Cuộc chiến giành doanh nghiệp tại Trung Quốc
Khi đầu tư nước ngoài sụt giảm, các tỉnh ở sâu trong nội địa Trung Quốc đang lao vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt để thu hút các ngành công nghiệp trong nước, cung cấp hỗ trợ tài chính đáng kể cho các doanh nghiệp.
Những đề nghị bất thường
Công ty sản xuất đồng hồ Renley (Renley Watch Manufacturing Company) là một trong những công ty đã giúp vùng đất ven biển Đông Nam Trung Quốc thay thế Thụy Sĩ trở thành trung tâm của ngành công nghiệp đồng hồ của thế giới. Nhưng bây giờ Renley cũng giống như nhiều nhà chế tạo đồng hồ khác đang cân nhắc có nên di chuyển cơ sở sản xuất của mình vào sâu trong nội địa Trung Quốc hay không.
Giá nhân công tại các thành phố ở Trung Quốc cao gấp 2 lần so với các nước Đông Nam Á.
|
Chỉ mới tuần trước, các quan chức Trùng Khánh, một thành phố rực rỡ sắc màu ở miền Tây Trung Quốc đã gặp gỡ với một nhóm các giám đốc điều hành ngành công nghiệp đồng hồ và đưa ra một gói đề nghị hấp dẫn để họ chuyển nhà máy đến đây, ông Stanley Lau - Giám đốc điều hành của Renley cho biết. Các ưu đãi bao gồm: giảm giá đất, ít bị các thanh tra môi trường viếng thăm và giá nhân công thấp hơn.
Khi một số các giám đốc điều hành bày tỏ lo ngại về chi phí di chuyển nhà máy, lập tức đã có câu trả lời, “Chính quyền tại Trùng Khánh nói rằng, đừng ngại, nếu bạn đồng ý chuyển nhà máy đến Trùng Khánh, chúng tôi sẽ trả chi phí chuyển nhà máy”. Ông Lau nói thêm rằng, ít nhất 10 nhà máy sản xuất đồng hồ đã chuẩn bị chuyển nhà máy.
Những cuộc họp như vậy ngày càng phổ biến khi nền kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại.
Khi đầu tư nước ngoài sụt giảm, các tỉnh ở sâu trong nội địa Trung Quốc đang ở vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt để thu hút các ngành công nghiệp trong nước, cung cấp hỗ trợ tài chính đáng kể cho các doanh nghiệp và thậm chí cắt giảm bớt một số quy định quan trọng như môi trường. Các công ty trước áp lực phải cắt giảm chi phí cũng đáp lại đề nghị trên một cách nghiêm túc.
Cuộc chiến tranh giành các doanh nghiệp tại các tiểu bang ở Mỹ giờ đây đã lan sang Trung Quốc. Điều này khiến chính quyền các tỉnh ven biển tại Trung Quốc bức xúc. Họ cho rằng các doanh nghiệp nên ở lại địa phương vì ở đây có các cảng biển và đường cao tốc có chất lượng.
“Đó thực sự là một vấn đề. Tôi cho rằng, chính quyền địa phương không nên trả chi phí di dời nhà máy cho các doanh nghiệp”, Lý Xuân Hồng (Li Chunhong), nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu tại tỉnh Quảng Đông cho biết, “Điều này vi phạm tính minh bạch của thị trường”.
Ông Lý dự đoán rằng, Quảng Đông vẫn kiên quyết giữ mức lương cho người lao động cao, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết bị điện tử, thiết kế phần mềm và các ngành công nghiệp.
Tạm dừng cuộc phỏng vấn khi có điện thoại, ông Lý lôi chiếc điện thoại Samsung màn hình lớn ra khỏi túi, ông Lý nói rằng, có đến 90% linh kiện điện thoại được sản xuất trong khu vực 60 dặm gần Hồng Kông gồm các thành phố như Thâm Quyến, Đông Hoản và Chu Hải.
“Nếu một nhà máy cần linh kiện, họ chỉ cần gọi điện và chỉ trong vòng 1 giờ, linh kiện được gửi đến nhà máy của họ”, ông nói.
Tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc dẫn đầu trong công cuộc theo đuổi mô hình kinh tế thị trường vào cuối những năm 1970 và tiếp tục cạnh tranh với Thượng Hải như là trung tâm xuất khẩu chính của Trung Quốc. Hàng chục triệu người lao động từ khắp Trung Quốc đổ xô đến làm tại các nhà máy ở Quảng Đông. Gần đây, Quảng Đông dẫn đầu Trung Quốc trong việc cố gắng giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường bằng cách buộc nhiều nhà máy lắp đặt thiết bị mới, di chuyển đến các khu vực xa xôi hẻo lánh xa khu dân cư hoặc thậm chí đóng cửa hoàn toàn.
Cuộc cạnh tranh giữa các thành phố
Với mưu cầu kiếm việc, nhiều người lao động ngừng tìm kiếm việc làm ở các tỉnh ven biển và tìm việc tại những nơi gần nhà hơn. Việc người lao động rời bỏ nhà máy, đặc biệt tại Quảng Đông, đang làm xáo trộn nhân công trong dây chuyền lắp ráp.
Các tuyến đường sắt mới từ phía Tây Trung Quốc sang châu Âu, cũng như sân bay mới được xây dựng tại các tỉnh nội địa Trung Quốc, cũng đang khiến các địa phương này có thể vận chuyển hàng hóa trực tiếp từ các nhà máy nội địa đến thị trường nước ngoài mà không dựa vào các cảng lớn của Quảng Đông, Thượng Hải hay khu vực ven biển khác.
“Ngày càng có nhiều nhà sản xuất đang xem xét việc chuyển hoạt động sản xuất của họ từ Quảng Đông vào nội địa ở Trung Quốc, hoặc thậm chí tới các nước khác”, ông Lau - người cũng là Chủ tịch của Liên đoàn công nghiệp Hồng Kông, một liên minh rộng rãi gồm các nhóm thương mại với các nhà máy trải khắp miền Đông Nam Trung Quốc nói.
Ngồi trong phòng họp của công ty, ông Lau đang cân nhắc về những ưu và nhược điểm của việc di chuyển nhà máy của mình tại Đông Hoản (Quảng Đông) đến Trùng Khánh cách đó 630 dặm về phía Tây Bắc. Với dân số đô thị là 17,3 triệu người, Trùng Khánh đang xây dựng một “Thành phố châu báu” và cố gắng thuyết phục các nhà sản xuất di dời nhà máy đến đó.
Với sự hấp dẫn bắt đầu từ mức lương trả cho người lao động thấp hơn, Trùng Khánh đã bảo đảm với các nhà máy sản xuất đồng hồ rằng họ có nguồn cung cấp lao động dồi dào và ông Lau ước tính rằng họ sẽ chỉ phải trả từ 375 USD đến 405 USD một tháng cho mỗi người lao động (không bao gồm chi phí chính phủ bắt buộc người sử dụng lao động phải trả cho người lao động như bảo hiểm y tế cơ bản và trợ cấp nhà ở…). Rõ ràng đây là một lợi thế khi so sánh với mức lương 490 USD phải trả cho 1 người lao động mỗi tháng ở Đông Hoản, đặc biệt là sự thiếu hụt nguồn lao động tại tỉnh Quảng Đông.
Quỹ đất tại Trùng Khánh cũng rất dồi dào. Đất dành cho các nhà máy gần đường lớn và khu thương mại. Trong khi những khu đất mới dành cho nhà máy ở Đông Hoản có xu hướng ở những nơi xa xôi hẻo lánh, phải mất vài giờ đồng hồ lái xe để vào khu vực trung tâm.
Quy định về môi trường là một trong những vấn đề khó khăn nhất. Ông Lau cho rằng, Trùng Khánh yêu cầu các nhà máy mới lắp đặt thiết bị kiểm soát ô nhiễm hiện đại và phải làm một số thủ tục, nhưng sau đó ít bị các nhà thanh tra môi trường theo dõi, kiểm tra.
Renley Watch vẫn chưa quyết định có nên chuyển nhà máy hay không. Trùng Khánh đã cam kết năm nay chi 2 triệu Nhân dân tệ tương đương 325.000 USD để chi phí cho 20 nhà máy đầu tiên chuyển từ Quảng Đông đến Trùng Khánh.
Tại các quốc gia khác, các nhà sản xuất có thể không có nhiều lựa chọn như ở Trung Quốc. Người lao động ở Việt Nam và Indonesia được trả lương chỉ bằng 1/2 so với Trung Quốc. Nhưng mối quan tâm đầu tư ở Đông Nam Á đã tạm thời lắng xuống sau một vài sự kiện liên quan đến môi trường bảo hộ nhà đầu tư gần đây.
“Đó là một trong những vấn đề chúng ta không bao giờ dự đoán trước được”, ông Lau nói, “Không có nơi nào trên thế giới này là an toàn, bất cứ nơi nào, bạn phải chấp nhận rủi ro”.
Vẫn còn một yếu tố khác có thể tạo động lực cho các nhà sản xuất như ông Lau ở lại Quảng Đông. “Nếu chúng tôi di chuyển nhà máy đến Trùng Khánh, các phụ tá và nhân viên kỹ thuật có đi cùng tôi không?”, ông Lau nói, “Tôi cũng phải hỏi ý kiến họ trước đã”.
Tuấn Kiệt
thời báo ngân hàng
|