Thứ Hai, 25/08/2014 21:45

Metro - Thêm một bài học đắt giá

12 năm hoạt động và liên tục mở rộng hệ thống phân phối khắp cả nước Việt Nam, nhưng Metro lại liên tục báo lỗ và chỉ có duy nhất một năm báo lãi, đó là năm 2010. Thực trạng đó buộc người ta phải đặt câu hỏi: Có hay không việc Metro chuyển giá, trốn thuế? Và tại sao lại "bán” lại cho một tập đoàn khác? Câu hỏi vẫn chưa có trả lời từ phía cơ quan chức năng, song, một lần nữa, vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài lại cần phải đặt lên bàn cân.

Sự rút lui của Metro cho thấy lỗ hổng trong việc kiểm soát kinh doanh đối với các doanh nghiệp FDI

Lỗ 11 năm, vẫn mở rộng quy mô sản xuất

Bước chân vào thị trường bán lẻ của Việt Nam từ năm 2002, sau 12 năm, Metro đã đầu tư 19 hệ thống siêu thị tại 15 tỉnh, thành của Việt Nam. Trong đó, tập trung nhiều nhất là hai đầu tàu kinh tế, đó là Hà Nội và TPHCM. Như vậy, tính trung bình mỗi năm, DN này "đặt dấu ấn” của mình bằng việc khai trương ít nhất 1-2 siêu thị tại Việt Nam.

Nhìn qua các điểm "tọa lạc” của siêu thị thuộc hệ thống Metro, hầu hết đều ở các vị trí đắc địa, dễ dàng thu hút một lượng lớn khách hàng từ bán buôn đến bán lẻ. Ví dụ như địa điểm tại đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội), đây được coi là điểm cửa ngõ của thủ đô, có thể hấp dẫn khách hàng cả nội đô và những người đến từ các tỉnh lân cận. Không chỉ ở Hà Nội, TPHCM mà cả ở Hải Phòng, Đà Nẵng…, Metro cũng luôn được ưu ái lựa chọn những vị trí đắc địa, vô cùng thuận lợi cho việc kinh doanh, buôn bán. Đó còn chưa kể, khi gia nhập thị trường Việt Nam, Metro đã từng được giảm 50% thuế thu nhập trong 2 năm đầu. Với vị trí địa lý thuận lợi cùng với những ưu đãi lớn từ phía nước chủ nhà, doanh thu của Metro không ngừng gia tăng. Nếu như năm 2002, doanh thu của Metro đạt 21 triệu Euro thì đến năm 2007, tăng lên hơn 14 lần, đạt 299 triệu Euro và con số này của năm 2012 là 516 triệu Euro, tăng gần gấp đôi sau 5 năm.

Vậy thì tại sao, doanh thu tăng liên tục, nhưng 12 năm đầu tư tại Việt Nam thì Metro có đến…11 năm kêu lỗ, chỉ có duy nhất năm 2010 là lãi hơn 116 tỷ đồng. Điều này buộc dư luận phải đặt ra nghi vấn về sự chuyển giá, trốn thuế của Metro. Mặc dù đây vẫn còn đang là nghi vấn, thực hư ra sao vẫn còn phải chờ sự vào cuộc của cơ quan chức năng, song thực tế lại đang quay lưng lại với "đại gia” này. Bởi, không thể có chuyện một DN lớn, liên tục mở rộng kinh doanh khắp các tỉnh, thành phố ở Việt Nam lại có thể thua lỗ liên tục suốt thời gian dài đến vậy. Vì theo quy luật thông thường, một DN chỉ cần làm ăn không hiệu quả, thua lỗ trong một đến hai năm sẽ thu hẹp sản xuất kinh doanh, song với Metro thì ngược lại, càng thua lỗ, càng… mở rộng quy mô(?)

Đặc biệt, dù thua lỗ liên tục, nhưng từ vốn đầu tư ban đầu 78 triệu USD, mới đây "đại gia” Metro đã "trao thân gửi phận” cho Tập đoàn Berli Jucker của Thái Lan với số tiền lên tới… gần 900 triệu USD. Trong cuộc "trao đổi” này, rõ ràng, đối tác phải nhìn thấy tiềm lực của Metro mạnh thế nào mới chấp nhận bỏ ra số tiền lớn đến vậy để mua lại một doanh nghiệp... thua lỗ (!)

Một lần nữa, sự vụ của Metro lại cho thấy những hệ lụy từ việc thu hút FDI bằng mọi giá.

Đâu chỉ mình Metro…

Không thể phủ nhận, 25 năm qua, và tiếp theo năm nay là năm thứ 26, thu hút đầu tư nước ngoài đã tạo ra những thành tựu không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam. Theo nhận định của GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, các dòng vốn FDI đã mang về cho Việt Nam gần 100 tỷ USD trong vòng 25 năm, và đóng góp vào thu ngân sách gần 15 tỷ USD trong vòng 10 năm (từ 2001 đến 2011). Đặc biệt, nhiều dự án FDI đã và đang tạo công ăn việc làm cho trên 2 triệu lao động trực tiếp và khoảng 3-4 triệu lao động gián tiếp.

Song, cần phải nhìn nhận rằng, bên cạnh những cái được từ FDI, vẫn còn đó những mặt trái đã và đang bộc lộ. Và chính sự ưu ái thái quá của chúng ta đã khiến cho nhiều DN DFI lợi dụng sinh ra những mặt trái đó. Metro được giảm thuế thu nhập tới 50% trong 2 năm và cũng như nhiều DN FDI khác, được hưởng những vị thế thuận lợi, ưu đãi về đất đai… trong khi đó là những điều kiện mà các DN trong nước có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới. Vậy nhưng, đổi lại họ - các DN FDI lại dành cho nước chủ nhà những gì: Thất thu ngân sách vì chuyển giá, trốn thuế, tận thu tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường như một vài DN FDI lớn đã từng được điểm mặt. Đó còn chưa kể hàng loạt những vụ việc gây mất trật tự, bất ổn an sinh xã hội như chủ DN FDI nợ lương, bỏ trốn… gây tình trạng thất nghiệp cho hàng ngàn người lao động Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã từng lên tiếng về tình trạng ưu đãi thái quá trong việc thu hút FDI của các địa phương khi ông thẳng thắn nêu vấn đề rằng, việc ưu đãi bằng việc miễn giảm các loại thuế đất, thuế thu nhập DN như đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương, vậy thử hỏi rằng DN FDI nuôi địa phương hay địa phương nuôi DN? Hơn một lần, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, cần chấm dứt tình trạng "trải thảm đỏ” để thu hút đầu tư nước ngoài!

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, một thời gian dài chúng ta "trải thảm đỏ” để thu hút FDI đã và đang gây nên những hệ lụy cho nền kinh tế. Bởi vậy, không thể chỉ nhìn vào những đóng góp của khu vực DN này mà dễ dàng chấp nhận những "thói hư tật xấu” của họ. Không chỉ mình Metro, trước đó là Coca Cola hay Vedan và một loạt các "đại gia” khác từng bị phanh phui, đó thực sự là những bài học đắt giá cho sự quá dễ dãi trong thu hút đầu tư nước ngoài của chúng ta hiện nay.

Duy Phương

Đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Chính phủ trực tiếp ban hành danh mục kinh doanh có điều kiện (25/08/2014)

>   Tháo gỡ những khó khăn cho hoạt động bưu chính, viễn thông (25/08/2014)

>   Bộ Tài chính sửa quy định để giải tỏa bức xúc cho doanh nghiệp (25/08/2014)

>   Thí điểm đấu giá quyền khai thác khoáng sản (25/08/2014)

>   Báo động về lãng phí năng lượng! (25/08/2014)

>   Đường bay vàng Hà Nội - TPHCM: Cục Hàng không đã quyết liệt phản đối ra sao? (25/08/2014)

>   TP.HCM: Thêm 2 khu công nghiệp mới, giảm diện tích KCN Tân Tạo (25/08/2014)

>   Việt Nam đã "hết đất" làm thủy điện? (25/08/2014)

>   Casino có thực sẽ là mỏ vàng? (25/08/2014)

>   Kiểm tra tính hợp pháp của việc chuyển nhượng Metro (25/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật