơn khi vẫn còn ghi nhận lỗ ròng hơn 3.2 tỷ đồng, tức là chỉ “đỡ lỗ” gần 300 triệu đồng.
Ngoài ra, phải kể đến Tập đoàn Công nghệ CMC (HOSE: CMG) và Viễn thông Vạn Xuân (HNX: VAT) đã “thoát lỗ” thành công. Trong đó, lãi ròng quý 1 (1/4-30/6/2014) của CMG hơn 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 7 tỷ đồng. Được biết, chi phí tài chính giảm xuống 11.7 tỷ đồng, chỉ còn một nửa so với cùng kỳ năm trước, là nhân tốt giúp CMG “thoát lỗ”. Còn VAT ghi nhận 792 triệu đồng, thoát cảnh lỗ 1.2 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Kết quả kinh doanh ghi nhận lợi nhuận qua nửa đầu năm của các doanh nghiệp trong ngành có nhiều điểm tích cực, tuy nhiên nếu ngoại trừ ba đơn vị là ONE, VAT và VLA thì số đơn vị còn lại chỉ mới thực hiện được trên dưới 20% kế hoạch năm 2014, sẽ là một áp lực rất lớn cho những doanh nghiệp này phải “chạy” quyết liệt vào nửa cuối năm nay.
Tính đến cuối quý 2, ONE và VLA đã thực hiện lần lượt được 42% và 45% kế hoạch năm, nổi bật nhất VAT đã cán mốc 66%
|
(*) CMG, ITD và GLT có niên độ kế toán từ 1/4/2014 - 31/3/2015.
Trong bài viết chỉ lấy số liệu BCTC Quý 1 (1/4-30/6/2014) của 3 đơn vị này
(**): BCTC Công ty mẹ.
Đức Phương
|