Viglacera: “Mẹ” có giang tay cứu “con”?
Hầu hết các công ty con của Viglacera đều có LNST chưa phân phối âm và bị đưa vào diện kiểm soát hay diện cảnh báo.
Tổng CTCP Viglacera (OTC: Viglacera) có hai mảng hoạt động chính là sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) và đầu tư xây dựng các dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu văn phòng và nhà ở, bên cạnh đó còn có lĩnh vực thương mại và đào tạo.
Tổng công ty này có một chuỗi các đơn vị thành viên “hoành tráng”, đặc biệt trong hai mảng sản xuất VLXD và đầu tư xây dựng với số công ty con ở mỗi lĩnh vực lần lượt là 27 và 8, mảng còn lại với 4 đơn vị.
Trong số này có 8 công ty đều thuộc mảng sản xuất VLXD đã niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung (HNX) nhưng hiện tại đã có 3 công ty phải rời sàn. CTCP Viglacera Đông Triều (DTC) tự nguyện hủy niêm yết từ ngày 22/03/2013 và chuyển sang giao dịch trên UPCoM từ ngày 10/04/2013. Tương tự, CTCP Viglacera Thăng Long (TLT) cũng tự nguyện hủy niêm yết từ ngày 28/02/2013 và chuyển qua giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 19/06/2013; trong khi CTCP Viglacera Bá Hiến (BHV) bị hủy niêm yết từ ngày 20/05/2014.
Vốn điều lệ của Viglacera hiện đạt hơn 2,600 tỷ đồng. Tổng công ty này đã bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào đầu năm 2014, với lượng cổ phần bán ra là 19.47 triệu cổ phần. Sau cổ đông Nhà nước, Tổng công ty còn có cổ đông lớn là một quỹ đầu tư đến từ Singapore rót hơn 100 tỷ đồng trong đợt IPO đầu năm nay.
Viglacera đang làm ăn ra sao?
Số liệu BCTC gần nhất mà Vietstock có được chỉ mới tới năm 2012, còn trên trang điện tử của Viglacera thì chỉ thấy vỏn vẹn Nghị quyết và Biên Bản ĐHĐCĐ lần đầu tiên (tổ chức ngày 02/07/2014), trong đó chỉ nêu chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 6 tháng cuối năm 2014 như sau:
Thông tin từ ĐHĐCĐ vừa qua cho thấy, 6 tháng đầu năm, doanh thu Viglacera đạt 2,085 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực bất động sản đạt gần 1,500 tỷ đồng, chiếm tới 72%; sản xuất VLXD có doanh thu hơn 553 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của Viglacera đạt 115 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm và dự kiến đạt 270 tỷ đồng cả năm.
Ngoài ra, thỉnh thoảng nhà đầu tư bên ngoài nhận được tin tức như trong tháng 9/2013, ngân hàng dành 1,300 tỷ đồng để cấp hạn mức tín dụng ngắn, trung và dài hạn cho Viglacera nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho các hoạt động kinh doanh của Tổng công ty và các đơn vị thành viên. Hay tin gần nhất (tháng 7/2014) là Tổng công ty này được vay 324 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN và Vietinbank (CTG) là ngân hàng sẽ xem xét ký hợp đồng tín dụng và giải ngân.
“Mẹ” có giang tay cứu “con”?
Lý do tự hủy niêm yết của DTC và TLT giống nhau sau khi KQKD lũy kế 9 tháng đầu năm 2012 lỗ, trong khi khả năng “cứu vớt” ở quý còn lại gần như không có và khoản LNST chưa phân phối cuối quý 3/2012 đã âm vượt qua vốn điều lệ thực góp.
Kết thúc năm 2012, DTC lỗ gần 69 tỷ đồng và LNST chưa phân phối cũng âm 69 tỷ đồng, trong khi VĐL thực góp là 40.3 tỷ đồng, còn TLT lỗ 39 tỷ đồng và LNST chưa phân phối âm 126 tỷ đồng, VĐL thực góp là 96.3 tỷ đồng. Trong năm 2013, DTC tiếp tục lỗ 18.6 tỷ đồng nâng mức thâm hụt của LNST chưa phân phối lên 87.6 tỷ đồng, còn TLT tuy có lời nhưng rất khiêm tốn với 862 triệu đồng nên LNST chưa phân phối vẫn còn âm 125.1 tỷ đồng.
BHV bị hủy niêm yết cũng là do lỗ lũy kế vượt quá số VĐL thực góp tại cuối năm 2013. Theo đó, LNST chưa phân phối của BHV tới cuối năm 2013 là -25.6 tỷ đồng (do lỗ liên tiếp 2 năm 2012 và 2013 là -10.3 và -9 tỷ đồng), trong khi VĐL thực góp là 10 tỷ đồng.
5 doanh nghiệp còn lại thì có tới 3 doanh nghiệp đang trong diện bị cảnh báo như HLY (từ 14/03/2014) hay đang bị kiểm soát như DAC (từ 18/03/2014) và VTS (từ 27/02/2014). Lý do của HLY là LNST chưa phân phối cuối năm 2013 là số âm, còn DAC và VTS đều do LNST chưa phân phối âm trong 2 năm gần nhất (VTS có tính đến ảnh hưởng của ý kiến lưu ý, ngoại trừ của đơn vị kiểm toán trong BCTC năm 2012).
VIT thì đã thoát khỏi diện cảnh báo (do LNST chưa phân phối bị âm tại cuối năm 2012) từ 19/07/2013 nhờ LNST chưa phân phối 6 tháng đầu năm 2013 đạt dương. Cuối năm 2013, VIT có LNST chưa phân phối 3.1 tỷ đồng.
VHL là công ty duy nhất có hoạt động kinh doanh ổn định khi KQKD qua các năm đều đạt mức khá, riêng năm 2012 có sự suy giảm mạnh với LNST chỉ đạt hơn 300 triệu đồng.
Nhóm các doanh nghiệp thuộc “họ” Viglacera này, đặc biệt các doanh nghiệp vốn nhỏ, đã cho thấy hệ lụy không kém phần ở các doanh nghiệp kinh doanh BĐS và Xây dựng khi tình hình thị trường trở nên khó khăn.
Bảng: Một số chỉ tiêu tài chính của 8 doanh nghiệp “họ” Viglacera
Theo bảng thống kê trên, VCSH thực góp các các doanh nghiệp này rất thấp, 2 công ty có VCSH thực góp lớn nhất trong nhóm là VHL và VIT cũng chỉ ở mức hơn 100 tỷ đồng. Vốn nhỏ nhưng đòn bẩy tài chính lại khá cao khi tỷ lệ tổng nợ vay/VCSH thực góp đều lớn hơn từ 1 – 4 lần, duy chỉ có DAC và VTS sử dụng đòn bẩy thấp.
Không chỉ nợ vay cao mà tổng nợ phải trả của các doanh nghiệp này đều cao hơn gấp nhiều lần so với VCSH thực góp, trong đó cao nhất là BHV, DTC, TLT, VHL, VIT khiến tỷ lệ tổng nợ phải trả/VCSH thực góp trong khoảng từ 3-6 lần.
Ngoài ra, LNST chưa phân phối của hầu hết các công ty này đều âm, ngoại trừ VHL và VIT – là hai công ty có VCSH thực góp cao nhất.
Thu Hoa
|