“Chảy máu” tài nguyên: Mất nhiều hơn được
Vàng, titan, đá granite, than đá… đang được cấp phép khai thác tràn lan nhưng không kiểm soát hết khiến ngân sách thất thu, tài nguyên bị thất thoát, môi trường thì tan hoang…
* Yêu cầu công ty đào 6,9 tấn vàng đóng thuế đúng qui định
* Bộ Tài chính yêu cầu giãn nợ thuế cho Công ty vàng Besra
Ngoài 6,9 tấn vàng bị bán ra nước ngoài, nợ thuế hàng trăm tỉ đồng, hoạt động của 2 công ty vàng Phước Sơn, Bồng Miêu ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên rừng, ô nhiễm môi trường
Nếu như trước khi đi vào hoạt động, người dân và chính quyền tỉnh Quảng Nam kỳ vọng vào 2 công ty vàng của Tập đoàn Besra (Canada) bao nhiêu thì nay họ càng thất vọng bấy nhiêu.
Rừng, môi trường suy kiệt
Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi tìm đến khu vực Nhà máy Vàng Phước Sơn ở xã Phước Đức. Cửa nhà máy để mở nhưng được bảo vệ canh giữ không cho người ngoài tiếp cận. Theo quan sát, Nhà máy Vàng Phước Sơn được xây dựng trên một ngọn đồi, xung quanh là rừng già bao bọc. Theo người dân, khu vực này trước đây có rừng cây gỗ già, để xây dựng nhà máy, nhiều diện tích rừng đã bị đốn hạ.
Con đường vào Nhà máy Vàng Phước Sơn do Tập đoàn Besra xây dựng nay đã xuống cấp trầm trọng
|
Cách nhà máy vàng chưa đầy 2 km là thôn 4 (xã Phước Đức) nghèo xơ xác, tìm mỏi mắt mới thấy một vài ngôi nhà kiên cố. “Nhà máy nằm ngay thôn nhưng người dân chẳng được lợi ích gì, toàn thôn chỉ có 27 công nhân làm việc cho nhà máy. Không thể phủ nhận đời sống những công nhân này khá hơn so với mặt bằng chung của thôn nhưng chẳng thấm vào đâu. Toàn thôn có 114 hộ thì có đến 86 thuộc hộ nghèo” - ông Nguyễn Văn Dũng, trưởng thôn 4, cho biết.
Từ khi Nhà máy Vàng Phước Sơn đi vào hoạt động, nếu không tính con đường khoảng 7 km nối từ đường Hồ Chí Minh vào nhà máy để phục vụ việc khai thác, Công ty Vàng Phước Sơn chỉ làm 1 công trình nước sạch dùng được 1 tháng thì hỏng, hỗ trợ xây cho 1 người dân trong thôn ngôi nhà trị giá 20 triệu đồng là có giá trị, còn lại chỉ hỗ trợ cho học sinh vài cuốn vở, cặp sách. Đổi lại, người dân thôn 4 không ít lần phải chặn xe của nhà máy vì xả chất độc hại cyanua ra môi trường.
Riêng con đường công ty làm đã xuống cấp trầm trọng, mưa xuống tạo thành những vũng nước rất nguy hiểm. Ông Dũng nói rằng: “So với những gì công ty lấy đi thì những thứ đem lại cho dân là rất nhỏ!”.
Theo chính quyền xã Phước Đức, những cánh rừng nơi đây thường xuyên bị tàn phá. Mới năm ngoái, Công ty Vàng Phước Sơn thuê người phát thực bì gần 2 ha rừng định chặt hạ cây gỗ, người dân phát hiện và báo lên huyện lập biên bản xử phạt.
Hiện người dân thôn 4 hết sức lo ngại khi nghe tin Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho mỏ vàng Phước Sơn đến 4.200 ha đất rừng bao gồm cả Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh để thăm dò, khai thác nên chắc chắn rừng còn bị tàn phá.
Bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam), cho biết 2 công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) mặc dù có hệ thống quan trắc môi trường nhưng trong quá trình hoạt động đã nhiều lần gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc. Riêng Công ty Vàng Phước Sơn nhiều lần bị sở và huyện xử phạt vi phạm môi trường hàng trăm triệu đồng.
Vàng xuất khẩu, thuế không chịu đóng
Tập đoàn Besra sở hữu 2 công ty khai thác vàng nhưng lại có mức nộp thuế khác nhau. Một câu hỏi đặt ra là có hay không việc mỏ vàng này chuyển vàng sang mỏ kia để trốn thuế?
Mỏ vàng Phước Sơn đang chịu mức thuế tài nguyên là 15%/giá trị sản phẩm khai thác và thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) bằng 40% lợi nhuận thu được. Còn mỏ vàng Bồng Miêu do giấy phép được ký vào thời điểm cách đây 16 năm nên được ưu đãi, thuế tài nguyên chỉ ở mức 3% và thuế thu nhập DN là 18%.
Theo tài liệu Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cung cấp, tháng 11-2013, mỏ vàng Phước Sơn đã chuyển vàng cho mỏ vàng Bồng Miêu. Sự việc chỉ được phát hiện khi Nhà máy Vàng Bồng Miêu đang dừng khai thác để sửa chữa nhưng liên tục xuất hóa đơn bán hàng cho các cửa hàng, DN vàng trong nước với doanh thu lên đến hơn 188 tỉ đồng.
Sau khi Cục Thuế tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty Vàng Bồng Miêu chứng minh nguồn gốc thì phát hiện số vàng trên được Công ty Vàng Phước Sơn chuyển cho Bồng Miêu bằng một “hợp đồng cho vay” nhưng không nêu cụ thể số lượng. Điều đáng nói, hoạt động cho vay vàng này không được Công ty Vàng Phước Sơn xuất hóa đơn cho cơ quan thuế như quy định.
Không những thế, theo ông Ngô Bốn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, việc thu thuế đối với 2 DN trên rất khó khăn. Điển hình, tháng 3-2014, sau khi cưỡng chế thuế qua tài khoản ngân hàng, cơ quan thuế chỉ thu được hơn 100 triệu đồng vì tiền đã bị rút hết.
Tháng 4-2014, khi áp dụng biện pháp vô hiệu hóa hóa đơn đồng nghĩa DN không được xuất hóa đơn để bán vàng, thế nhưng vàng vẫn được xuất bán qua cửa hải quan sân bay Đà nẵng hơn 61 tỉ đồng. Mặc dù cưỡng chế từ tháng 4 nhưng đến ngày 15-7, cơ quan thuế mới “bịt” được việc xuất bán vàng này.
Ông Lương Đình Đường, Cục phó Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, còn cho biết hiện chưa có cơ quan nào thống kê số nợ của Tập đoàn Besra nhưng số tiền nợ không hề nhỏ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài 297,4 tỉ đồng nợ thuế, tập đoàn này còn nợ hơn 8,3 tỉ đồng tiền BHXH, 1 tỉ đồng tiền phí Công đoàn, nợ Công ty Quảng An khoảng 18 tỉ đồng, nợ Công ty Tân Nhật Minh 7,2 tỉ đồng, nợ Công ty Xăng dầu Trường Xuân hơn 6,6 tỉ đồng… “Hiện có đến 9 doanh nghiệp gửi đơn cầu cứu đến Cục Thuế tỉnh Quảng Nam yêu cầu can thiệp đòi nợ” - ông Đường cho biết.
Kỳ tới: Khai thác lậu, trốn đóng phí
Huyện cũng ngán ngẩm
Ông Hoàng Hoa, Chánh Văn phòng UBND huyện Phước Sơn, cho biết ngoài khoản tiền Công ty Vàng Phước Sơn nộp thuế được tỉnh phân bổ, huyện Phước Sơn chẳng được lợi ích gì lớn lao. DN này có hứa làm các công trình dân sinh nhưng không làm. Năm 2014, do công ty không chịu nộp thuế buộc huyện phải điều chỉnh kế hoạch thu chi ngân sách đột xuất vì hụt thu.
Tình hình trên cũng diễn ra tại huyện Phú Ninh, nơi có Nhà máy Vàng Bồng Miêu hoạt động. Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, cho biết do nhà nước cấp hơn 350 ha đất cho công ty vàng, nhiều người dân ở xã thiếu đất sản xuất phải đi khai thác vàng trái phép.
|
Từ kỳ vọng đến thất vọng
Năm 1997, Tập đoàn Besra Việt Nam được cấp phép khai thác mỏ vàng Bồng Miêu, đến năm 1999, tiếp tục được khai thác mỏ vàng Phước Sơn. Thời điểm đó, chính quyền và người dân tỉnh Quảng Nam kỳ vọng rất lớn vào sự đầu tư quy mô, công nghệ khai thác mỏ hiện đại của Besra sẽ góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế, giải quyết việc làm ổn định cho người lao động.
Sự kỳ vọng được nhân lên khi năm 2005, kết quả thăm dò cho thấy trữ lượng vàng ở mỏ Bồng Miêu khoảng 12.388 kg. Tại huyện Phước Sơn, mỏ vàng Phước Thành trữ lượng đạt 11.602 kg, mỏ Đăk Sa (xã Phước Đức) có trữ lượng 7.210 kg. Thực tế, con số 6,9 tấn vàng mà Tập đoàn Besra khai thác được khiến ai nghe cũng choáng ngợp. Theo tính toán của giới kinh doanh, tính giá vàng thời điểm thấp nhất là 30 triệu đồng/lượng thì 6,9 tấn vàng có giá trị trên 5.000 tỉ đồng.
Tuy thế, 2 công ty vàng chỉ thực hiện đóng các khoản thuế tương đối đầy đủ đến cuối năm 2011, từ năm 2012 bắt đầu nợ thuế. Cục Thuế tỉnh Quảng Nam liên tục hối thúc, thậm chí dùng biện pháp cưỡng chế nhưng 2 công ty vàng vẫn chây ì.
Trước khi bị cưỡng chế, tháng 12-2013, Công ty Vàng Phước Sơn cũng đã gây ra vụ lùm xùm vì không chịu trả nợ cho người dân, DN, bị các chủ nợ kéo đến nhà máy đập phá đòi nợ. Nhiều người đã khởi kiện ra tòa, thậm chí đến cuộc họp báo để đòi nợ nhưng chỉ nhận được những lời “xúc phạm” từ chính ông chủ tập đoàn này.
|
Quang Vinh
nlđ
|