"Chất lượng điều hành sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn ưu đãi thuế"
Đây là đánh giá của TS. Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi trao đổi với phóng viên Báo Hải quan.
Hoạt động sản xuất tại Công ty may Phú Hoà An- Thừa Thiên Huế.
|
Theo kết quả nghiên cứu nhiều năm của VCCI, các nhà đầu tư lớn, có chất lượng giá trị gia tăng cao đến từ châu Âu, Mỹ vào Việt Nam đều kỳ vọng vào chất lượng điều hành của chính quyền địa phương hơn là các chính sách ưu đãi thuế.
"Thực tế nếu môi trường kinh doanh không thuận lợi, thủ tục hành chính bị ách tắc sẽ tạo ra chi phí nhiều hơn cho DN so với những ưu đãi thuế mà họ nhận được"- TS. Đậu Anh Tuấn nói.
Cũng theo TS. Đậu Anh Tuấn, cải thiện thủ tục hành chính, chất lượng điều hành không chỉ thu hút đầu tư mà góp phần sàng lọc các DN. Vì môi trường kinh doanh minh bạch hay không minh bạch tại các địa phương sẽ định hình cộng đồng DN. Với DN thích sự công khai, minh bạch sẽ tìm đến đầu tư ở các địa phương có môi trường kinh doanh rõ ràng; tương tự với DN thích môi trường quan hệ chi phí, thích sự nhập nhoạng tranh tối tranh sáng lại phải tìm đến những địa phương có môi trường đầu tư coi trọng sự thân quen... Về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển bền vững cấp quốc gia.
Còn nhớ cách đây 10 năm đã có trên 30 địa phương xé rào thực hiện ưu đãi thuế để thu hút đầu tư và đã bị Thủ tướng Chính phủ "tuýt còi". Hiện nay tình trạng xé rào về chính sách hiếm xảy ra. "Còn theo kết quả điều tra của VCCI, nếu các địa phương chọn phương án ưu đãi thuế nhằm thu hút đầu tư sẽ không phải là giải pháp tối ưu vì xét khía cạnh kinh tế học thì đây là hình thức cạnh tranh xuống đáy. Vì thực tế, các nhà đầu tư khi quyết định chọn Việt Nam họ thường rất "khôn" không cố định đầu tư khoanh vùng trong một tỉnh, mà dạo quanh nhiều tỉnh, thành phố"- TS. Đậu Anh Tuấn cho hay.
Theo TS. Đậu Anh Tuấn, 10 năm qua, VCCI thực hiện công bố Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đánh giá hiệu quả điều hành kinh tế và giúp thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. PCI cấu thành từ 10 chỉ số nhằm đánh giá môi trường kinh doanh cho khối tư nhân như: Chi phí gia nhập thị trường cho DN mới, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước, chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ DN, đào tạo lao động, và các thiết chế pháp lý. Tính đến nay, có hơn 40 tỉnh đã ban hành Kế hoạch Chiến lược/Hành động để cải thiện môi trường kinh doanh dựa trên các kết quả khảo sát PCI.
|
Thu Hằng
báo hải quan
|