Thứ Hai, 08/09/2014 16:44

Đại diện IMF tại Việt Nam: VAMC là bước đi đúng hướng

Theo ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam, việc đưa VAMC vào hoạt động là một bước đi đúng hướng. VAMC cũng đã mua nợ xấu từ các NH, nhưng tốc độ cần được đẩy mạnh thêm.

Ông Sanjay Kalra.

Trao đổi với phóng viên TBNH, ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam nhận định, tăng trưởng kinh tế đang dần cải thiện, được hỗ trợ bởi xuất khẩu và đầu tư FDI tăng mạnh trong khi các hoạt động trong nước vẫn còn khá yếu. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP vẫn dưới mức tiềm năng và nền kinh tế cũng phải chịu những tác động lan tỏa từ những cú sốc tiêu cực bên ngoài. Trong khi đó, các rủi ro trong nước vẫn còn, bao gồm cả những khó khăn của ngành NH và sự kém hiệu quả của một số DNNN, gây trở ngại cho các hoạt động kinh tế. Nợ công và nợ do Chính phủ bảo lãnh đã tăng đến mức cần chú ý.

IMF có nhiều đánh giá về đóng góp tích cực của chính sách tiền tệ (CSTT) đến ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian qua. Đến nay, IMF còn giữ quan điểm này không và trong bối cảnh lạm phát hiện tại, nếu CSTT theo hướng nới lỏng liệu có phù hợp?

Chúng ta thấy trong gần 2 năm trở lại đây, lạm phát chung đã trở về mức một con số. Lạm phát cơ bản cũng đã giảm và áp lực tăng lương cũng không lớn... Với những diễn biến đó, ngành NH đã hạ lãi suất và thanh khoản trong hệ thống NH đang khá dồi dào. Do đó, lãi suất qua đêm liên NH ở mức thấp và lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng đã giảm. Tuy nhiên, các điều kiện về tiền tệ dễ dàng hơn nhưng lại không giúp tín dụng tăng lên. Tôi cho rằng, với những diễn biến và triển vọng hiện nay thì CSTT nới lỏng hiện tại là phù hợp. Trong thời gian tới, tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng như vậy có thể vẫn còn phù hợp, nếu các áp lực lạm phát chưa xuất hiện.

Đánh giá của ông về tiến độ xử lý nợ xấu (XLNX) hiện nay?

Như chúng ta thấy, năm ngoái Chính phủ đã tiến hành một số bước nhằm thúc đẩy cải cách khu vực NH, trong đó có việc đưa Công ty VAMC vào vận hành và những nỗ lực tái cơ cấu tại một số NHTM.

Việc đưa VAMC vào hoạt động là một bước đi đúng hướng. VAMC cũng đã mua nợ xấu từ các NH, nhưng tốc độ cần được đẩy mạnh thêm. Hơn nữa, quá trình giải quyết các khoản nợ xấu đang ở những bước đầu tiên. Để thúc đẩy nhanh tiến trình này, VAMC cần nhiều quyền hành hơn trong việc định đoạt tài sản thế chấp (TSTC) và các vướng mắc pháp lý liên quan đến xử lý TSTC trên thị trường mua bán nợ cần được khơi thông.

VAMC cũng cần phải tăng cường năng lực cán bộ và kỹ năng để XLNX trên thị trường mua bán nợ. Thị trường này cũng cần có đủ người mua, kẻ bán và có thể cần thêm sự tham gia và kinh nghiệm chuyên môn từ bên ngoài. Trong khi vẫn còn đó các rào cản pháp lý quan trọng trong chuyển giao các khoản cho vay và TSTC. Điều này khiến việc XLNX còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, ngay cả khi thanh khoản đã được cải thiện thì một số vấn đề mấu chốt vẫn còn đó. Chất lượng tài sản đang chịu áp lực do các hoạt động trong nước yếu, sự giảm mạnh của giá bất động sản trong những năm gần đây và lợi nhuận thấp. Việc thực hiện phân loại nợ chặt chẽ hơn đã được hoãn đến năm 2015, để các NH có thêm thời gian trích lập dự phòng đối với các khoản nợ xấu bán cho VAMC.

Để thành công, cần có những cải cách giải quyết những vấn đề này và các phát sinh khác một cách toàn diện.

Vốn tín dụng tập trung hỗ trợ đầu tư cho các công trình kinh tế hạ tầng kỹ thuật để tạo sức lan tỏa cho xã hội.

Theo ông, cải cách DNNN thời gian gần đây tiến triển thế nào và cần phải làm gì để thúc đẩy lộ trình này sớm đạt mục tiêu đặt ra?

Cải cách DNNN đang tiến triển chậm, kể cả việc thông qua kế hoạch tái cơ cấu, sửa đổi khung pháp lý, việc thoái vốn khỏi lĩnh vực không cốt lõi và vấn đề cổ phần hóa. Để cải thiện khuôn khổ pháp lý, Chính phủ đã ban hành quy định để tăng cường báo cáo tài chính và tính minh bạch của các DNNN; cải thiện công tác kiểm soát nội bộ thông qua việc làm rõ trách nhiệm của các cơ quan và tăng cường quản trị DN. Để tạo điều kiện cho cổ phần hóa, các DNNN giờ đây có thể bán tài sản dưới giá trị sổ sách khi được Chính phủ chấp thuận và chúng ta thấy có một số DN đã tiến hành IPO thời gian qua.

Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn là một thách thức, một phần có thể do hạn chế về năng lực. Việc giám sát các DNNN của các cơ quan Chính phủ vẫn còn rời rạc, trong khi tập trung vào cổ phần hóa từng phần có nguy cơ sẽ làm chuyển hướng chú ý khỏi những cải cách hoạt động để nâng cao hiệu quả.

Thời gian tới, tôi cho rằng công bố thông tin tình hình tài chính của DNNN cần được tiến hành thường xuyên, kịp thời và dựa trên thông lệ kế toán quốc tế. Vấn đề tăng cường thoái vốn ngoài ngành kinh doanh chính cũng cần thúc đẩy vì sẽ giúp nâng cao hiệu quả cho các DNNN, đồng thời tạo ra sân chơi bình đẳng hơn cho khu vực tư nhân, đặc biệt nếu quá trình này đi kèm với áp dụng kinh nghiệm quản lý từ bên ngoài. Cùng với đó, năng lực ở các bộ khác nhau cũng cần được nâng cao hơn và cần ước tính chi phí tái cơ cấu để lượng hóa tác động tới ngân sách.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Lê

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Tiết kiệm 1.4 triệu đồng/năm phí giao dịch với gói sản phẩm Freedom của VIB (08/09/2014)

>   Hỗ trợ phát triển thủy sản: “Cò” vay vốn đã chạy trước! (08/09/2014)

>   Ngân hàng Việt với giấc mơ Đông Nam Á (08/09/2014)

>   Đủ chiêu ‘đẩy’ tiền, ngân hàng vẫn ế (08/09/2014)

>   CDO, tại sao không? (08/09/2014)

>   Ngân hàng đổi ngàn tỷ lấy đống giấy tờ giả (08/09/2014)

>   Nhìn lại quản trị nguồn nhân lực tại một ngân hàng (07/09/2014)

>   Xử lý nợ xấu: Gỡ khó từ thực tế (07/09/2014)

>   VietCapitalBank: Lãi hơn trăm tỷ nửa đầu năm 2014, nợ xấu 3.81% (06/09/2014)

>   Giao thông, ngân hàng đầu bảng về cải cách hành chính (06/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật