Lao động nước ngoài đăng ký làm việc tại Vũng Áng: 10.000 người, không có lao động phổ thông?
Sau sự cố mất an ninh trật tự tại Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) ngày 14.5, mới đây Cty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Formosa) đã trình UBND tỉnh Hà Tĩnh xin đưa sang 8.426 lao động nước ngoài. Các nhà thầu khác cũng xin đưa lao động đến từ Trung Quốc. Tổng cộng tới hơn 10.000 người. Đại diện BQL Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, số lao động sắp đến này không có lao động phổ thông! Điều này có phải là sự thật?
* Gần 1 vạn lao động Trung Quốc sắp đến Vũng Áng
Lao động trong nước không đủ trình độ chuyên môn (?!)
Ngày 25.8, ông Hồ Anh Tuấn - Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, từ tháng 7.2014, Cty Formosa đã trình danh sách của 28 nhà thầu thuộc dự án Formosa xin tuyển dụng 8.426 lao động. Sau khi kiểm tra hồ sơ, UBND tỉnh đã đồng ý cho một số nhà thầu tuyển dụng, đưa lao động từ nước ngoài sang làm việc tại Vũng Áng - Hà Tĩnh. Tính đến cuối tháng 8 này, ước chừng có khoảng 600 - 800 lao động đã có mặt ở Vũng Áng.
Theo ông Tuấn, quy trình tuyển dụng 8.426 lao động này, ban đầu các nhà thầu đã thông báo tuyển dụng đúng theo Luật Lao động, không phân biệt lao động trong hay ngoài nước. Tuy nhiên, lao động trong nước không đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn kỹ thuật, năng lực nên không được tuyển vào. Bởi đợt tuyển dụng này, Formosa thông báo chỉ tuyển chuyên gia, lao động kỹ thuật, quản lý chứ không có lao động phổ thông. Do đó, theo ông Tuấn, trong số 8.426 lao động sắp vào Vũng Áng là lao động nước ngoài, chủ yếu là lao động đến từ Trung Quốc. Còn thời điểm này chưa thể nắm rõ cụ thể con số lao động của nước nào, bởi khi tiến hành cấp phép thì mới thống kê được.
Mổ xẻ lý do lao động Việt Nam không trúng tuyển, ông Tuấn cho rằng, ngoài yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật, hầu hết lao động trong nước không đáp ứng được ở hạng mục thi công nhà máy luyện thép, thì tâm lý nếu một số người có trình độ cao họ đã ổn định ở một cơ quan với mức lương cao rồi. Do đó, họ không muốn sang làm cho Formosa chỉ một thời gian khoảng 1 năm đến 1 năm rưỡi nữa là hoàn thành dự án rồi lại phải đi tìm việc ở nơi khác.
Lao động Trung Quốc làm việc tại Việt Nam vẫn chủ yếu là lao động phổ thông.
|
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó GĐ Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh - cũng xác nhận, sở này đã tiếp nhận được tờ trình mà Cty Formosa gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh xin đưa hơn 8.000 lao động nước ngoài sang làm việc tại Vũng Áng. Hiện tỉnh cũng đã đồng ý cho một số nhà thầu đưa lao động sang. Một số nhà thầu khác đã trình hồ sơ, nhưng tỉnh đang xem xét. Cũng theo ông Dũng, chủ trương của tỉnh muốn Formosa sớm đưa lao động sang làm việc. Bản thân Cty Formosa cũng muốn tỉnh sớm đồng ý để đưa lao động sang đẩy nhanh tiến độ của dự án.
Siết chặt quản lý
Theo ông Tuấn, đến cuối tháng 9 tới, Formosa sẽ hoàn thiện việc đưa lao động sang làm việc theo con số đã trình. Khi sang, hầu hết sẽ được bố trí ăn ở tại khu nhà ở tập trung của họ. Nếu có ra thuê trọ nhà dân thì cũng phải báo cáo với BQL Khu kinh tế, Công an, Sở LĐTBXH. "Sau sự cố lộn xộn ngày 14.5, việc quản lý lao động ở Khu kinh tế Vũng Áng rất chặt chẽ. Lao động phải được cấp phép, phải có thẻ mới được vào làm việc. Ngay từ cổng vào khu công nghiệp, đã có lực lượng biên phòng, công an phối hợp kiểm tra thẻ" - ông Tuấn nói. Ông Tuấn cũng khẳng định trách nhiệm quản lý lao động trước hết phải thuộc về Cty Formosa. Tỉnh và BQL Khu kinh tế, Sở LĐTBXH chỉ quản lý về mặt nhà nước trên cơ sở các quy định của pháp luật.
Ông Dũng - Phó GĐ Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh - cũng khẳng định, tới đây sở sẽ yêu cầu BQL Khu kinh tế cùng phối hợp vào cuộc kiểm tra chặt chẽ lao động làm việc ở Vũng Áng. Đến thời điểm này, Khu kinh tế Vũng Áng có 34.161 lao động, trong đó, có 3.547 lao động nước ngoài, riêng lao động Trung Quốc là 1.913 người. Lao động của Cty Formosa đến thời điểm này có 2.288 lao động người nước ngoài, trong đó có 1.799 người Trung Quốc.
Chỉ hơn 2.000 lao động Trung Quốc đến Vũng Áng
Trao đổi nhanh với phóng viên Báo Lao Động chiều 25.8, bà Nguyễn Thị Hải Vân – Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) - cho biết, theo báo cáo sơ bộ của Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh, thông tin tổng hợp báo cáo của BQL Khu kinh tế tỉnh khẳng định, để thực hiện các công trình trong dự án cảng nước sâu Sơn Dương và công trình hạng mục lò cao số 1, 2 của khu liên hợp gang FHS, có 29 nhà thầu xin chỉ tiêu tuyển dụng 10.026 người. Trong đó, 11 đơn vị đã được UBND tỉnh chấp thuận 2.063 chỉ tiêu với 358 cán bộ quản lý, 1.492 lao động kỹ thuật và các vị trí khác. Đến ngày 22.8.2014, BQL tiếp tục tổng hợp và đề nghị tuyển lao động cho 9 gói thầu với 2.976 chỉ tiêu, nhưng vẫn chưa được phê duyệt. Như vậy, tính đến nay chỉ có 2.063 lao động Trung Quốc đến Vũng Áng.
Lê Phương (ghi)
|
Trần Tuấn
Lao động
|