Đầu tư chứng khoán và những thống kê thú vị
Thị trường chứng khoán Mỹ đang chứng kiến một trong những đợt bứt phá mạnh nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, đà tăng ngoạn mục những năm gần đây chủ yếu làm giàu cho các nhà đầu tư cá nhân da trắng có trình độ đại học, những người vốn đã khá sung túc.
* Chuyện nuôi mèo và nắm giữ cổ phiếu của người Mỹ
* 5 vụ IPO lớn nhất mọi thời đại trên TTCK Mỹ
Theo số liệu mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chỉ có 49% người dân Mỹ đổ tiền vào cổ phiếu. Số liệu này bao gồm những người đã đầu tư vào các quỹ hưu trí cũng như những người đã dành thời gian để mua các cổ phiếu cụ thể như Apple, Ford và Facebook.
“Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc có quá nhiều lời bàn tán xung quanh tình trạng bất bình đẳng về thu nhập là có một nhóm người đã tham gia vào TTCK trong khoảng thời gian thị trường đạt được đà tăng trưởng cao gần gấp 3 lần trong khi một nhóm khác thì không làm như vậy”, nhận định của ông Mark Grinblatt, giáo sư tài chính tại UCLA Anderson School of Management.
Thậm chí trong số gần 50% người Mỹ đổ tiền vào chứng khoán cũng có sự khác biệt. Trong top 10% hộ gia đình thượng lưu ở Mỹ, mỗi hộ đều rót xấp xỉ 282,000 USD vào thị trường nếu xét theo giá trị danh mục bình quân đang nắm giữ.
Trong khi đó, giá trị danh mục bình quân của các hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ở Mỹ chỉ đạt 14,000 USD/hộ.
Giá trị bình quân các khoản đầu tư vào TTCK xét theo tầng lớp
Nguồn: CNN Money
|
Thực tế là nhà đầu tư càng đổ nhiều tiền vào TTCK thì càng có khả năng thu lãi cao (hoặc thua lỗ nặng).
Nếu đầu tư 1 USD vào S&P 500 tại thời điểm tháng 3/2009 thì đến nay bạn sẽ nhận được 3 USD, tương ứng mức sinh lời hậu hĩnh 200%. Như vậy, rõ ràng là nếu bạn đầu tư 1 triệu USD vào thị trường trong cùng kỳ thì giờ bạn sẽ có trong tay 3 triệu USD.
Đặc biệt, TTCK đã làm hài lòng những người da trắng và những người đã tốt nghiệp đại học.
Giá trị bình quân các khoản đầu tư vào TTCK xét theo màu da
Nguồn: CNN Money
|
Số liệu của Fed cho thấy các hộ gia đình da trắng đầu tư vào TTCK nhiều gấp khoảng 3 lần so với các hộ gia đình có màu da khác. Được biết xu hướng này đã bắt đầu từ thập niên 1990, thời điểm thị trường bay cao trong suốt cơn sốt dotcom, và kéo dài cho tới nay.
Giáo dục cũng đóng một vai trò quan trọng. Chỉ 35% hộ gia đình có người tốt nghiệp trung học rót tiền vào TTCK. Trong khi đó, số hộ gia đình có người tốt nghiệp đại học đầu tư vào TTCK lên tới 72%.
Theo nghiên cứu của Giáo sư Grinblatt cho biết, những người có IQ càng cao thì càng có khả năng đổ tiền vào TTCK.
“Thậm chí đối với hai anh/chị em ruột trong một gia đình, người nào có IQ cao hơn thì có khả năng tham gia vào TTCK lớn hơn”, ông Grinblatt nhận định trên CNN Money.
Tỷ lệ người rót tiền vào TTCK xét theo bằng cấp
Nguồn: CNN Money
|
Trong khi đó, có thể dự đoán được sự chênh lệch này. Những người giàu thường có tiền tiết kiệm (có thể dùng để đầu tư) nhiều hơn so với những người đang vật lộn để thanh toán các hóa đơn. Nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở đó.
Thậm chí trong số những người Mỹ đang có công ăn việc làm và có khả năng gửi tiết kiệm, không phải lúc nào họ cũng chọn phương án dùng tiền để đầu tư.
Trong nghiên cứu mới nhất của mình, Viện Nghiên cứu Quyền lợi Nhân viên (EBRI) cho biết chỉ có 64% công nhân tiết kiệm tiền cho việc nghỉ hưu hoặc có chồng hay vợ cũng làm như vậy.
Ông Dan Greenshields, Chủ tịch Capital One ShareBuilder cho biết: “Một người Mỹ có dễ dàng mua một chiếc điện thoại thông minh hơn mua một quỹ hưu trí”.
Năm 2007, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu đã đạt đến đỉnh điểm với chỉ trên 53% hộ gia đình Mỹ sở hữu các khoản đầu tư vào cổ phiếu. Cuộc khủng hoảng tài chính và khủng hoảng nhà ở không những đã ảnh hưởng đến hầu bao của người dân mà còn làm lung lay niềm tin của họ vào hệ thống tài chính.
Đã xuất hiện các lời kêu gọi về việc trang bị thêm kiến thức tài chính để xóa bỏ khoảng cách đầu tư trên TTCK.
Giáo sư Tài chính Annamaria Lusardi thuộc Đại học George Washington cho biết: “Nếu chúng ta giao cho các cá nhân chịu trách nhiệm về khoản tiết kiệm hưu trí của mình, chúng ta phải chắc chắn rằng trước tiên họ đã tiết kiệm đủ và họ biết đầu tư như thế nào.
Phước Phạm (Theo CNN Money)
|