Nhu cầu vàng toàn cầu chìm nghỉm trong quý 2/2014
Các NHTW toàn cầu mua ròng 14 quý liên tiếp, quỹ ETF rút ròng
Theo báo cáo được công bố ngày thứ Năm của Hội đồng vàng thế giới (WGC), nhu cầu vàng toàn cầu sụt giảm dữ dội trong quý 2/2014 giữa bối cảnh giá kim loại quý không có nhiều thay đổi.
* WGC: Nhu cầu vàng Việt Nam lao dốc hơn 40% trong quý 2/2014
Báo cáo cho biết nhu cầu vàng toàn cầu đứng ở mức 964 tấn trong quý 2/2014, giảm 16% so mức 1,148.3 tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đà sụt giảm này không làm cho các nhà đầu tư bất ngờ do sự đối lập của các điều kiện thị trường trong hai giai đoạn này.
Theo báo cáo, mức sụt giảm chóng mặt tới 25% trong quý 2/2013 của giá vàng đã giúp nhu cầu kim loại quý tăng vọt và đây được xem là một sự kiện “có một không hai trong một thế hệ”. Nguyên nhân khiến giá vàng bốc hơi mạnh trong quý 2/2013 là do làn sóng rút vốn khỏi các quỹ ETF vàng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thu hồi chương trình nới lỏng định lượng (QE).
Ngược lại, giá vàng dịch chuyển với biên độ tương đối hẹp trong quý 2/2014 và mức độ biến động cũng thấp hơn nhiều so bình quân. Nguyên nhân chính lý giải cho tình trạng ảm đạm này là sự sụt giảm của nhu cầu đầu tư vào vàng trang sức, vàng miếng và vàng xu.
Cụ thể, nhu cầu vàng trang sức – vốn trước đây chiếm tới hơn 50% nhu cầu vàng toàn cầu – đã giảm hơn 30% trong quý 2/2014, trong khi nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu giảm còn chưa đầy một nửa của quý 2/2013.
Phần lớn đà sụt giảm của nhu cầu vàng trang sức diễn ra tại châu Á và Trung Đông trong khi hầu hết thị trường phương Tây (trừ Ý) lại chứng kiến sự gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là Mỹ và Anh.
Theo WGC, Trung Quốc và Ấn Độ chính là tác nhân khiến đầu tư vào vàng miếng và vàng xu trì trệ. Nhà đầu tư tại Ấn Độ đã chùn tay trước lệnh cấm nhập khẩu vàng xu, bất ổn xung quanh cuộc bầu cử thủ tướng mới cũng như các biện pháp kiểm soát sự dịch chuyển của dòng tiền mặt và các tài sản hữu hình. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư của Trung Quốc lại vấp phải áp lực từ sự thiếu xu hướng của giá vàng cũng như dư âm từ xu hướng mua vàng điên cuồng từng đẩy nhu cầu vàng nước này lên cao kỷ lục trong năm ngoái.
Tuy nhiên, bất chấp đà sụt giảm mạnh trong quý vừa qua, WGC cho biết nhu cầu đối với cả hai phân khúc này hiện vẫn còn xấp xỉ với các mức bình quân dài hạn. Cụ thể, nhu cầu vàng trang sức chỉ còn thấp hơn 2% so mức bình quân hàng quý 5 năm vừa qua trong khi nhu cầu vàng miếng và vàng xu hiện còn giảm 20% so mức bình quân hàng quý 5 năm nhưng vẫn thuộc cận trên của phạm vi xác lập sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Liên quan đến các quỹ ETF vàng, nhà đầu tư đã rút nhẹ 39.9 tấn vàng khỏi các quỹ này, ghi nhận sự cải thiện đáng kể so mức rút ròng 402.2 tấn trong cùng kỳ 2013.
Cũng trong quý 2/2014, các ngân hàng trung ương toàn cầu mua mạnh 117.8 tấn, đánh dấu 14 quý mua ròng liên tiếp. Theo đó, lượng mua ròng của các NHTW tăng 28% trong quý 2 nhờ nhu cầu dự trữ vàng trong bối cảnh bất ổn địa chính trị kéo dài triền miên. 3 NHTW mua vào nhiều nhất trong quý vừa qua là Nga, Kazakhstan và Tajikistan.
Về phía nguồn cung, WGC cho biết sản lượng khai thác đã tăng thêm 58.2 tấn trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, tổ chức này kỳ vọng tốc độ gia tăng sẽ chậm lại trong các quý tới khi nguồn cung giảm và các nhà sản xuất ít có khả năng cắt giảm chi phí.
Phước Phạm (Theo WGC, CNBC)
|