Kinh doanh vàng trang sức: Doanh nghiệp lớn có lợi thế
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, những quy định mới về tuổi vàng của Bộ Khoa học và Công nghệ hiện đang là lợi thế đối với các DN quy mô và uy tín trên thị trường vàng.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - một DN hoạt động cốt lõi trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh vàng nữ trang, những quy định mới về quản lý chất lượng vàng trang sức của Bộ Khoa học và Công nghệ không những không ảnh hưởng đến doanh thu của DN mà còn là cơ hội cho những mặt hàng trang sức có thương hiệu như của PNJ tiêu thụ thuận lợi hơn.
Thực tế trong nhiều năm, hoạt động kinh doanh vàng trang sức không được quản lý chặt chẽ về tiêu chuẩn. Điển hình như sản phẩm vàng trang sức đóng mác 18K, theo tiêu chuẩn quốc tế phải có tỷ lệ vàng ròng 75%, nhưng tại các tiệm kim hoàn tỷ lệ này chỉ phổ biến ở mức 65-68%, thậm chí 54-60%. Người mua vàng trang sức vẫn “mua đâu bán đó”, nhưng nhiều lúc bị mất đến 40-50% giá trị.
Cho nên, khi các quy định về chất lượng vàng trang sức được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành (Thông tư 22/2013/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường) thì thực tế chỉ khiến người tiêu dùng chú ý hơn về mặt chất lượng sản phẩm, tìm hiểu để có hướng bảo vệ quyền lợi của mình. Do việc kiểm tra chất lượng sản phẩm ở phía người mua không dễ dàng, nên các thương hiệu lớn được tin tưởng lựa chọn.
“Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận trang sức của công ty năm nay sẽ tăng đều 21%, đảm bảo cổ tức 20%”, bà Cúc cho hay. Các quy định siết chặt quản lý tuổi vàng dường như đang tạo thuận lợi kinh doanh cho một số thương hiệu vàng trang sức lớn như Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (S.J.C), PNJ… Theo đó, nửa đầu năm 2014, lợi nhuận PNJ thu về nhờ lĩnh vực bán lẻ trang sức và biên lợi nhuận gộp đều tăng, trong đó phân khúc bán lẻ vàng trang sức tăng 24% so với cùng kỳ năm 2013.
Đại diện S.J.C cũng cho biết, mảng kinh doanh nữ trang vẫn đem lại lợi nhuận khá ổn định trong 2 quý đầu năm nay. Tuy không được đa dạng về sản phẩm, mẫu mã như một số thương hiệu nữ trang khác, nhưng sản phẩm trang sức vàng S.J.C được nhiều người lựa chọn, nhất là đối với khách hàng ở các tỉnh, thành.
Theo nhận định của CTCK Bản Việt, 6 tháng đầu năm 2014, kết quả kinh doanh của lĩnh vực bán lẻ nữ trang PNJ tăng là nhờ nỗ lực của ban lãnh đạo trong việc tái cấu trúc quy trình bán hàng và thiết kế sản phẩm, cũng như tối ưu hóa dòng sản phẩm và sản xuất lại các mẫu mã bán chạy...
Dự báo năm 2014, biên lợi nhuận gộp của phân khúc bán lẻ PNJ sẽ tăng 0,5% lên 28%, kết quả này có được là do phân khúc bán lẻ vàng trang sức tăng 0,8% lên 25,8% nhờ vào cơ cấu sản phẩm có biên lợi nhuận cao. Còn việc kinh doanh vàng miếng giảm nên tỷ trọng đóng góp của phân khúc này cho lợi nhuận gộp PNJ sẽ giảm từ 2,7% trong năm 2013 xuống 1,5% trong năm 2014. Theo đó, trong giai đoạn năm 2014-2018, doanh thu có tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm của PNJ là 15% nhờ lĩnh vực bán lẻ đạt 20%.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, những quy định mới về tuổi vàng của Bộ Khoa học và Công nghệ hiện đang là lợi thế đối với các DN quy mô và uy tín trên thị trường vàng. Những năm qua, các DN nữ trang lớn đang chiếm khoảng 20% thị phần, 80% nữ trang đang lưu hành trên thị trường thuộc về các công ty nhỏ lẻ và hàng nhập lậu rất khó kiểm soát. Nhưng, tình hình đó sẽ thay đổi trong thời gian tới.
Kim
thời báo ngân hàng
|