Thứ Năm, 04/09/2014 11:28

Cần giải pháp đồng bộ để khơi thông tín dụng

Vốn huy động vẫn tiếp tục tăng dù lãi suất giảm, trong khi đầu ra tín dụng vẫn không tăng để bơm vốn vào nền kinh tế. Vòng xoáy doanh nghiệp cần vốn, NH thừa tiền lại diễn ra rất nghịch lý. Dòng vốn dư thừa được các NHTM mua trái phiếu chính phủ và lợi nhuận đem về chỉ để NH cầm cự chờ thời. Xem ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% năm 2014 là bài toán khó.

* Cần tăng trưởng tín dụng thực chất hay… biểu diễn?

* Những “điểm nghẽn” tín dụng từ... bên trong

* Tăng trưởng tín dụng phụ thuộc nhu cầu của doanh nghiệp

 

Kể từ số báo này, ĐTTC mở chuyên mục, ghi nhận những ý kiến hiến kế, đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp, NHTM... về việc khơi thông dòng vốn tín dụng đối với nền kinh tế. 

Tổng đầu tư xã hội năm 2014 tăng trưởng khá so với năm 2013, đặc biệt trong 8 tháng qua. Tuy nhiên, kinh tế vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn trì trệ nên việc hấp thụ vốn chưa nhanh. Nguyên nhân sâu xa vẫn do sự tắc nghẽn của thị trường. Vì thế, khi thị trường chưa khởi sắc, khả năng hấp thụ vốn còn hạn chế.

Hiện nay, chúng ta thường hay bàn luận việc tắc nghẽn dòng vốn, tín dụng tăng chậm. Thực tế, để tín dụng tăng nhanh phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của thị trường. Theo đó, thị trường đầu tư chưa khởi sắc sẽ chưa có động lực để tăng tín dụng. Cho đến thời điểm này, số doanh nghiệp tốt về phương diện tài chính chỉ tương đối nên chưa đầu tư mới, hơn nữa điều kiện lãi suất trung và dài hạn vẫn cao trên 10%/năm.

Lãi suất cho vay tuy giảm nhưng chỉ ở ngắn hạn nên không kích thích được nhóm doanh nghiệp này. Còn nhóm doanh nghiệp đang vướng nợ, khó khăn về thị trường lại không hấp dẫn các NHTM. Hiện nay, các NHTM đang trong tâm trạng muốn tăng tín dụng nhưng không để nợ xấu tăng.

Bởi thực tế trong bối cảnh tăng nợ xấu diễn ra do nợ đáo hạn không trả được và tình trạng nợ dây chuyền, những doanh nghiệp hôm qua đang tốt, hôm nay lại vướng nợ vì khoản nợ của doanh nghiệp khác không trả được. Hệ lụy dây chuyền này còn kéo dài ở giai đoạn tiếp theo.

Lâu nay, trong chủ trương khơi thông dòng vốn, điều đầu tiên hướng đến là khơi thông thị trường bất động sản thông qua gói 30.000 tỷ đồng, nhưng đến nay việc này chưa thành công do xác định đối tượng chưa đúng. Tiếp theo có thể kể đến cho vay đối với 5 nhóm ưu tiên do NHNN quy định, gồm doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nhưng hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đang khó khăn nằm trong nhóm này, tức những doanh nghiệp rủi ro, không có khả năng khiến NH phải dè chừng. Chẳng hạn, doanh nghiệp thu mua nông sản, thủy hải sản, xuất khẩu hoặc làm thương mại trong các lĩnh vực ưu tiên đều vướng nợ, NH không thể cho vay mới. Tắc nghẽn vốn phần lớn tập trung ở khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa - đối tượng chịu tác động mạnh nhất mỗi lần tín dụng bị suy kiệt. Trong khi đó, khu vực này có lực lượng lao động lớn, nên khi họ khó khăn, lao động cũng bị ảnh hưởng, nhu cầu tiêu dùng cũng giảm theo.

Vấn đề lớn nhất hiện nay của NHTM là lo tăng nợ xấu. Vì vậy, để khơi thông, theo tôi phải hướng tới dòng tín dụng trung hạn cho doanh nghiệp đang kinh doanh tốt. Thí dụ, tại TPHCM có 35% doanh nghiệp kinh doanh tốt đang có nhu cầu lớn về vốn trung hạn lãi suất thấp. Theo tôi, lãi suất tái chiết khấu cho vay lại của NHNN có thể giảm thêm nữa để khuyến khích NHTM tăng thị phần cho vay trung hạn. Hiện nay huy động trái phiếu chính phủ (TPCP) và lãi suất TPCP cũng là một cản trở.

Thời gian qua, TPCP đã hút lượng vốn lớn nên không tăng phần vốn cho doanh nghiệp được. Đây là vấn đề cần phải tính toán hợp lý để dòng vốn có thể chảy ra thị trường. Riêng nguồn vốn đầu tư nhà nước, từ đầu năm đến nay việc giải ngân đối với các dự án đầu tư công rất chậm, nên trong đầu tư công, vấn đề cần xử lý không phải là tăng nguồn đầu tư mà phải khơi thông toàn bộ thủ tục hành chính. Bởi lẽ, với hệ thống thủ tục hành chính rắc rối, phiền hà hiện nay, các công trình, dự án có nguồn vốn đầu tư nhà nước khó thực hiện nhanh được.

Chủ trương nguồn đầu tư của Chính phủ sẽ kích thích thị trường, nhưng thực tế các dự án, công trình đầu tư công không trôi chảy, đã không thể kích thích thị trường. Thí dụ, công trình mở rộng Quốc lộ 1 ì ạch nên không thể giải ngân. Vì thế, để thực hiện công trình này không lo thiếu vốn, mà vấn đề là tiến độ thực hiện chậm, cách làm chưa hợp lý.

Tóm lại, để khơi thông vốn phải thực hiện rất nhiều việc. Trước mắt, những quy định từ Nghị quyết 01 ban hành đầu năm nay, Nghị quyết 02 năm trước của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội về giảm lãi suất, miễn giảm thuế… cần thực hiện tốt, sẽ hỗ trợ thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách cụ thể hỗ trợ đối với nguồn vốn trung và dài hạn. Nhìn xa hơn, có thể nói khi nào nền kinh tế thoát được tình trạng trì trệ, tín dụng mới tăng, còn hiện nay vẫn đang bế tắc.

TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

sgđt

Các tin tức khác

>   Thanh toán điện tử có thể giúp nhiều nước thoát nghèo (04/09/2014)

>   Cấp tín dụng vượt giới hạn của Vietinbank đối với 11 công ty (04/09/2014)

>   Khi sếp ngân hàng đi... khách (04/09/2014)

>   Ngân hàng còn bỏ ngỏ mảnh đất béo bở trên Internet? (04/09/2014)

>   NHNN và Kiểm toán Nhà nước ký Quy chế phối hợp công tác (03/09/2014)

>   Không áp tỷ lệ cứng dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi với Quỹ tín dụng nhân dân (03/09/2014)

>   Bắt tạm giam nguyên giám đốc chi nhánh Agribank Mạc Thị Bưởi (03/09/2014)

>   Lãi suất giảm chưa chắc kích được tín dụng (03/09/2014)

>   WB: Hệ thống tài chính Việt Nam gặp nhiều khó khăn (03/09/2014)

>   VIB cho vay mua căn hộ Muberry Land lãi suất 0%/năm trong 3 tháng đầu (03/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật