Ý tưởng xây thêm 1.000 siêu thị: Coi chừng “quả đắng”!
Đến năm 2030, Hà Nội sẽ có thêm khoảng 1.000 siêu thị. Thông điệp này vừa được UBND TP Hà Nội đưa ra tại một cuộc hội thảo khoa học liên quan đến mục tiêu phát triển hệ thống bán lẻ tại Hà Nội trước bối cảnh ngày càng hội nhập sâu với quốc tế. Nhận định về con số này, giới chuyên gia cho rằng đây là một kế hoạch "không tưởng”, khi mà bài học về sự ế ẩm của hàng loạt trung tâm thương mại, siêu thị lớn… vẫn còn chưa hết nóng.
Đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 1.100 siêu thị?
Tại cuộc hội thảo nói trên, UBND TP Hà Nội nêu lên thực tế trong những năm qua, mặc dù thành phố đã tập trung phát triển hệ thống bán lẻ để hỗ trợ người tiêu dùng và đảm bảo an sinh xã hội, song thị trường bán lẻ vẫn chưa phát triển theo kỳ vọng. Một điều đáng lo ngại nữa chính là việc hàng Việt vẫn chưa thể cạnh tranh được với hàng ngoại dù ở ngay trên "sân nhà”.
Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho biết, hiện nay sức mua của thị trường bán lẻ tại Hà Nội đang có xu hướng suy giảm, trong quý II-2014 thị trường này chỉ tăng trưởng khoảng hơn 8%. Theo thống kê của Sở Công thương Hà Nội, hệ thống bán lẻ hiện có trên địa bàn thành phố gồm có 418 chợ dân sinh (trong đó có 4 chợ đầu mối), 135 siêu thị và 24 trung tâm thương mại. Và để nâng sức cạnh tranh khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, theo Sở Công thương Hà Nội, quy hoạch của thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030 sẽ đầu tư xây dựng mới 999 siêu thị các loại; 42 trung tâm thương mại; 595 chợ dân sinh...Trong đó, về việc xây dựng mới 999 siêu thị, bao gồm 23 siêu thị hạng một, 111 siêu thị hạng hai, 865 siêu thị hạng ba. Đồng thời, cần đầu tư thêm 10 trung tâm thương mại (TTTM) hạng nhất; 7 TTTM hạng hai; 16 TTTM hạng ba và 9 TTTM cấp vùng…
Một phần Trung tâm thương mại Ô Chợ Dừa (Hà Nội)
hiện đang cho thuê hát Karaoke
|
Đừng nói điều không thể làm!
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Đại biểu Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi trao đối với PV Đại Đoàn Kết: "Nếu là 100 siêu thị thì còn có thể tin được, còn con số 1.000 thì đó là điều không thể”. Hơn một lần, ông Phú khẳng định với PV Đại Đoàn Kết rằng, đây là một "siêu ý tưởng” của các nhà lãnh đạo thành phố. Bởi, chỉ cần trả lời 3 câu hỏi sẽ có thể khẳng định kế hoạch nói trên chắc chắn sẽ thất bại. Một là, đất ở đâu ra để xây từng ấy siêu thị? Thứ hai, tiền ở đâu ra trong khi hàng loạt các công trình đang xây dựng trên địa bàn Hà Nội vẫn còn đang dang dở vì thiếu vốn? Trong khi để xây một siêu thị như Metro, số vốn bỏ ra đã khoảng 18 triệu USD, vậy 1.000 siêu thị như vậy, số tiền lớn đến mức nào? Thứ ba, theo ông Phú, giả sử nếu xây được 1.000 siêu thị nữa, tổng cộng cả Hà Nội sẽ có khoảng 1.100 siêu thị, vậy ai sẽ vào mua, khi mà người dân vẫn đang còn phải thắt chặt chi tiêu, người nghèo vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo người giàu như hiện nay? Và rõ ràng nhất, bài học về sự ế ẩm, lãng phí của các TTTM, siêu thị lớn như Tràng Tiền Plaza, TTTM Cửa Nam, Ô chợ Dừa, chợ Mơ, … vẫn còn chưa hết nóng.
Đưa ra những dữ liệu trên, ông Phú cho rằng, trước khi đi đến một quyết định xây dựng các TTTM, siêu thị, nhà làm quản lý cần có một cái nhìn tổng thể về mạng lưới bán lẻ, cần phải xem việc xây dựng đó có hiệu quả ra sao đối với người dân, có thuận tiện cho bà con mua sắm hay không, giao thông thế nào…, vì tâm lý của người dân Việt Nam thường đề cao tính thuận tiện, nhanh gọn. Vậy khi đề xuất ra ý tưởng xây thêm 1.000 siêu thị, các nhà quản lý có tính đến yếu tố tâm lý này hay không? Bởi vậy, mong các nhà quản lý đừng nói điều không thể làm!
Nhìn lại thực trạng của những TTTM, khu chợ hiện đại đã được xây dựng, giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân sâu xa khiến các khu chợ hiện đại của Hà Nội rơi vào tình trạng ế ẩm, đìu hiu là do khi xây dựng, người ta đã quên điểm cốt lõi của một khu chợ truyền thống. Đó là mỗi khu chợ truyền thống luôn mang tính cộng đồng rất cao và nó có những đặc thù riêng, chẳng hạn như phải có các sạp hàng, các mặt hàng phải được bố trí phù hợp, đan xen nhau tạo sự thuận tiện trong mua sắm cho người tiêu dùng. Nhưng hầu hết các trung tâm thương mại, chợ hiện đại lại không đạt được yếu tố đó, có nghĩa, yếu tố tiện lợi đã bị triệt tiêu. Và như vậy, khó có thể thu hút được người dân vào mua sắm.
Bởi vậy, giới chuyên gia khuyến cáo, Hà Nội cần thận trọng khi đi đến quyết định xây thêm tới 1.000 siêu thị nếu không muốn nhận về những "quả đắng”…
Duy Phương
Đại đoàn kết
|