Cán bộ có thẩm quyền cấp giấy khai thác khoáng sản trái phép?
Sáng 29/9, trong khuôn khổ Phiên họp thứ Ba mươi mốt của UBTVQH, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang.
Nội dung chất vấn của đại biểu với Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang tập trung vào việc xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai của công dân; trách nhiệm quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; công tác quy hoạch sử dụng đất, tình hình sử dụng đất trồng lúa và chủ trương chuyển đổi cây trồng đối với đất trồng lúa; biện pháp khắc phục tình trạng sử dụng đất lãng phí; kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, tập trung vào việc thực hiện các lời hứa của Bộ trưởng trong Phiên chất vấn tại Phiên họp thứ Hai mươi của UBTVQH.
Hoan nghênh những nỗ lực của ngành tài nguyên môi trường trong việc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013, ĐBQH Nguyễn Minh Trí (Bạc Liêu) chất vấn bộ trưởng hai nội dung. Thứ nhất, điểm b, khoản 3, điều 58 Luật Đất đai năm 2013 quy định, người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể cơ quan chức năng nào thực hiện ký quỹ và ký quỹ bao nhiêu? Thứ hai, về khung giá đất, điều 113 Luật Đất đai quy định: Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Tại khoản 1, điều 114 quy định: căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất, UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có tham mưu Chính phủ ban hành khung giá đất chung để các địa phương có cơ sở xây dựng bảng giá đất theo quy định pháp luật?
Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, hiện tại, quy định ký quỹ trong Luật Đất đai chưa có hướng dẫn thực hiện. Nguyên nhân là còn chờ thống nhất với các quy định của Luật Đầu tư đang được QH xem xét thông qua. Sau khi Luật Đầu tư được QH thông qua, sẽ có hướng dẫn cụ thể về quy định ký quỹ. Về câu hỏi liên quan đến quy định khung giá đất. Hiện tại, còn 2 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai của Chính phủ chưa được ban hành là Nghị định về xử lý vi phạm hành chính và Nghị định về khung giá đất. Nghị định về khung giá đất sẽ được làm sau khi có Nghị định về giá. Trong tháng 9, chúng tôi trình Chính phủ Nghị định khung giá đất. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ xây dựng bảng giá đất của địa phương mình và đến ngày 01/01/2015 thì các địa phương sẽ có bảng giá mới làm cơ sở cho các hoạt động đền bù, bồi thường theo bảng giá mới. Báo cáo đại biểu, lý do chậm là có lý do khách quan, là do chờ Nghị định về giá đất được ban hành.
Về vấn đề xử phạt sau thanh tra, Trưởng đoàn ĐBQH Thái Nguyên Trương Thị Huệ chất vấn, qua báo cáo Bộ trưởng liên quan các địa phương cấp hơn 900 giấy phép khai thác khoáng sản trái phép. Bộ cũng đã có kiến nghị các địa phương kiểm điểm, có hình thức xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm. Xin bộ trưởng cho biết, với những đơn vị đã có báo cáo rồi thì tỷ lệ những cá nhân bị kiểm điểm từ hình thức khiển trách trở lên là bao nhiêu? Bộ có giải pháp gì và tham mưu Chính phủ có giải pháp gì để các tổ chức, cá nhân có vi phạm phải được thực hiện kiểm điểm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật?
Trả lời chất vấn của đại biểu Trương Thị Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, về việc xử lý kết quả sau thanh tra liên quan đến việc cấp trái phép giấy phép khai thác khoáng sản, một số tỉnh đã báo cáo kết quả xử lý, một số tỉnh chưa báo cáo liên quan đến việc kiểm điểm tổ chức, cá nhân vi phạm. Thời gian qua, chúng tôi đã yêu cầu các địa phương báo cáo, nhưng một số địa phương chưa báo cáo. Bộ trưởng xin khất nợ, sau khi các địa phương báo cáo thì Bộ trưởng sẽ tổng hợp báo cáo đại biểu. Tới đây, ngành sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý khai thác khoáng sản. Đồng thời, sẽ rà soát các quy định về xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến cấp phép và khai thác trái phép khoáng sản.
Cho rằng việc xử lý sai phạm trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản rất là nhẹ. Hơn nữa, khai thác khoáng sản trái phép là hành vi rút ruột quốc gia, hủy hoại môi trường nghiêm trọng, chiếm đoạt quyền lợi nhân dân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương chất vấn: xin bộ trưởng cho biết, có chuyện tiếp tay, thông đồng của cán bộ có thẩm quyền cấp giấy phép với các đối tượng khai thác trái phép hay không? Cũng có ý kiến cho rằng, xử lý kiểu khiển trách, thu hồi giấy phép là quá nhẹ. Trong trường hợp “ăn” gần hết tài sản quốc gia phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản mà cụ thể là khoảng sản. Trong quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự tới đây, đề nghị bổ sung xử lý hình sự tội danh cấp giấy phép với mức phạt cao nhất là trung thân và tử hình. Xin hỏi quan điểm của Bộ trưởng về ý kiến này?
Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, việc xử lý các vi phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật. Mới nhất, chúng ta có Nghị định xử lý vi phạm trong lĩnh vực sử dụng tài nguyên nước, trong khai thác khoáng sản. Bộ trưởng đồng tình với ý kiến của đại biểu Đỗ Văn Đương, chúng ta cần phải có chế tài xử lý mạnh hơn nữa, thậm chí thu hồi tiền, truy cứu trách nhiệm hình sự… Các nghị định của Chính phủ chỉ quy định xử phạt hành chính bằng tiền, còn các hình thức xử lý khác được quy định trong các văn bản pháp luật khác.
Cũng liên quan đến xử phạt của Nhà nước về khai thác tài nguyên môi trường trái phép, ĐBQH Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) đặt vấn đề, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tình hình khai thác cát trái phép trên sông Hậu thường xuyên xảy ra với thủ đoạn tinh vi, lợi dụng điều kiện giáp ranh giữa các địa phương, các đối tượng khai thác liên tục di chuyển địa điểm làm cho các cơ quan chức năng khó quản lý, gây hậu quả nghiêm trọng làm thay đổi dòng chảy gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến nhà cửa, đời sống sản xuất, nguy hiểm đến tình mạng, đời sống của người dân, gây bức xúc trong nhân dân. Trong thời gian tới, Bộ có giải pháp gì đột phá để chấn chỉnh tình hình trên?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nêu rõ, vấn đề khai thác cát trái phép trên sông gây sạt lở và nhiều hậu quả cho người dân hai bên bờ sông và đối với khu vực giáp ranh, Bộ đã báo cáo Chính phủ và đang khẩn trương xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Trong đó tiếp tục tiến hành rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản để chính thức công bố danh mục các văn bản đã hết hiệu lực, cần bãi bỏ; các văn bản đang còn hiệu lực hoặc còn hiệu lực một phần và kế hoạch xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản cần ban hành mới hoặc thay thế. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ Xây dựng, Giao thông, vận tải và UBND một số tỉnh, thành phố liên quan tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông và việc triển khai các dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải kết hợp thu hồi sản phẩm là cát để đề xuất các giải pháp quản lý theo quy định của Luật Khoáng sản. Đặc biệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các dự án cố tình kéo dài thời gian, không thực hiện nghĩa vụ khi giấy phép hết hạn; khai thác không có thiết kế mỏ; gây mất an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; không thực hiện nghĩa vụ thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản... Bộ trưởng cho rằng, thực tế, hoạt động trên sông kiểm tra rất phức tạp, nếu không tổ chức tốt các lực lượng liên ngành như Sở Tài nguyên, Môi trường, công an địa phương thì rất khó. Điều quan trọng nhất là quản lý các địa phương, nếu kiên quyết ra tay thì tình hình sẽ được cải thiện rất nhiều.
Trả lời bổ sung về vấn đề xử phạt khai thác cát trên sông, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết thêm, qua đánh giá 957 giấy phép được cấp từ 1/7/2011 đến 31/12/2012, có 275 giấy phép thăm dò khoáng sản; cấp phép khai thác liên quan đến cát, sỏi có 682 giấy. Thông qua vấn đề cấp phép, có 8 vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất là cấp phép không đúng thẩm quyền 103 giấy phép tại một số tỉnh Vĩnh Long, Bình Định, Khánh Hòa, Đồng Nai… Thứ hai, cấp phép khi không có đăng ký kinh doanh ngành nghề thăm dò khai thác khoáng sản 552 giấy phép. Thứ ba, cấp phép thăm dò không thông qua hình thức lựa chọn tổ chức cá nhân, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Thứ 4, cấp phép khai thác khi hồ sơ không có dự án đầu tư khoáng sản. Thứ năm, cấp phép khi không có giấy chứng nhận đầu tư. Thứ sáu, cấp phép khi chưa có quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thứ bảy, cấp phép khi hồ sơ không có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thứ tám, cấp phép khi chưa được phê duyệt trữ lượng khoáng sản. Bên cạnh đó, công tác quản lý, giám sát sau cấp phép tại một số địa phương chưa thực hiện kiên quyết nên xảy ra sơ hở.
Chất vấn Bộ trưởng về việc chậm trễ, tham nhũng, tiêu cực trong việc cấp sổ đỏ cho người dân tại các dự án chung cư tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Pháp luật Nguyễn Sĩ Cương nêu thực trạng nhiều công trình đã thanh toán và bàn giao cho người sử dụng hàng năm nhưng không đề cập đến việc cấp sổ đỏ. Quy trình giải quyết mập mờ, khi hỏi chủ đầu tư bao giờ có sổ đỏ thì nói không biết đến bao giờ. Người dân phản ánh, tại nhiều dự án để được cấp sổ đỏ phải nộp phí bôi trơn. Họ được gợi ý phải nộp phí bôi trơn 8 triệu đồng, ai nộp thì được cấp sổ ngay, còn ai không nộp thì tiếp tục phải chờ đợi. Người dân nghi ngờ có đường dây tiêu cực giữa chủ đầu tư với cơ qua chức năng. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng có biết việc này không và trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường như thế nào?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, chậm trễ có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự nhũng nhiễu như phản ánh của người dân và có cả trách nhiệm văn phòng đăng ký đất đai của địa phương, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nôi, TP Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, Bộ đã cử nhiều đoàn xuống làm việc, kiểm tra và đến nay tình hình đã cải thiện hơn. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường hơn nữa thanh tra kiểm tra việc cấp sổ đỏ. Hiện nay thủ tục đã được rút ngắn rất nhiều song việc thực hiện của các cơ quan thế nào đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan thanh tra.
Tự Cường- Khánh Dương
đại biểu nhân dân
|