Thứ Tư, 13/08/2014 10:13

Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline đối mặt với vụ bê bối mới

Tập đoàn dược phẩm lớn nhất Anh quốc GlaxoSmithKline (GSK) lại đang phải đối mặt với vụ bê bối mới sau khi có thông tin cho rằng GSK đã hối lộ các nhà phân phối ở Syria để tăng doanh số bán hàng của tập đoàn ở quốc gia Trung Đông này.

Hãng tin Reuters của Anh cho biết đã thấy một bức thư điện tử nặc danh gửi tới Giám đốc điều hành GSK Andrew Witty và Chủ tịch Ủy ban kiểm toán Judy Lewent, trong đó có đoạn viết: "GSK nhiều lần dính líu vào hoạt động hối lộ và phi pháp trong khi kinh doanh dược phẩm ở Syria."

Cáo buộc hối lộ các nhà phân phối ở Syria được đưa ra trong khi GSK vẫn đang phải hợp tác với nhà chức trách để giải quyết các cáo buộc tương tự ở Trung Quốc, Iraq, Jordan, Liban và Ba Lan. GSK là một trong số ít các tập đoàn dược phẩm trên thế giới vẫn cung cấp cho thị trường Syria sau khi cuộc nội chiến nổ ra ở nước này cách đây hơn 3 năm.

Một phát ngôn viên của GSK cho biết tập đoàn này sẽ điều tra triệt để tất cả các cáo buộc trong bức thư nói trên và cam kết sẽ tiến hành các biện pháp kỷ luật đối với các cá nhân liên quan nếu phát hiện có vi phạm.

Hiện GSK đã tạm dừng mối quan hệ với các nhà phân phối ở Syria trong khi chờ kết quả điều tra.

Bức thư nặc danh cũng đưa ra tên người nhận và ngày của những khoản thanh toán "mờ ám," trong đó có các khoản tiền từ 200-300 USD/tháng chuyển cho một bác sỹ Syria. Đổi lại, bác sỹ này đã yêu cầu nhập các loại thuốc của GSK cho bệnh viện của ông và từ chối các sản phẩm của các hãng cạnh tranh với GSK. Ngoài ra, bức thư cũng cáo buộc GSK hối lộ các quan chức Bộ Y tế Syria nhằm giành được một số loại vắcxin để bán lại bất hợp pháp trên thị trường nước này.

Cuối tháng 5 vừa qua, Cơ quan phòng chống gian lận nghiêm trọng (SFO) của Anh cũng đã chính thức mở cuộc điều tra quy trình bán GSK, sau khi nhà chức trách một số nước cáo buộc nhiều quan chức và nhân viên chi nhánh của tập đoàn đã đưa hối lộ các quan chức địa phương để thúc đẩy hoạt động bán hàng.

Trước đó hai tuần, nhà chức trách Trung Quốc đã cáo buộc ba cựu quan chức điều hành của GSK, trong đó có cựu Giám đốc chi nhánh của tập đoàn tại Trung Quốc Mark Reilly, hối lộ các bác sỹ và các quan chức bệnh viện địa phương.

GSK lần đầu tiên đối mặt với các cáo buộc từ Trung Quốc hồi tháng 7/2013 khi một số quan chức điều hành chi nhánh tại đây được cho là đã hối lộ các bác sỹ và quan chức bệnh viện địa phương với số tiền lên tới 3 tỷ Nhân dân tệ (gần 480 triệu USD) để khuyến khích họ sử dụng những loại thuốc do tập đoàn này sản xuất.

Sau khi vụ bê bối bị phanh phui, tập đoàn này cũng phải đối mặt với những cáo buộc tương tự ở một số nước khác. Hồi tháng Tư vừa qua, nhà chức trách Ba Lan cũng tuyên bố mở cuộc điều tra những cáo buộc hối lộ của tập đoàn này với một số bác sỹ Ba Lan để tăng tiêu thụ mặt hàng thuốc. Tổng cộng 11 bác sỹ Ba Lan và một nhà quản lý GSK đang phải đối mặt với vụ tai tiếng này.

Ngoài ra, GSK cũng đang tiến hành điều tra nội bộ liên quan đến những nghi vấn nhân viên của tập đoàn hối lộ các bác sỹ ở Iraq, Jordan và Liban. Tuy nhiên, tập đoàn khẳng định rằng đây là những vụ việc riêng rẽ và không phải là vấn đề mang tính hệ thống.

Cách đây gần hai năm, GSK từng bị nhà chức trách Mỹ phạt 1,9 tỷ bảng (3 tỷ USD) sau khi tập đoàn này thừa nhận hối lộ các bác sỹ để khuyến khích họ kê đơn những loại thuốc chống suy nhược không phù hợp cho trẻ em.

vietnam+

Các tin tức khác

>   Trung Quốc bắt thân tín của ông Giang Trạch Dân (12/08/2014)

>   Một công ty chuối có giá trị 611 triệu USD (12/08/2014)

>   Nga tìm cách ngăn tình trạng đầu cơ gây lạm phát trong nước (11/08/2014)

>   Walmart lấn sâu sang lĩnh vực khám chữa bệnh (11/08/2014)

>   Các hãng hàng không giá rẻ đang ngày càng trở nên đắt đỏ hơn? (10/08/2014)

>   Các công ty nước ngoài vẫn hợp tác với Nga bất chấp lệnh trừng phạt (10/08/2014)

>   Lợi nhuận của Zurich Insurance tăng sau kế hoạch tái cơ cấu (08/08/2014)

>   Trung Quốc làm khó công ty nước ngoài (08/08/2014)

>   Phải chăng Mỹ-Trung diễn kịch? (07/08/2014)

>   Quốc hội Hy Lạp thông qua dự luật gây tranh cãi để nhận cứu trợ (07/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật