Ngành thủy sản 6 tháng: MPC và VHC “nổi sóng”
Trong khi MPC và VHC đang có những hoạt động kinh doanh ấn tượng khiến cổ phiếu bay cao thì HVG cùng những doanh nghiệp liên quan dường như đang chững lại và có phần đi xuống.
Theo số liệu thống kê của Vietstock, 6 tháng đầu năm, trong số 16 doanh nghiệp thủy sản niêm yết thì chỉ vỏn vẹn 2 doanh nghiệp bị thua lỗ, trong khi đó có những con số tăng trưởng rất ấn tượng tới 153 lần, 13 lần hay 11 lần…
Kết quả kinh doanh 6 tháng của 16 DN thủy sản niêm yết
MPC và VHC “nổi sóng”
Thủy sản Minh Phú (HOSE: MPC) có lẽ là doanh nghiệp gây nhiều tiếc nuối nhất cho cổ đông khi hoạt động kinh doanh đang trong kỳ tăng trưởng mạnh lại quyết định rời sàn. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của MPC đã vượt 4% kế hoạch khi đạt tới con số 506 tỷ đồng và tăng gấp 10 lần cùng kỳ. Các chỉ tiêu khác của MPC cũng rất ấn tượng khi có hơn 1,000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, không có vay nợ dài hạn. Và đặc biệt là con số cổ tức tới 50% cho 6 tháng đầu năm 2014, trước đó MPC đã trả cổ tức 15% năm 2013.
Bởi thế mà tại ĐHĐCĐ thường niên 2014, khi công ty quyết định hủy niêm yết không ít cổ đông chia sẻ rằng đang đứng ở ngã ba đường bởi rút vốn thì tiếc nuối, mà giữ cũng không xong bởi biết khi nào MPC mới niêm yết trở lại!? Và đây cũng là nguyên nhân làm cho tiến trình thoái vốn của MPC đang chậm lại khi nỗ lực gom đủ 16 triệu cổ phiếu quỹ với mức giá quanh ngưỡng 20,000-30,000 đồng/cp vẫn chưa thành. Trong khi đó, từ cuối tháng 7 đến nay, khi thông tin dự kiến trả cổ tức 50% được tung ra thì giá cổ phiếu MPC liên tục tăng trần và trở thành hàng nóng trên sàn, đến nay đã leo lên mức 79,000 đồng/cp.
Giá cổ phiếu MPC tăng vọt từ cuối tháng 7 đến nay
Trong khi đó, dù lãi ròng 6 tháng chỉ tăng 21% so cùng kỳ nhưng Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) lại “gây bão” với những thương vụ M&A “nóng hổi”. Đầu tiên là thương vụ bán Vĩnh Hoàn 1 cho đối tác Philippines với giá 19.6 triệu USD sẽ được ghi nhận trong quý 3/2014.
Theo giải thích của bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT VHC, việc bán nhà máy chế biến thức ăn nhằm mục đích tập trung vào ngành kinh doanh chính là nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra. Đồng thời, VHC cũng tập trung đầu tư cho dự án collagen, một dự án đã được công ty đầu tư 6 năm nay và nhà máy sản xuất sẽ đi vào hoạt động trong năm 2015. Dự kiến ban đầu nhà máy collagen sẽ chạy với 30% công suất, thu lợi nhuận 28 tỷ đồng năm 2015. Sang năm 2016 nhà máy sẽ nâng công suất hoạt động lên 50%, lợi nhuận thu về khoảng 62 tỷ đồng và sẽ tăng lên 100 tỷ đồng vào năm 2017. Ngoài ra, khi bán Vĩnh Hoàn 1 cho đối tác thì VHC sẽ mua được nguyên liệu thức ăn với giá rẻ hơn và chất lượng tốt hơn từ đối tác chuyển nhượng này.
Tiếp theo là thương vụ bán 85% vốn Vĩnh Hoàn Hoa Kỳ với giá 425,000 USD cũng vừa được VHC công bố giữa tháng 8. Vĩnh Hoàn Hoa Kỳ được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ 499,912 USD và đóng vai trò là kênh phân phối sản phẩm của VHC tại thị trường này.
Ngược lại, VHC cũng công bố chi tới 360 tỷ đồng để mua CTCP Thực phẩm XNK Vạn Đức Tiền Giang bởi công ty này sở hữu vùng nuôi cá tra 83.3ha, có khả năng đáp ứng 80% nhu cầu nguyên liệu của nhà máy trong năm 2014. Nhà máy của Vạn Đức Tiền Giang nằm trên khuôn viên 8ha, bao gồm nhà máy chế biến cá tra công suất thiết kế 114 tấn nguyên liệu/ngày và nhà máy sản xuất bột cá mỡ cá từ phụ phẩm. Ban lãnh đạo VHC kỳ vọng việc nhận chuyển nhượng cổ phần Vạn Đức Tiền Giang giúp gia tăng nhanh chóng năng lực chế biến, và tạo ra tiền đề tăng trưởng mạnh mẽ doanh thu lợi nhuận của công ty những năm sau.
Chưa dừng lại ở đó, Chủ tịch VHC còn cho biết sẽ mua thêm 1 nhà máy nữa trong năm nay hoặc năm 2015 với ưu thế về vị trí và nguồn lao động.
Chỉ mới 3 thương vụ M&A nhưng từ đầu năm giá cổ phiếu VHC cũng đã có mức tăng tới 119% và đang quanh mốc 47,000 đồng/cp.
Biến động cổ phiếu VHC từ đầu năm đến nay
HVG cùng doanh nghiệp liên quan lao đao
Nếu như hai “ông lớn” MPC và VHC đã có những bước đi ấn tượng trong 6 tháng đầu năm thì Hùng Vương (HOSE: HVG) dường như đang mải mê đi thâu tóm VTF và AGF, để cho hoạt động kinh doanh đi xuống khi 6 tháng lãi trước thuế chỉ 269 tỷ đồng, mới đạt 38% kế hoạch. Thêm vào đó, HVG lại còn thất bại nặng nề trong việc chào bán 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ trong 6 tháng qua khi không có nhà đầu tư nào tham gia. Rồi lần lượt hai cổ đông lớn SSI và Vietnam Holding cũng chia tay HVG.
Chiến lược thâu tóm Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (HOSE: VTF) và Thủy sản An Giang (HOSE: AGF) của HVG đang gần về đích khi công ty đã tăng nắm giữ lên lần lượt 66% và 75%. Mục tiêu tăng lên 80% để “ôm trọn” lợi nhuận VTF và AGF về đảm bảo cho HVG liệu có khả quan như lời Chủ tịch Dương Ngọc Minh từng nói khi mà 6 tháng lãi từ hai doanh nghiệp này thực tế không mấy khả quan bởi doanh thu cùng giảm mạnh, còn lợi nhuận AGF tăng lại do bán công ty con.
Thêm vào đó, lãi từ 6 công ty liên doanh liên kết của HVG trong thời gian qua cũng lỗ hơn 3 tỷ đồng dù Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) mà HVG nắm hơn 39% vốn ghi nhận lãi đột biến gấp gần 12 lần cùng kỳ cũng không lấp đầy cho những doanh nghiệp khác.
Ngoài dàn doanh nghiệp cùng ngành liên quan được ghi nhận vào báo cáo tài chính trên, HVG còn đầu tư dài hạn 18% vốn tại XNK Lâm thủy sản Bến Tre (OTC: FBT). Hiện FBT chưa công bố báo cáo tài chính quý 1 và 2/2014.(*)
Giao dịch của HVG sôi động nhưng giá cổ phiếu vẫn cứ đi ngang
Nhìn chung, nếu chỉ soi báo cáo tài chính của 16 doanh nghiệp thủy sản đang niêm yết trong 6 tháng qua thì các con số khá khả quan khi có những mức tăng “khủng” như MPC, ICF hay FMC và chỉ có hai doanh nghiệp thua lỗ là TS4, VNH.
Tuy nhiên, nhận định tổng quan về toàn ngành thủy sản, bà Trương Thị Lệ Khanh cho biết, hiện ngành thủy sản đang rất khó khăn, theo thống kê hơn 50% nhà máy đã bị ngưng hoạt động do phân khúc thị trường có vấn đề, quản trị tài chính đầu tư không đúng... Tuy nhiên Chính phủ đang có chủ trương tái cấu trúc ngành thủy sản rất quyết liệt và đây lại là cơ hội cho VHC mở rộng quy mô. Và dự kiến từ đây đến cuối năm 2015 ngành thủy sản sẽ diễn ra quá trình M&A các nhà máy rất “dữ dội”.
Rõ ràng, khó khăn của doanh nghiệp này chính là cơ hội của doanh nghiệp nào có tiềm lực thực sự với những bước đi cẩn trọng. Ví như VHC, nếu những năm trước hình ảnh của doanh nghiệp này là những con số tăng trưởng ổn định, không có nhiều ấn tượng, thì đến nay khi toàn ngành khó khăn VHC mới “tung” ra đòn M&A của mình để tận dụng cơ hội mở rộng quy mô.
Thanh Nụ
* Đính chính:
Trong đoạn viết có đánh dấu (*) ở trên, người viết đã có sự nhầm lẫn giữa CTCP XNK Lâm thủy sản Bến Tre có mã chứng khoán FBT thành mã chứng khoán ABT của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre dẫn đến những sai lệch thông tin.
Hiện người viết đã thực hiện điều chỉnh lại thông tin trong đoạn viết này. Theo đó, ABT không phải là đối tượng liên quan trong bài viết này.
Thành thật cáo lỗi cùng các thành viên, bạn đọc và các đơn vị có đề cập trong đoạn viết!
|