Chủ Nhật, 24/08/2014 18:02

Lối rẽ của những người khổng lồ Nhật

Khi Sony không còn Vaio, nhiều người tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với các hãng điện tử của Nhật?

Đối với Sony, đó là một giây phút buồn vui lẫn lộn. Vào ngày 1/7 vừa qua, hãng điện tử Nhật này đã nói lời tạm biệt sau cùng với Vaio, thương hiệu máy tính cá nhân được Sony tung ra vào năm 1996. Hồi tháng 2 năm nay, Sony đã công bố sẽ bán Vaio cho một quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân Nhật và thương vụ vừa được hoàn tất.

Chấp nhận “phẫu thuật”

Vaio là một thương hiệu toàn cầu, được nhiều người ưa chuộng, nhưng trước sức ép của nhà đầu tư, ban lãnh đạo Sony đã buộc phải thực hiện một động thái quyết liệt nhằm cải thiện tình hình kinh doanh yếu kém kéo dài suốt nhiều năm. Trong 6 năm qua, đã có tới 5 năm Sony làm ăn thua lỗ và dự kiến công ty sẽ còn bị lỗ tiếp trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2015.

Cùng ngày nói lời từ biệt với Vaio, Sony cũng đã đưa bộ phận tivi đang làm ăn thua lỗ – mặc dù từng là biểu tượng cho thương hiệu Sony và là cỗ máy hái ra tiền của công ty – trở thành một đơn vị hoàn toàn độc lập. Với động thái này, Tổng Giám đốc của Sony – ông Kazuo Hirai – đã loại bỏ khả năng bán đứt bộ phận tivi. Tuy nhiên, công ty cho biết, có thể sẽ liên doanh liên kết với một hãng sản xuất tivi khác.

Sau nhiều năm trì hoãn công cuộc đại tu doanh nghiệp, những động thái của Sony khiến nhiều người hy vọng các hãng điện tử Nhật cuối cùng đã chấp nhận sự thật rằng, mình đang thất trận trên thị trường điện tử toàn cầu (xem biểu đồ) để từ đó mở đường cho một cuộc cải tổ triệt để.

Đồng loạt lột xác

Sự thất trận này là điều hoàn toàn trái ngược với hình ảnh huy hoàng của các công ty điện tử Nhật trong quá khứ. Vào năm 1982, The Economist đã có một bài viết nói về những gã khổng lồ trong ngành điện tử Nhật và những tập đoàn này được dự báo sẽ tiếp tục chinh phục thế giới với những thiết bị mới hấp dẫn như máy quay phim, máy fax, máy nghe nhạc CD. Họ đã thực sự làm được điều đó, nhưng chỉ trong một thời gian. Giờ đây, tất cả các công ty điện tử Nhật đều đang chật vật cạnh tranh trước những đối thủ lớn như Samsung của Hàn Quốc và đặc biệt là Apple của Mỹ. Thậm chí ngay tại sân nhà – thị trường điện tử tiêu dùng đang tăng trưởng của Nhật – các “cựu vương”, trong đó có Hitachi, Panasonic, Sharp, Sony đều đã mất phần lớn thị phần.

Sự loạng choạng này của các công ty Nhật đã diễn ra trong suốt một thập niên. Họ quá chú tâm đến việc tạo ra các thiết bị phần cứng hào nhoáng mà lơ là mảng dịch vụ và phần mềm đang tăng trưởng nhanh (như iTunes của Apple) và đã không nắm bắt được thị hiếu đang thay đổi của người tiêu dùng. Họ cũng chậm trễ trong việc nhận ra các nước đang phát triển là một thị trường tiêu dùng lớn đang tăng trưởng nhanh, chứ không chỉ là một đại bản doanh sản xuất giá rẻ, theo đánh giá của Peter Kenevan, chuyên gia tư vấn của McKinsey tại Tokyo.

Tin tốt lành là dù chậm trễ, các công ty Nhật đã nhận ra sai lầm để sửa chữa. Sony được cho là đang nghiên cứu những cải cách mà Philips đã và đang thực hiện. Công ty Hà Lan này đã dũng cảm cắt bỏ một số lĩnh vực đang làm ăn kém hiệu quả. Năm ngoái, Philips đã “chia tay” mảng sản xuất tivi và sau đó là một phần của bộ phận đèn.

Cơ cấu lại đầu tư

Panasonic cũng bất ngờ thay đổi đường hướng. Dưới sự điều hành của tân Tổng Giám đốc Kazuhiro Tsuga, Panasonic đang từ bỏ cả bộ phận tivi plasma lẫn điện thoại thông minh phục vụ thị trường tiêu dùng. Giờ đây công ty đang tập trung vào việc sản xuất thiết bị nhắm đến đối tượng là các hộ gia đình muốn sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm, hiệu quả. Các phụ tùng ôtô như pin dùng cho xe lai và xe điện cũng là một lĩnh vực được chú trọng phát triển.

Ông Tsuga cũng đang tìm cách để khai thác tốt hơn các thị trường mới nổi ở châu Á. Gần đây, ông đã khiến cho các nhà quản lý dưới trướng bất ngờ khi nói rằng, Panasonic sẽ mở một cơ sở phát triển sản phẩm ở Ấn Độ, chủ yếu sử dụng lao động địa phương.

Thậm chí, một số tập đoàn điện tử đang chuyển sang một lĩnh vực mới đầy bất ngờ: nông nghiệp công nghệ cao. Fujitsu, Hitachi, Panasonic và Sharp chẳng hạn, đang chuyển đổi phần diện tích không sử dụng ở các nhà xưởng thành các nhà kính công nghệ cao để trồng rau quả.

Những thay đổi này, cùng với việc đồng yên giảm giá gần đây (nhờ chính sách kích thích kinh tế của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe) đang mang lại những kết quả hứa hẹn ban đầu. Bằng chứng là Fujitsu, Panasonic và Sharp đều đã có lãi trở lại vào năm 2013. Các công ty điện tử lớn khác cũng đã cải thiện được lợi nhuận, chỉ trừ Sony và NEC.

Sony cam kết, công ty sẽ có lãi trở lại trong năm 2015-2016. Các sản phẩm điện thoại thông minh và máy tính bảng của Sony cuối cùng đã giành được một chút thị phần nhờ một cải tiến đơn giản – đó là đặc tính chống thấm nước của sản phẩm. Dù Sony sẽ phải đi một đoạn đường dài nữa (và là một đoạn đường đầy chông gai) mới có thể lấy lại thị phần đã mất vào tay Apple, nhưng những diễn biến trên cho thấy điều tồi tệ nhất đối với Sony có thể đã qua.

Dẫu vậy, trong tương lai gần Panasonic, Sharp và Sony vẫn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào các sản phẩm điện tử tiêu dùng. Ở Sony phim ảnh, âm nhạc, tivi và các dịch vụ tài chính dù là những mảng lớn, nhưng điện tử tiêu dùng vẫn chiếm tới hơn 60% doanh thu của hãng. Trong khi đó, ở Panasonic mặc dù ông Tsuga đã làm rất nhiều trong công cuộc tái cấu trúc và tái định hướng cho Panasonic, nhưng ông vẫn chưa tìm ra được một con đường tăng trưởng bền vững cho hãng điện tử này. Theo Roderick Lappin, người đứng đầu các cơ sở Nhật của hãng máy tính Trung Quốc Lenovo, nếu Tổng Giám đốc của các công ty điện tử Nhật là những nhà lãnh đạo có tầm nhìn sẵn sàng chấp nhận rủi ro thì các công ty này vẫn có cơ may lấy lại ánh hào quang ngày trước. “Nền kỹ thuật không có đối thủ của họ vẫn là một lợi thế”, ông Lappin nói.

Các công ty Nhật đang sở hữu vô số bản quyền sáng chế. Đó là một tài sản vô giá trong ngành sản xuất các thiết bị công nghệ có thể mang trên người (như đồng hồ đeo tay thông minh) hoặc các thiết bị gia dụng có thể kết nối internet không dây trong tương lai. Hãy chờ xem các công ty Nhật sẽ lội ngược dòng như thế nào.

Thành Lợi

dđdn

Các tin tức khác

>   Máy bay Malaysia Airlines lại gặp sự cố (24/08/2014)

>   Mỹ, Đức phản đối Nga “leo thang nguy hiểm” ở Ukraine (23/08/2014)

>   Thiếu lao động trầm trọng - Nỗi lo của các doanh nghiệp Nhật Bản (23/08/2014)

>   Công ty Nhật phát hiện mỏ dầu khí mới ngoài khơi Việt Nam (22/08/2014)

>   Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá chất phụ gia của Ấn Độ (21/08/2014)

>   Ấn Độ thuê 2 lô dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông (21/08/2014)

>   Gói thầu tỉ đô của người lượm phế liệu (21/08/2014)

>   Libya đang từng bước trở lại thị trường dầu mỏ sau bất ổn (21/08/2014)

>   "Không thể giải quyết vấn đề miền Đông Ukraine bằng vũ lực" (21/08/2014)

>   Samsung nguy cơ mất hàng tỷ USD tiền thuế (21/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật