Bộ đôi FLC và KLF "nhảy" vào HAI như thế nào?
Hoạt động kinh doanh ổn định, lại thuộc “trào lưu nông nghiệp” hiện nay… liệu đó có phải là lý do để “bộ đôi” FLC và KLF muốn nắm quyền kiểm soát HAI khiến giá cổ phiếu của doanh nghiệp này đột nhiên nhảy vọt gần đây?
* KLF có thực là bức tranh màu hồng?
Chỉ trong vòng nửa tháng, CTCP Nông dược H.A.I (HOSE: HAI) đã có biến động mạnh về cổ đông lớn, kéo theo đó là giá cổ phiếu cũng phi nước đại lên 39,200 đồng/cp, tức tăng tới 82% so với mức đầu “con sóng” và chưa biết khi nào sẽ dừng lại.
Biến động cổ phiếu HAI từ đầu năm đến nay
Từ ngày 05/09, “sóng” tăng trần của HAI bắt đầu, đây cũng là thời điểm tổng khối lượng giao dịch của HAI đạt mức “đỉnh” với hơn 17 triệu cp. Và sau đó vài ngày thì SCIC cho biết đã thoái vốn thành công tại HAI, đồng thời xuất hiện 3 cổ đông lớn cá nhân gần như nắm quyền kiểm soát tại đây với tỷ lệ nắm giữ gần 50% vốn.
Hai trong ba nhân vật mới đều là lãnh đạo của CTCP Tập đoàn FLC (HOSE: FLC). Ông Lê Thành Vinh (sở hữu 16.78% vốn đang là Thành viên HĐQT FLC), bà Phạm Thị Hải Ninh (16.29%, là Thành viên Ban kiểm soát FLC) và ông Nguyễn Hồng Phong (16.9% vốn).
Không những vậy, chỉ 10 ngày sau đó, đến lượt CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (HNX: KLF) - đơn vị gắn liền với FLC, và HAI chính thức ký hợp đồng hợp tác toàn diện. Theo cam kết, KLF sẽ hỗ trợ HAI trong việc bổ sung vốn, tăng cường chất lượng quản trị, mở rộng đối tác cung cấp và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời tham gia đầu tư vào HAI thông qua việc mua phát hành mới và/hoặc mua lại cổ phần đã phát hành để trở thành cổ đông chiến lược của HAI trong thời gian tới đây.
Tổng giám đốc HAI - ông Quách Thành Đồng nêu lý do của việc hợp tác với KLF là: “Do đặc trưng hơn 65% doanh thu Công ty đến từ phân phối sản phẩm của công ty đa quốc gia như Mosanto, Dow Agrosciences… và HAI cũng đang đầu tư cho lĩnh vực nông sản với mong muốn tạo chu trình khép kín từ sản xuất và phát triển giống, hỗ trợ nông dân kỹ thuật canh tác, công nghệ sau thu hoạch… nên việc tăng cường năng lực tài chính và mở rộng đối tác nước ngoài để tạo sự bứt phá trong hoạt động kinh doanh là rất quan trọng. Vì thế, chúng tôi kỳ vọng việc hợp tác chiến lược toàn diện với KLF sẽ giúp HAI nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình, mang lại lợi ích cho cổ đông cả 2 công ty”.
Gần đây nhất, ngày 22/09, KLF “lấn” thêm bước mới khi công bố đã chính thức trở thành cổ đông lớn của HAI với tỷ lệ nắm giữ tới 24.5% vốn. Như vậy, nhóm FLC và KLF đã sở hữu khoảng gần 60% vốn HAI chỉ vỏn vẹn trong 2 tuần.
Cùng ngày, HĐQT HAI đã quyết định bổ nhiệm ông Doãn Văn Phương - Thành viên HĐQT KLF, đồng thời là Tổng giám đốc FLC, sẽ giữ chức Chủ tịch HĐQT HAI. Còn Chủ tịch Đặng Văn Cương sẽ lui về giữ chức Phó Chủ tịch thường trực của HAI.
Đồng thời, ông Lê Thành Vinh cũng được bổ nhiệm vào HĐQT HAI.
Hậu đổi chủ tại HAI thời gian tới chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi lớn. Và chặng đường mới của HAI sẽ chịu tác động lớn từ bộ đôi FLC-KLF.
Chặng đường đã qua
HAI từng thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và chính thức được chuyển đổi thành công ty cổ phần vào năm 2005. Tại thời điểm cuối năm 2006, cổ đông sáng lập của HAI gồm SCIC có ông Đặng Thanh Cương và Phạm Văn Hưng (đều giữ vị trí chủ chốt tại HAI) đại diện nắm giữ 60.53% vốn; ông Trần Văn Phát sở hữu 2.56% vốn, còn lại có 5 cổ đông khác nhưng tỷ lệ nắm giữ đều dưới mức 1%. Hiện HAI có 15 chi nhánh, 1 công ty con phủ khắp toàn quốc và 1 chi nhánh tại Campuchia.
Cổ đông sáng lập của HAI tại thời điểm cuối 2006
Là công ty có hoạt động kinh doanh từ năm 2006 đến nay khá ổn định và không có nhiều biến động, các chỉ số tài chính của HAI luôn ở mức an toàn. Đặc biệt EPS không dưới 1,000 đồng và đã có lúc vượt ngưỡng 5,000 đồng. ROE chỉ riêng năm 2008 ở mức 1 con số, còn lại đều từ 10 đến 32%. Cổ tức hàng năm được duy trì từ 20-30% bằng tiền mặt.
Một số chỉ tiêu chính của HAI từ 2006 đến nay
Năm 2014, công ty đặt mục tiêu doanh thu 850 tỷ đồng, giảm 8% so với thực hiện năm 2013; lợi nhuận sau thuế 45 tỷ đồng, giảm 3% do đánh giá lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng chậm dần và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, HAI có định hướng tầm nhìn trở thành công ty dẫn đầu trong lĩnh vực nông dược, giống cây trồng, phân bón, home garden và cung cấp giải pháp bảo vệ thực vật toàn diện tại Việt Nam và Khu vực Đông Nam Á vào năm 2020.
Hiện Công ty đang tập trung vào lĩnh vực chính là kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Tăng thêm sản phẩm nhãn hiệu HAI, sản phẩm công ty nước ngoài, các hoạt chất mới như thuốc ốc, kích thích sinh trưởng, thuốc sử dụng cho công nghệ sau thu hoạch. Đẩy mạnh xuất khẩu, và hiện đã nhận thêm được 4 giấy phép sản phẩm của Dow AgroSciences được phép kinh doanh tại Campuchia. Hỗ trợ tiểu ngạch bán hàng qua Lào.
HAI có 1 công ty con là Công ty TNHH HAI Quy Nhơn (100% vốn) và 3 công ty liên doanh liên kết gồm HAI Minh Long (50% vốn), CTCP Bốn Đúng (50%) và CTCP TMNN Sông Mê Kông (30%).
Trong đó, khoản đầu tư vào Sông Mê Kông (12 tỷ đồng) hiện không khả thi và HAI đang tiến hành thoái vốn. Đây là dự án được hình thành từ ý tưởng cùng một vài công ty cùng ngành đầu tư xây dựng siêu thị nông nghiệp phục vụ kinh doanh các mặt hàng nông nghiệp từ dụng cụ, máy móc, giống, thuốc bảo vệ thực vật… Tuy nhiên trong giai đoạn suy thoái, việc sử dụng vốn vay đầu tư không khả thi, do đó tạm dừng đầu tư hoặc chuyển đổi thành dự án khác.
Còn khoản đầu tư 15 tỷ đồng vào Công ty Bốn Đúng thì hiện dự án đã nộp xong tiền thuê đất và đang xây dựng văn phòng, nhà kho. Công ty này đã bắt đầu hoạt động kinh doanh nhỏ để tự trả lương cho các nhân viên quản lý tại dự án. Mô hình sản xuất nguyên liệu chính từ hóa chất cơ bản đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Đối với HAI Minh Long, HAI góp 11 tỷ đồng, công ty này hoạt động chính là cho thuê kho, vận tải hàng hóa, gia công đóng gói. Kết quả kinh doanh đã có lợi nhuận, chi trả lợi tức 500 triệu đồng. Công ty chuẩn bị đưa hệ thống sản xuất thuốc BVTV dạng hạt vào sản xuất.
Ngoài ra, tại thời điểm 2013, HAI còn nắm giữ 214,800 cp Khử trùng Việt Nam (HOSE: VFG) tương ứng giá trị sổ sách gần 9 tỷ đồng; Bảo vệ Thực vật Sài Gòn (SPC) 71,500 cp tương ứng hơn 2.2 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) 643,717 cp tương đương hơn 14 tỷ đồng.
|
Thanh Nụ
|