KSD có tránh được “vết đổ” những năm trước?
Giá cổ phiếu KSD đã tăng đến 65% chỉ tính trong vòng 3 tuần, trước kỳ vọng hoạt động kinh doanh khởi sắc hơn. Tuy nhiên, KSD cần phải tránh được “vết đổ” trước đó trong việc lựa chọn sản phẩm đầu tư và đối tác kinh doanh.
Cổ phiếu của TCT Cổ Phần XNK Đông Nam Á Hamico (HNX: KSD) đã có mức tăng ấn tượng 42% trong tuần 08 – 12/09/2014 từ 5,500 đồng lên 7,100 đồng/cp. Trước đó, KSD cũng đã tăng từ 4,300 đồng lên 5,300 đồng từ 22/08 – 03/09/2014, tức tăng 23%. Tổng cộng hai giai đoạn này, KSD đã tăng đến 65% chỉ tính trong vòng gần 3 tuần.
Thông tin đáng chú ý liên quan đến KSD trong giai đoạn này là báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2014 ra ngày 27/08, thông báo kết quả triệu tập ĐHĐCĐ bất thường lần 1 và mời họp lần 2 ra ngày 29/08, thông báo triển khai vay 30 tỷ đồng bổ sung vốn kinh doanh ra ngày 10/09.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế (LNST) 6 tháng đầu năm 2014 của KSD đạt gần 897 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm 2013 lỗ 2.4 tỷ đồng.
Mặt khác, kết quả kinh doanh theo quý cũng đã dương trở lại từ quý 03/2013, sau khi lỗ liên tục trong 6 quý trước đó tính từ quý 01/2012 giúp LNST năm 2013 đạt 508 triệu đồng. Nhờ đó mà KSD đã thoát khỏi diện bị kiểm soát từ ngày 13/03/2014 (do lỗ 2 năm liên tiếp 2011 và 2012 với mức lỗ lần lượt 16.4 tỷ đồng và 34.9 tỷ đồng) và chuyển sang diện bị cảnh báo do LNST chưa phân phối cuối năm 2013 vẫn là số âm (-40.48 tỷ đồng).
Tuy LNST của KSD đạt được trong 4 quý gần đây rất nhỏ so với mức âm của LNST chưa phân phối trên nhưng giới đầu tư đang cho rằng hoạt động kinh doanh của công ty sẽ khởi sắc trở lại. Điều này có thể là nguyên nhân giúp thu hút dòng vốn của nhà đầu tư vào KSD.
Việc ĐHĐCĐ bất thường được tổ chức ngày 29/08 thất bại đáng ngạc nhiên đã không ảnh hưởng tới đà tăng của KSD, và cổ phiếu này thậm chí còn tiếp tục tăng mạnh hơn sau đó.
Tuy nhiên, KSD đã điều chỉnh giảm điểm sau khi chạm mức giá 7,200 đồng ngày 15/09 cũng là ngưỡng kháng cự mạnh trong quá khứ. Giao dịch khớp lệnh của KSD hầu như khá thấp, ngoại trừ trong những phiên tăng nóng. Mức khớp lệnh bình quân 52 tuần hiện đang là 312 ngàn cổ phiếu, P/E và P/B hiện tại đang là 18.95 lần và 0.86 lần.
Có tránh được “vết đổ” những năm trước?
Thời điểm này, KSD cũng đưa ra Nghị quyết HĐQT về việc triển khai vay các cá nhân, tổ chức tổng cộng 30 tỷ đồng để bổ sung vốn kinh doanh và đầu tư trong chiến lược mở rộng hoạt động, bằng việc tham gia đầu tư góp vốn vào các doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp đến công nghiệp và dịch vụ.
Kết quả của chiến lược này sẽ có câu trả lời trong thời gian tới. Tuy nhiên, KSD cần phải tránh được “vết đổ” trước đó trong năm 2012 trong việc lựa chọn sản phẩm đầu tư và đối tác kinh doanh.
Tháng 10/2010, KSD đã thành lập 2 công ty con là CTCP Xuất khẩu Nam Á Hamico và công ty TNHH Linh Sa Hamico để mở rộng quy mô sản xuất sau khi nhận thấy tiềm năng phát triển của mặt hàng mắc treo quần áo tại Mỹ. Hai công ty con đã đóng góp vào doanh thu của tổng công ty là 69 tỷ đồng trong năm 2011, và dự kiến sẽ đem về 140 tỷ đồng doanh thu và 14 tỷ đồng lợi nhuận năm 2012. Ngoài ra, KSD cũng góp vốn đầu tư vào CTCP Điện cơ Hải Phòng (cũng chính là khách hàng của KSD) chủ yếu để hưởng cổ tức khi thấy công ty này làm ăn khả quan.
Tuy nhiên, KSD đã liên tục gặp khó khăn khi nhận được phán quyết sơ bộ của DOC (Bộ Thương Mại Hoa Kỳ) về mức thuế chống trợ cấp đối với mặt hàng mắc áo bằng thép xuất từ Việt Nam nên buộc phải “bán con” để hạn chế khó khăn. KSD đã chuyển nhượng CTCP Xuất khẩu Nam Á Hamico với giá trị 5.76 tỷ đồng (vốn điều lệ 16 tỷ đồng) và công ty TNHH Linh Sa Hamico là 6 tỷ đồng (vốn điều lệ 17 tỷ đồng).
Không lâu sau đó, KSD cũng chuyển nhượng phần vốn góp vào CTCP Điện cơ Hải Phòng với giá trị 4 tỷ đồng (giá trị đầu tư 9 tỷ đồng) do cần vốn để phát triển sản phẩm mới thay thế móc áo khi nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng bị thu hẹp mạnh.
Theo báo cáo tài chính năm 2012, tổng lỗ thanh lý các khoản đầu tư lên tới 29 tỷ đồng, trong 33.2 tỷ đồng chi phí hoạt động tài chính.
Thu Hoa
|