FLC: Lợi nhuận khủng vẫn “nằm” trong khoản phải thu?
Hoạt động đầu tư tài chính đã cứu vãn thành công lợi nhuận của FLC trong nửa đầu năm 2014. Tuy nhiên, nhiều khả năng khoản lợi nhuận này vẫn chưa được chuyển hóa thành tiền mặt.
Kết quả kinh doanh 6T/2014 lãi khủng nhờ hoạt động tài chính
Trong 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu của CTCP Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) tăng nhẹ 2.5% so với cùng kỳ năm ngoái khi chỉ đạt 666.8 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận gộp lại tăng mạnh 2.2 lần khi đạt 41.6 tỷ đồng, chủ yếu nhờ mảng doanh thu cung cấp dịch vụ. Lợi nhuận sau thuế của FLC trong 6T/2014 tăng đột biến bằng 7.3 lần so với cùng kỳ đạt 145.1 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của FLC có sự đột biến chủ yếu nhờ lợi nhuận từ hoạt động tài chính đạt gần 149 tỷ đồng trong kỳ, bằng 23.5 lần so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ 6.3 tỷ đồng). Lợi nhuận tài chính tăng mạnh trong kỳ phần lớn đến từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Đầu tư Tài chính và Quản lý tài sản RTS với số lãi 113.6 tỷ đồng và chuyển nhượng CTCP Công nghệ OTP FLC Việt Nam với số lãi 9 tỷ đồng.
Phải thu tăng vọt, lợi nhuận tài chính vẫn chưa thu được tiền mặt
Song hành với lợi nhuận đột biến, khoản phải thu ngắn hạn của FLC cũng đã tăng mạnh 65% trong kỳ từ 514 tỷ đồng lên đến 847 tỷ đồng.
Khoản phải thu khách hàng đã giảm mạnh từ gần 429 tỷ đồng cuối năm 2013 xuống còn 208 tỷ đồng - đây là tín hiệu đáng mừng đối với hoạt động kinh doanh của FLC. Tuy nhiên, khoản phải thu khác lại tăng vọt từ 27.5 tỷ đồng lên 502.5 tỷ đồng, và đáng chú ý là các khoản phải thu khác của FLC chủ yếu liên quan đến hoạt động chuyển nhượng cổ phần, bao gồm:
· Gần 270 tỷ đồng do chuyển nhượng 19.9 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư Tài chính và Quản lý tài sản RTS với Ông Trịnh Văn Đại.
· 133 tỷ đồng do chuyển nhượng 10 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư Tài chính và Quản lý tài sản RTS với Ông Nguyễn Văn Mạnh.
· 54 tỷ đồng do chuyển nhượng 4.5 triệu cổ phiếu CTCP Công nghệ OTP FLC cho CTCP Đầu tư Tài chính và Quản lý tài sản RTS.
Như vậy, đến hết quý 2/2014, lợi nhuận từ các hoạt động chuyển nhượng cổ phần vẫn chưa được chuyển hóa thành tiền mặt. Đến cuối quý 2, FLC đang báo cáo số dư tiền mặt gần 112 tỷ đồng.
Hiện tượng đầu tư tài chính đột biến
Hoạt động đầu tư tài chính của FLC đã tăng đột biến trong kỳ. Theo đó, khoản mục đầu tư ngắn hạn tăng mạnh 2.66 lần so với đầu năm lên 932 tỷ đồng và khoản mục đầu tư dài hạn tăng 2.46 lần lên gần 1,100 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư ngắn hạn đáng chú ý bao gồm: 344 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư địa ốc Alaska (Hợp đồng hợp tác kinh doanh, lợi tức cố định 10%/năm); 184.2 tỷ đồng vào công ty TNHH Newland Holdings (Hợp đồng hợp tác kinh doanh, lợi tức cố định 11%/năm); 180 tỷ đồng vào Công ty TNHH Đào tạo Golf VPGA (Hợp đồng hợp tác kinh doanh, lợi tức cố định 6%/năm).
Ngoài ra, FLC còn có 2 khoản đầu tư ngắn hạn với các cá nhân là Ông Nguyễn Văn Mạnh (69.7 tỷ đồng) và Ông Trịnh Văn Đại (91.9 tỷ đồng). Đây cũng là 2 nhà đầu tư mua cổ phiếu của CTCP Đầu tư Tài chính và Quản lý tài sản RTS trong kỳ.
Các khoản đầu tư dài hạn đáng chú ý bao gồm: 302 tỷ đồng (2.97 triệu cp) vào CTCP Đầu tư địa ốc Alaska và đầu tư dài hạn khác vào công ty này là 100 tỷ đồng; 89.9 tỷ đồng (7.9 triệu cổ phiếu) vào CTCP FLC Golf & Resort và đầu tư dài hạn khác vào công ty này là 471.8 tỷ đồng; 100 tỷ đồng đầu tư dài hạn khác vào CTCP Đầu tư Tài chính và Quản lý tài sản RTS.
Những vấn đề liên quan đến CTCP Đầu tư Tài chính và Quản lý tài sản RTS không chỉ xoay quanh hoạt động đầu tư tài chính mà còn liên quan đến việc huy động vốn. Để tài trợ cho việc gia tăng tài sản ở các khoản mục phải thu ngắn hạn, đầu tư tài chính ngắn và dài hạn, FLC đã phải phát hành thêm cổ phiếu, bên cạnh đó là 800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi với lãi suất 6% với kỳ hạn 3 năm, bao gồm 500 tỷ đồng phát hành cho CTCP Đầu tư Tài chính và Quản lý tài sản RTS và 300 tỷ đồng cho Công ty TNHH R.O.R Việt Nam.
Duy Nam
|